Việt Nam: Phải chấp nhận giảm thu nhưng chi nhiều

(ĐTTCO)-Theo PGS.TS TRẦN ĐÌNH THIÊN, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng, có 2 điểm quan trọng trong lúc này. Thứ nhất, trong một thế giới bất định hiện nay, chính sách, doanh nghiệp phải “nương theo” để tính từng bước. Thứ hai, khi nền kinh tế, doanh nghiệp gặp khó khăn phải đầu tư, lúc đó đầu tư công là động lực và ngân sách buộc giảm thu nhưng chi nhiều.
Một khi chuỗi cung ứng toàn cầu bị đứt gãy, các chính sách đưa ra để cứu DN chỉ là liều thuốc giảm đau.
Một khi chuỗi cung ứng toàn cầu bị đứt gãy, các chính sách đưa ra để cứu DN chỉ là liều thuốc giảm đau.
PHÓNG VIÊN: - Ông nhận xét ra sao về các biện pháp hỗ trợ của Chính phủ trong khi phải triệt để chống dịch?
PGS.TS TRẦN ĐÌNH THIÊN: - Việc chủ động chống dịch triệt để là điều phải làm, nhưng cũng đã khiến chuỗi sản xuất, cung - cầu trong nước bị ảnh hưởng; chuỗi lao động, việc làm bị ngắt. Mạch kinh tế bị đứt còn do chuỗi cung - cầu thế giới bị chia cắt, nền kinh tế gần như ngừng lại.
Chống dịch triệt để cũng khiến chi phí bỏ ra rất lớn. Gói cứu trợ, hỗ trợ đã được đưa ra để cấp cứu người dân, doanh nghiệp nhưng với phạm vi hỗ trợ rộng cũng khó giám sát, quản lý chặt chẽ, có thể bị lợi dụng.
Gói hỗ trợ, giãn thời gian nộp thuế giá trị 180.000 tỷ đồng được triển khai sẽ có 98% doanh nghiệp được hưởng lợi. Tuy nhiên, trong bối cảnh khó khăn, mọi sự hỗ trợ hay cứu trợ sẽ không bao giờ đủ, nên phải xác định rõ Nhà nước có thể hay không thể can thiệp gì. Còn trong triển khai, quan điểm của tôi là tiêu chí phải rõ ràng, đơn giản với đối tượng được hỗ trợ. 
Chính sách tài khóa tiền tệ đưa ra hiện nay giúp giải quyết được một phần, đó là không để doanh nghiệp không chết. Nhưng trong bối cảnh chuỗi cung - cầu bị đứt hiện nay, các chính sách vẫn chưa thể giải quyết được vấn đề sản xuất kinh doanh, tức đảm bảo hoạt động của doanh nghiệp.
Nếu hết thời gian hoãn thuế doanh nghiệp sẽ thế nào? Tôi cho rằng, điều này hoàn toàn phụ thuộc vào sức chống chịu của doanh nghiệp. Nếu quá sức chống chịu của ngân sách, của doanh nghiệp chắc doanh nghiệp phải “đi” thôi. Tôi muốn nói thêm, với doanh nghiệp nhỏ, việc đóng cửa có thể chỉ là tạm thời, nhưng với doanh nghiệp lớn khi đã đóng cửa là phá sản.
Theo tôi chúng ta cần phải có tầm nhìn, dự báo được các mức độ rủi ro theo từng phương án. Các kịch bản có thể dựa trên việc Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc chống dịch xong, còn châu Âu hay Mỹ vẫn tiếp tục chống dịch…
Nghĩa là tính các kịch bản dựa trên những thị trường quan trọng của Việt Nam. Bài toán này đương nhiên rất khó nhưng phải cố gắng làm, dù kịch bản không thể đúng tuyệt đối. Chính phủ đưa ra kịch bản tổng thể, còn các bộ, ngành, doanh nghiệp, hiệp hội phải lên kịch bản chi tiết.
- Vậy việc hỗ trợ hiệu quả sẽ phụ thuộc vào sức chống chịu của ngân sách và doanh nghiệp, thưa ông?
Khi nền kinh tế tốt, chi tiêu công ít, dành đất cho khu vực tư nhân. Khi nền kinh tế yếu, khu vực tư nhân khó khăn, ngân sách phải chi ra, đầu tư công phải trở thành động lực. Lúc này, phải chấp nhận ngân sách thu ít nhưng chi nhiều.
- Sức chống chịu của ngân sách là gì? Miễn thuế có miễn được không? Tôi nghĩ chắc là khó. Vì nếu miễn thuế, ngân sách phải đi vay để bù cho các hoạt động chi tiêu. Hiện nay, ngân sách đang yếu vì thâm hụt, nhiều nguồn thu bị kẹt lại. Thực tế này cho thấy năm nay triển vọng cực kỳ khó khăn. 
Bởi lẽ, dù có được hỗ trợ, doanh nghiệp có sống được hay không, theo nghĩa vẫn hoạt động, còn tùy thuộc vào điều kiện khác. Ngân sách có hạn, nhiều khó khăn mà chi ra gói cứu trợ là sự cố gắng lớn. In tiền không được vì lo ngại khủng hoảng, lạm phát. Còn vay cũng phải tính toán xem phương án vay tiền ở đâu.
- Vậy chúng ta phải làm gì trong hoàn cảnh hiện nay?
- Dù Việt Nam hết dịch vẫn sẽ khó khăn nếu Trung Quốc vẫn còn dịch, châu Âu, Mỹ chưa biết khi nào hết dịch. Việt Nam có độ mở kinh tế lớn với kim ngạch xuất nhập khẩu 500 tỷ USD, gấp đôi GDP. Với tình thế bất định như vậy, rõ ràng Chính phủ, doanh nghiệp phải nương theo thế giới để tính từng bước. Bên cạnh đó, nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) từ các khu vực đến Việt Nam trong quý II được dự báo giảm và khả năng lớn tăng trưởng âm.
Trong bối cảnh như vậy, muốn tăng trưởng phải dựa vào đầu tư công. Nhưng để giải ngân vốn đầu tư công tốt phải có giải pháp để vượt qua những lực cản của thủ tục hành chính cũ, đưa ra hệ tiêu chuẩn khác để xử lý.
Thí dụ, với những dự án lớn như sân bay Long Thành, theo tôi cần phải đưa các quy định với tiêu chí khác để phê duyệt, thúc đẩy triển khai nhanh hơn theo hướng đơn giản, rõ ràng, tính chịu trách nhiệm cao hơn và quan trọng là hướng tới hiệu quả cuối cùng. Chẳng hạn, trong vấn đề giải phóng mặt bằng, cần đặt ra thời hạn, nếu đến thời gian đó chưa xong người chịu trách nhiệm phải bị xử lý.
- Vậy đầu tư công đang là “cứu cánh” trong việc tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, hỗ trợ tăng trưởng hiện nay?
- Với 700.000 tỷ đồng, tương đương gần 30 tỷ USD, rõ ràng nguồn vốn này nếu được “chảy” sẽ giúp doanh nghiệp tư nhân, cho xã hội và hỗ trợ nền kinh tế. Trong vấn đề này, tôi muốn nhấn mạnh đến chi tiêu ngân sách có tính quyết định.
Nếu nền kinh tế vận hành tốt thì đầu tư công ít, để tư nhân đầu tư, miễn là ngân sách thu được nhiều. Khi nền kinh tế, doanh nghiệp gặp khó khăn phải đầu tư, tức đầu tư công là động lực. Lúc này, ngân sách thu ít nhưng chi nhiều.
- Dịch Covid-19 mang đến nhiều rủi ro nhưng cũng mang đến cơ hội cho những thay đổi tích cực?
- Đây là cơ hội thay đổi các tư duy cũ và phải chuyển rất nhanh sang kinh tế số. Chúng ta có thể dành một phần trong 700.000 tỷ đồng đầu tư công để ưu tiên cho hạ tầng thông tin quốc gia nhằm phát triển kinh tế số. Tư duy về nguồn nhân lực phải thay đổi, không chỉ gia công với lắp ráp.
Covid-19 chỉ là một phần của cuộc chơi, đặc biệt xung đột giữa Mỹ - Trung Quốc chưa xong và không cẩn thận sẽ là của cả thế giới với Trung Quốc. Thời điểm này cũng là dịp Việt Nam nhìn lại các tuyến, hướng phát triển. 
- Xin cảm ơn ông.

Các tin khác