Việt Nam nỗ lực xây dựng thị trường đồ gỗ minh bạch, hợp pháp

(ĐTTCO)-Hiện thị trường xuất khẩu sản phẩm gỗ lớn của Việt Nam là Hoa Kỳ, EU, Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc. Các thị trường này đều hướng tới xây dựng một thị trường đồ gỗ hợp pháp, sản phẩm có nguồn gốc.
Sản xuất, chế biến gỗ xuất khẩu. (Nguồn: TTXVN)
Sản xuất, chế biến gỗ xuất khẩu. (Nguồn: TTXVN)

Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) vừa quyết định điều tra ngành gỗ dán của Việt Nam với lý do một số công ty xuất gỗ dán từ Việt Nam đã vi phạm điều luật về chống lẩn tránh thuế của Hoa Kỳ.

Không chỉ Hoa Kỳ, nhiều quốc gia nhập khẩu gỗ và các sản phẩm gỗ lớn của Việt Nam cũng đang hướng tới áp dụng truy xuất nguồn gốc gỗ, đảm bảo gỗ hợp pháp.

Do đó, Việt Nam đang nỗ lực xây dựng Hệ thống bảo đảm gỗ hợp pháp Việt Nam (VNTLAS), cùng với đó là việc cấp giấy phép FLEGT sớm cho đồ gỗ sang thị trường EU.

Việc này sẽ không chỉ thúc đẩy xuất khẩu mạnh sản phẩm gỗ Việt sang thị trường Liên minh châu Âu (EU) mà còn gia tăng uy tín, mở rộng cơ hội sang nhiều thị trường khác.

Hiện thị trường xuất khẩu sản phẩm gỗ lớn của Việt Nam là Hoa Kỳ, EU, Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc.

Hầu hết các thị trường này đều đã hướng tới xây dựng một thị trường đồ gỗ hợp pháp, sản phẩm có nguồn gốc xuất xứ.

Việt Nam cũng đã thể hiện quyết tâm xây dựng thị trường đồ gỗ có nguồn gốc hợp pháp bằng việc cùng EU thực thi Hiệp định Đối tác tự nguyện về thực thi luật lâm nghiệp, quản trị rừng và thương mại lâm sản (VPA/FLEGT).

Các cam kết của Hiệp định VPA/FLEGT phối hợp với quy định tại Luật Lâm nghiệp, theo đó nghiêm cấm việc nhập khẩu, xuất khẩu, khai thác, chế biến và thương mại gỗ bất hợp pháp theo quy định của pháp luật Việt Nam và quốc tế.

Ông Ngô Sỹ Hoài, Phó Chủ tịch, Tổng thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, cho rằng Việt Nam và EU cùng lên "con tàu" VPA/FLEGT, hy vọng sẽ đẩy ngành công nghệ chế biến gỗ của Việt Nam lên một bước mới. Đối tượng bị chi phối nhiều nhất cũng là đối tượng hưởng lợi từ Hiệp định này là hơn 3.000 doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu gỗ; 340 làng nghề kinh doanh trong lĩnh vực này. Ngoài ra, còn có khoảng 1,4 triệu hộ nông dân trồng rừng cũng sẽ được hưởng lợi.

“Đến nay các doanh nghiệp lớn chế biến, xuất khẩu các sản phẩm gỗ sang Liên minh châu Âu về cơ bản có thể đáp ứng được yêu cầu này. Đây thực chất là việc tổng hợp, hệ thống hóa các việc chúng ta đã làm, đến nay phải đưa vào khuôn khổ để thực thi luật pháp một cách minh bạch, rõ ràng,” ông Ngô Sỹ Hoài cho hay.

Theo ông Ngô Sỹ Hoài, Việt Nam đã trở thành nước xuất khẩu đồ gỗ hàng đầu thế giới nên luôn bị các nước soi xét. Ngoài câu chuyện tác động đến thị trường EU thì việc ký kết và thực thi VPA/FLEGT sẽ góp phần nâng cao uy tín, chiếm lòng tin thị trường khác như Hoa Kỳ, Nhật Bản… Việt Nam đã và đang nỗ lực, vượt qua nhiều khó khăn để đảm bảo gỗ và sản phẩm gỗ Việt Nam hợp pháp.

Để thực hiện toàn diện Hiệp định này, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã hoàn thiện dự thảo Nghị định quy định Hệ thống đảm bảo gỗ hợp pháp Việt Nam và trình Chính phủ ban hành.

Việt Nam sẽ xây dựng và vận hành Hệ thống bảo đảm gỗ hợp pháp Việt Nam nhằm đảm bảo gỗ và sản phẩm gỗ xuất khẩu của Việt Nam có nguồn gốc hợp pháp.

Hệ thống bảo đảm gỗ hợp pháp Việt Nam là hệ thống quốc gia nhằm đảm bảo việc tuân thủ pháp luật về gỗ hợp pháp tại từng giai đoạn của chuỗi cung ứng, bao gồm khai thác, nhập khẩu, mua, bán, vận chuyển, chế biến và xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ.

Ngoài ra, Nghị định quy định Hệ thống đảm bảo gỗ hợp pháp Việt Nam sẽ phân loại doanh nghiệp ra làm 2 loại: nhóm 1 và nhóm 2; trong đó nhóm 1 là những doanh nghiệp đáp ứng và tuân thủ đầy đủ các quy định về đảm bảo gỗ hợp pháp.

Ông Tăng Xuân Phương, Phó trưởng phòng Điều tra xử lý vi phạm về lâm nghiệp, Cục Kiểm lâm, Tổng cục Lâm nghiệp, cho biết việc phân loại doanh nghiệp sẽ không phải gây khó khăn cho doanh nghiệp mà là tạo điều kiện cho họ.

Để tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và vẫn kiểm soát tốt nguồn gốc gỗ, việc phân loại doanh nghiệp thực hiện trên cơ sở tự kê khai thông qua môi trường mạng của Hệ thống thông tin phân loại doanh nghiệp theo cơ chế tự khai, tự chịu trách nhiệm của doanh nghiệp và kết quả xác minh của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền theo quy định. Mục tiêu vẫn là giảm tối đa thủ tục hành chính cho doanh nghiệp.

Khi được công nhận là doanh nghiệp nhóm 1, các doanh nghiệp này có lợi thế là không phải chịu sự kiểm tra, xác nhận nguồn gốc gỗ khi làm thủ tục xuất khẩu gỗ. Các doanh nghiệp không đủ tiêu chí phân loại sẽ chịu sự kiểm tra, xác nhận nguồn gốc gỗ trước khi cấp phép xuất khẩu sang EU.

Thứ trưởng thường trực Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Công Tuấn cũng khẳng định quản lý nguồn gốc gỗ hợp pháp dựa trên cơ sở quản lý rủi ro và giảm thiểu các thủ tục hành chính, đồng thời khuyến khích nâng cao trách nhiệm tuân thủ pháp luật của doanh nghiệp. Việc phân loại doanh nghiệp theo các tiêu chí cụ thể về tuân thủ quy định của pháp luật cũng là để quản lý.

Theo khảo sát nhanh của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, hiện có trên 90% doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu gỗ của Việt Nam đáp ứng tiêu chí doanh nghiệp nhóm 1. Các doanh nghiệp còn lại cần áp dụng các biện pháp quản lý chặt chẽ hơn. Mục tiêu Việt Nam hướng tới là 100% doanh nghiệp trong lĩnh vực này đều thuộc nhóm 1.

Bà Nguyễn Tường Vân, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ và Hợp tác quốc tế, Chánh văn phòng thường trực Ban chỉ đạo về FLEGT và Lacey, Tổng cục Lâm nghiệp cho rằng việc Việt Nam đàm phán được một thị trường nhưng lại mở được cả thị trường khác. Tuy nhiên, giai đoạn doanh nghiệp khó khăn nhất là khi Nghị định có hiệu lực nhưng chưa cấp giấy phép FLEGT thì doanh nghiệp vẫn phải làm giải trình trong xuất khẩu. Do đó, càng nhanh cấp được giấy phép thì doanh nghiệp càng hưởng lợi, còn càng lâu thì họ càng phải gánh nhiều nghĩa vụ, thậm chí là nghĩa vụ “kép” mà chưa nhìn thấy lợi ích của Hiệp định mang lại.

Bà Nguyễn Tường Vân nhận định sau khi Nghị định có hiệu lực, vấn đề quản lý gỗ được áp dụng ngay, nhưng phải khoảng 6 tháng sau mới có thể tiến hành phân loại doanh nghiệp. Nếu đầu năm 2021, Việt Nam có thể vận hành được Hệ thống đảm bảo gỗ hợp pháp thì phải đến cuối năm 2021, hoặc đầu năm 2022 mới có thể cấp giấy phép FLEGT đầu tiên.

Theo bà Nguyễn Tường Vân, tuy việc cấp giấy phép FLEGT chỉ phải thực hiện với thị trường EU nhưng với việc vận hành Hệ thống đảm bảo gỗ hợp pháp đã chứng minh chuỗi cung ứng gỗ và sản phẩm gỗ Việt Nam luôn đáp ứng được tiêu chí này với các thị trường khác.

Tổng cục Lâm nghiệp cùng các hiệp hội, doanh nghiệp ngành chế biến gỗ cho rằng, khi vận hành được Hệ thống đảm bảo gỗ hợp pháp sẽ hỗ trợ tích cực trong việc điều tra nguồn gốc xuất xứ sản phẩm, chống gian lận thương mại, giả xuất xứ hàng hóa.

Các tin khác