Việt Nam: Thương mại sắp tới ra sao?

(ĐTTCO)-Hoạt động thương mại của Việt Nam trong thời gian qua đã có những chuyển biến tích cực, mặc dù toàn cầu đang chịu sự tàn phá của Covid-19 và những bất ổn vốn đã tồn tại như thương chiến Mỹ-Trung. Việt Nam ghi nhận mức xuất siêu kỷ lục đạt 18,72 tỷ USD trong 10 tháng năm 2020. Tuy nhiên, mối quan hệ với các đối tác thương mại lớn đang tồn tại sự mất cân đối, đặc biệt là với Mỹ và Trung Quốc.
Việt Nam: Thương mại sắp tới ra sao?
Thặng dư thương mại đang ở mức kỷ lục
Xuất khẩu vẫn là một trong những hoạt động chính giúp duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế dương của Việt Nam trong năm 2020. Tổng cục Thống kê (GSO) trong 10 tháng năm 2020 ghi nhận cán cân thương mại của Việt Nam đạt mức xuất siêu kỷ lục 18,72 tỷ USD, trong đó tháng 9 và 10-2020 đạt lần lượt là 3,5 và 2,2 tỷ USD.
Đây là một dấu hiệu tích cực trong bối cảnh mà thế giới phải đối mặt với nhiều khó khăn do đại dịch Covid-19 và những bất định vốn đã tồn tại trước đây.
Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu và nhập khẩu hàng hóa 10 tháng tiếp tục gia tăng với mức 229,27 tỷ USD (tăng 4,7%) và 210,55 tỷ USD (tăng 0,4%). Các mặt hàng góp phần vào tăng trưởng thương mại chủ yếu là máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng, điện tử, máy tính và linh kiện. Ở chiều ngược lại, các mặt hàng tiêu dùng cơ bản như dệt may, giày dép, điện thoại và linh kiện đã chứng kiến sự suy giảm.
Mỹ và Trung Quốc là hai thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch 62,3 tỷ USD (tăng 24%) và 37,6 tỷ USD (tăng 14%). Đối với những đối tác thương mại khác, xuất khẩu của Việt Nam sang EU, ASEAN, Nhật Bản, Hàn Quốc đã chứng kiến sự sụt giảm với mức giảm lần lượt là -3%, -11,6%, -7%, và -2,6%.
Mối quan hệ giữa Việt Nam với Mỹ và Trung Quốc đang cho thấy sự trái ngược đáng kể, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ đang tăng nhanh và đạt thặng dư thương mại 50,7 tỷ USD so với thời điểm 2010 chỉ khoảng 12,4 tỷ USD. 
Việt Nam vẫn là quốc gia nhập siêu từ Trung Quốc với kim ngạch nhập khẩu 65,8 tỷ USD (tăng 6,2%), thâm hụt thương mại ở mức 28,2 tỷ USD. Bên cạnh đó, kim ngạch nhập khẩu ở các đối tác thương mại quan trọng khác lại giảm như Hàn Quốc (giảm 5,3%), ASEAN (giảm 8,5%), Mỹ (giảm 2,4%).

Chúng ta học được điều gì?
Trở lại câu chuyện về thương chiến Mỹ-Trung, đây sẽ là một bài học kinh nghiệm cho các quốc gia trong bối cảnh thương mại toàn cầu đã có những chuyển biến mới. Nhà kinh tế học Krugman, người đã đạt giải Nobel kinh tế 2008 đã cho rằng, chủ nghĩa bảo hộ không làm giảm hoàn toàn thâm hụt thương mại, đặc biệt là khi xét đến cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung.
Có thể thấy sự bất đối xứng trong thương mại song phương chưa thể giải thích hết việc thâm hụt thương mại vốn dĩ tồn tại từ lâu ở Mỹ, vấn đề đặt ra ở đây là làm thế nào để nâng cao năng lực sản xuất tại quốc gia bị thâm hụt. 
Dường như Krugman đang ủng hộ cuộc chiến thương mại với Trung Quốc, hành động răn đe Trung Quốc vẫn nhận được sự ủng hộ từ công dân Mỹ thuộc hai đảng Dân chủ và Cộng hòa với tỷ lệ khảo sát lần lượt là 59% và 70% vào năm 2018, và tăng lên 62% và 72% vào năm 2019 (Pew Research Center, 2020)
Tuy nhiên Krugman lại phản đối cách thức thực thi của Tổng thống Trump, đặc biệt là trong việc thiết kế chính sách nhằm nâng cao sự “tự chủ” của nền kinh tế.
Một bài học rút ra từ nhận định này đó là nếu tự chủ càng cao thì càng hạn chế phụ thuộc quá nhiều vào Trung Quốc (một hành động tháo nút), khi mà nơi này là một mắt xích lớn trong chuỗi cung ứng của thế giới, đặc biệt là các nhóm ngành công nghiệp chế tạo ô tô, máy tính, điện tử, dệt may, dược.
Việt Nam: Thương mại sắp tới ra sao? ảnh 1 Chỉ số nhập khẩu hàng hóa của Mỹ từ Trung Quốc và Việt Nam, T1.2015-T9.2020. 
Nguồn: Dữ liệu trích xuất từ Fred (thời điểm bắt đầu là tháng 1-2015 với giá trị cơ sở là 100).
Trong số báo trước, chúng tôi đã trình bày cách thức vượt qua khủng hoảng của Trung Quốc trước sự tàn phá của Covid-19 và những bất ổn của thế giới như thương chiến, đây là bằng chứng cho thấy sự khác biệt với Mỹ. Một điểm thú vị đó là hoạt động thương mại của Trung Quốc đã tăng vọt và đóng góp khoảng 15% vào GDP của 9 tháng năm 2020.
Xuất khẩu lũy kế tăng 0,5%, kết quả này nhờ vào sự phục hồi nhanh chóng của công nghiệp sản xuất và giá trị gia tăng công nghiệp gần như quay lại mức ngang bằng so với trước đại dịch xảy ra, một yếu tố mà Mỹ đang gặp khó khăn. Ngoài ra, Trung Quốc đã có thiết lập một cấu trúc đa phương theo kiểu toàn cầu hóa mới, làm suy yếu vai trò dẫn dắt “cuộc chơi” của Mỹ.
Có thể thấy, cuộc chiến thương mại cho đến nay chủ yếu tập trung vào Trung Quốc, đây đơn thuần chỉ là khuyến khích sự chuyển hướng thương mại sang các quốc gia khác thay vì bảo vệ, mở rộng và nâng cao năng lực sản xuất tại Mỹ. Thậm chí mục tiêu hướng đến của Tổng thống Trump trong cuộc chiến này là bài trừ Trung Quốc, một chiến dịch “rút quân” và có thể đi đến bất kỳ nơi đâu ngoại trừ Trung Quốc.
Như vậy, động cơ mà Mỹ châm ngòi cuộc chiến tranh thương mại không hoàn toàn nằm ở khía cạnh kinh tế, mà đó là sự so kè và khẳng định vị thế người dẫn đầu trên bản đồ kinh tế, chính trị thế giới.
Và có lẽ thương chiến Mỹ-Trung sẽ thất bại trong khía cạnh cải thiện thâm hụt thương mại của Mỹ, nguyên nhân không phải vì động cơ ban đầu sai lầm mà là cách thiết kế chính sách chưa toàn diện.
Việt Nam hiện là một trong những nền kinh tế có độ mở thương mại lớn nhất thế giới, hơn 200% của GDP, do đó bất kỳ những biến động nào của kinh tế toàn cầu đều có những ảnh hưởng nhất định đến nền kinh tế trong nước. 
Xét đến Việt Nam, một góc nhìn từ phía Mỹ về chỉ số nhập khẩu hàng hóa đã cho thấy sự trái ngược đáng kể. Đồ thị đã cho thấy sự chuyển dịch thương mại mạnh mẽ giữa Mỹ với Trung Quốc và Việt Nam kể từ khi thương chiến xảy ra vào 2018 và đại dịch năm 2020.
Với giá trị cao nhất của Việt Nam là 310,1 vào tháng 8-2020, cùng thời điểm này Trung Quốc đạt 105,8. Tuy nhiên, cần phải lưu ý rằng kết quả từ đồ thị này vẫn có thể khiến Mỹ đưa ra nghi vấn liệu Việt Nam có phải là nơi trung gian thương mại (transhipment) của các nước đang bị Mỹ trừng phạt. 
Hiện tại, Việt Nam thuộc danh sách theo dõi chính sách tiền tệ của Bộ Tài chính Mỹ và theo dõi thương mại của Bộ Thương mại Mỹ (DOC). Do đó, cần phải nâng cao hoạt động giám sát đối với hiện tượng hàng hóa Trung Quốc chuyền tải qua Việt Nam, dán nhãn “Made in Vietnam” sau đó xuất qua Mỹ để tránh mức thuế quan cao.

Thương mại Việt Nam sẽ ra sao?
Việt Nam hiện là một trong những nền kinh tế có độ mở thương mại lớn nhất thế giới, hơn 200% của GDP, do đó bất kỳ những biến động nào của kinh tế toàn cầu đều có những ảnh hưởng nhất định đến nền kinh tế trong nước. 
Hoạt động thương mại Việt Nam trong 10 tháng năm 2020 đã có những chuyển biến tích cực mặc dù phải đối mặt với những bất lợi từ đại dịch Covid-19. Quá trình hội nhập toàn cầu gần đây của Việt Nam có thể mang lại lợi ích kinh tế, ít nhất là trong ngắn hạn. Cụ thể, Việt Nam đã ký kết Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Thương mại tự do (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ đầu tư (EVIPA) với Liên minh châu Âu.
Gần đây nhất vào ngày 15-11-2020, Việt Nam đã ký kết Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) giữa các quốc gia ASEAN với Australia, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và New Zealand. Với vai trò là Chủ tịch ASEAN năm 2020, có lẽ Việt Nam ký kết hiệp định này với mục tiêu hướng đến sự kết nối đa phương của ASEAN hơn là những lợi ích có được từ RCEP, vì phần lớn các nước tham gia hiệp định này đã ký kết hợp tác thương mại với Việt Nam trước đó.
Tuy nhiên, cần phải thận trọng với những hiệp định có sự tham gia của Trung Quốc với vai trò dẫn dắt “cuộc chơi”, khi mà việc nhập siêu của Việt Nam liên tục gia tăng trong giai đoạn vừa qua. Kết hợp với xu hướng đồng Việt Nam (VNĐ) lên giá so với đồng nhân dân tệ (CNY), đã tạo áp lực đối với cán cân thương mại giữa Việt Nam và Trung Quốc.
Hàng hóa Trung Quốc khi đó sẽ rẻ hơn và tràn vào Việt Nam, tạo áp lực cho các doanh nghiệp nội địa phải chịu sự cạnh tranh khốc liệt ngay trên sân nhà. Ngoài ra, còn dẫn đến sự cạnh tranh về giá lẫn thị phần của các doanh nghiệp xuất khẩu ở Việt Nam trong thương mại toàn cầu.
 Phải thận trọng với những hiệp định có sự tham gia của Trung Quốc với vai trò dẫn dắt “cuộc chơi”, khi mà việc nhập siêu của Việt Nam liên tục gia tăng trong giai đoạn vừa qua.
Trong thời gian tới, Việt Nam cần phải kiểm tra chặt chẽ hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu và những hướng hành động trong chính sách. Nếu có bất kỳ một dấu hiệu nào cho thấy sự thao túng tiền tệ, là nơi trung gian chuyển tiếp, hành động bán phá giá, trợ cấp sẽ dẫn đến khả năng phải đối mặt với các chính sách phong tỏa mậu dịch (anti-trade) hay các lệnh trừng phạt thương mại và phi thương mại khác từ những đối tác lớn, đặc biệt là trong bối cảnh chủ nghĩa bảo hộ ngày càng gia tăng.   

Các tin khác