Vietnam Airlines và trật tự ưu tiên các gói giải cứu kinh tế

(ĐTTCO)-Trong báo cáo tài chính hợp nhất nửa đầu năm 2020 của Hãng hàng không Quốc gia Việt Nam (Vietnam Airlines), Công ty Kiểm toán Deloitte cho biết do nợ ngắn hạn vượt quá tài sản ngắn hạn, nên khả năng hoạt động liên tục của hãng phụ thuộc sự hỗ trợ về tài chính của Chính phủ, cũng như việc được gia hạn thanh toán các khoản vay phải trả từ các ngân hàng, tổ chức tín dụng, nhà cung cấp và diễn biến của dịch bệnh.
Vietnam Airlines và trật tự ưu tiên các gói giải cứu kinh tế ảnh 1
Vì sao cần giải cứu Vietnam Airlines?
Vietnam Airlines đã được nhiều tổ chức tín dụng hỗ trợ hàng ngàn tỷ đồng từ đầu năm tới nay dưới dạng các khoản vay. Chủ nợ lớn nhất của Vietnam Airlines hiện tại là Vietcombank với gần 8.000 tỷ đồng nợ vay ngắn và dài hạn.
Tuy nhiên, với tình trạng kinh doanh hiện tại, năng lực trả các khoản nợ ngắn hạn của Vietnam Airlines bị nghi ngờ. Nói cách khác, muốn Vietnam Airlines tồn tại cần có gói “giải cứu”.
Vào giữa tháng 7, Vietnam Airlines đã trình Chính phủ xin hỗ trợ khẩn cấp 12.000 tỷ đồng do những khó khăn do dịch Covid-19 gây ra.
Nhưng không chỉ Vietnam Airlines lâm vào khó khăn, nhiều ngành kinh tế trọng điểm như dệt may, da giày cũng lâm vào khó khăn rất lớn. Đây cũng là những ngành công nghiệp mũi nhọn, giải quyết việc làm cho hàng triệu lao động và đóng góp xuất khẩu không hề nhỏ. 
Nếu nói Vietnam Airlines góp phần đóng góp lớn cho ngân sách nhiều ngàn tỷ đồng các năm trước, thì đừng quên rằng một phần lợi nhuận đó xuất phát từ những giá trị vô hình, như những lợi thế của quan hệ chặt chẽ với cổ đông Nhà nước đang chiếm trên 80% cổ phần ở công ty này.
Vietnam Airlines và trật tự ưu tiên các gói giải cứu kinh tế ảnh 2 Kết quả kinh doanh Vietnam Airlines (tỷ đồng)
Xét về những đóng góp trong giải quyết việc làm, tạo sự năng động cho nền kinh tế, chưa chắc Vietnam Airlines đã đóng góp lớn hơn hàng ngàn doanh nghiệp dệt may và da giày nhỏ đang đứng trước nguy cơ đóng cửa.
Có người lại cho rằng Vietnam Airlines là “con ruột” của Nhà nước và Nhà nước đang giữ hơn 80% cổ phần ở đây, nên được ưu tiên. Vậy hóa ra mấy chục ngàn doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ, doanh nghiệp nội địa cũng đang chờ giải cứu là con ghẻ? Lý luận như vậy thật quá lạ lùng.
Nói vậy để thấy, không thể cãi nhau bằng miệng rằng doanh nghiệp này cần cứu, doanh nghiệp kia cần cứu, mà cần lập và công bố một chiến lược giải cứu kinh tế có những phân tích định lượng rõ ràng về hiệu quả tác động của từng gói giải cứu đến nền kinh tế, để các chuyên gia độc lập phản biện, đặc biệt với việc giải cứu những công ty được xem là “con ruột” của Nhà nước hay địa phương nào đó.
Trục lợi các gói giải cứu chưa phải không xảy ra. Ở Mỹ, nhiều công ty lớn đã giành phần lấy tiền giải cứu của các công ty nhỏ, cho đến khi bị truyền thông phanh phui đã phải trả lại tiền. 
Những gói giải cứu kinh tế sẽ được tài trợ bằng tiền của Nhà nước, có nghĩa được trả thông qua các đồng thuế của người dân. Nhiều tổ chức kinh tế và chính phủ trên thế giới đã dự báo nhiều loại thuế phải tăng lên sau dịch Covid-19 để bù đắp cho các khoản thâm hụt ngân sách và vay nợ chính phủ chấp nhận để giải cứu nền kinh tế.
Nếu dân phải đóng thuế để tài trợ chi phí giải cứu, người dân cũng có quyền được có ý kiến nên cứu ai và không cứu ai. 
Đại biểu Quốc hội đại diện cho người dân phải giám sát chặt quá trình này, và nên được trao quyền phủ quyết những gói giải cứu ngàn tỷ, như việc lưỡng viện ở Mỹ đang tranh luận và bỏ phiếu về gói cứu trợ kinh tế thứ 2.
Chính phủ không nên được tự quyết những khoản chi khổng lồ này trong thời điểm nhạy cảm như hiện tại, mà không thông qua Quốc hội. Trong bối cảnh nguồn lực có hạn, số địa chỉ cần giải cứu rất nhiều, các kế hoạch giải cứu phải thông qua Quốc hội là hợp lý và cần thiết.
Giải cứu như thế nào?
Có rất nhiều cách để thiết kế các gói giải cứu. Thí dụ Thái Lan hiện nay và Hy Lạp trước đây, là tiến hành đưa ra gói tái cấu trúc, để công ty được bảo hộ phá sản, chủ nợ tạm thời không đòi nợ nữa và có thể chấp nhận xóa một số khoản nợ.
Giải pháp này có thể áp dụng ở Việt Nam để những chủ nợ lớn như Vietcombank tiến hành giãn nợ, thậm chí mua cổ phần, trái phiếu chuyển đổi phát hành mới của Vietnam Airlines để hỗ trợ tài chính cho công ty. Như vậy, nếu tái cấu trúc thành công, bản thân ngân hàng cũng hưởng lợi từ sự hồi sinh của công ty. 
Điều này về căn bản là sự phân chia rủi ro giữa chủ nợ và Vietnam Airlines. Bởi nếu Vietnam Airlines phá sản, chủ nợ lớn cũng sẽ bị thiệt hại nặng. Bản thân các chủ nợ khi cho Vietnam Airlines vay dù công ty đang lâm vào khó khăn lớn, họ đã đặt cược vào một canh bạc rủi ro, nghĩ rằng Nhà nước chắc chắn sẽ giải cứu Vietnam Airlines.
 Lấy trường hợp Vietnam Airlines làm minh họa, nhưng các nguyên tắc trên cần được áp dụng cho hầu hết gói cứu trợ nhiều ngàn tỷ đồng để đảm bảo đồng tiền cứu trợ kinh tế được sử dụng tốt nhất.
Vậy nếu Nhà nước thật sự giải cứu, ngân hàng kiếm lời từ những khoản cho vay, có lợi nhuận, chi lương thưởng cho lãnh đạo ngân hàng, trả cổ tức cho cổ đông, còn tiền thuế dân phải đóng để hỗ trợ Vietnam Airlines. Bài toán như vậy hóa ra ngân hàng “khôn” quá?
Một cách làm khác là trường hợp Đức giải cứu Hãng hàng không Lufthansa, hay Mỹ giải cứu Công ty AIG trước đây. Theo đó, ngân hàng nhà nước hoặc chính phủ trực tiếp rót vốn thêm và trở thành cổ đông công ty.
Điều này đối với Vietnam Airlines có trở ngại vì tỷ lệ sở hữu của Nhà nước trong Vietnam Airlines đã quá cao. Cách khác nữa là Singapore Airlines phát hành cổ phiếu và quyền mua cổ phiếu, trái phiếu chuyển đổi cho cổ đông tư nhân. Có người cho rằng trong điều kiện thị trường hiện tại, điều này không khả thi.
Tuy nhiên, đây không phải là chuyện ai đó nói không khả thi là được. Cần phải có báo cáo đầy đủ và điều tra nhu cầu thị trường vốn rõ ràng, do một công ty có kinh nghiệm thu xếp vốn quốc tế công bố, không phải ai cũng có quyền nói thay cho nhà đầu tư nước ngoài và trong nước được. 
Yếu tố quan trọng khi lựa chọn các phương án này là tính minh bạch và tính chịu trách nhiệm của việc đánh giá tính khả thi, lợi ích và nhược điểm của từng phương án. Minh bạch là các phương án này phải công khai để người dân và đại biểu Quốc hội biết và giám sát.
Tính chịu trách nhiệm là các cấp, cá nhân ra quyết định này phải chịu trách nhiệm/tưởng thưởng nếu các gói giải cứu để lại hậu quả hay mang lại thành công. 
Quan trọng hơn, khi công ty nào đó, không chỉ Vietnam Airlines, nhận được hỗ trợ của Nhà nước, phải có những quy định chặt chẽ về trách nhiệm, chế độ lương thưởng của lãnh đạo công ty, việc chi cổ tức cho cổ đông…
Bởi không thể “tay mặt lấy tiền giải cứu, tay trái chi thưởng cho lãnh đạo”. Như vậy không công bằng với hàng ngàn doanh nghiệp khác phải đóng cửa và những người lao động bị mất việc. 

Các tin khác