Vùng ven Hà Nội: Nhà hoang, phố hoang

(ĐTTCO) - Thị trường BĐS Hà Nội đã sôi động trở lại, lượng giao dịch tăng lên đáng kể trong thời gian qua, nhưng dường như sự sôi động chỉ có ở những dự án gần trung tâm, có kết nối hạ tầng tốt. 
 
Vùng ven Hà Nội: Nhà hoang, phố hoang
Còn ở khu vực phía Tây Hà Nội hàng chục dự án quy mô đầu tư ngàn tỷ đang bỏ hoang, nằm đắp chiếu nhiều năm liền
Chung cư đắp chiếu
 Có thể kể ra hàng loạt dự án khu đô thị (KĐT) lớn đang đắp chiếu tại Hà Nội, như Gleximco trên đường Lê Trọng Tấn, Kim Chung-Di Trạch, Nam An Khánh, Bắc An Khánh, Vân Canh… Điểm chung là hầu hết dự án đắp chiếu, bỏ hoang tại Hà Nội hiện nay đều được cấp phép đầu tư từ trước năm 2008, khi Hà Nội chưa sáp nhập với tỉnh Hà Tây.
Các dự án này được Hà Tây cấp phép đồng loạt trước thời điểm sáp nhập về thủ đô.
Sức nóng thị trường chưa lan tỏa tới khu vực xa trung tâm và vùng ven, mặt khác hầu hết dự án KĐT đều thiếu kết nối hạ tầng đồng bộ, không thuận tiện cho nhu cầu ở của người dân nên rất khó bán, đã khiến nhiều dự án chung cư, KĐT phía Tây Hà Nội ở trong tình trạng sống dở chết dở. 
Nhưng điều đáng nói là đến nay sau hơn 10 năm cấp phép các dự án này hoặc được đầu tư dở dang đắp chiếu, hoặc để đất trống.  Có một sự trùng hợp khoảng thời gian sáp nhập Hà Nội với Hà Tây cũng là những năm thị trường BĐS cả nước nói chung và Hà Nội nói riêng rơi vào chu kỳ phát triển nóng, hàng loạt nhà đầu tư đua nhau đổ tiền vào làm dự án với kỳ vọng tìm kiếm siêu lợi nhuận. 
Tuy nhiên, 2 biến cố mở rộng địa bàn thủ đô và vỡ bong bóng đầu cơ trên thị trường những năm sau đó, đã khiến hàng chục dự án rơi vào tình trạng sống dở, chết dở không thể hồi sinh sau nhiều năm. Chỉ tính riêng trên địa bàn quận Hà Đông, hàng loạt dự án chung cư đang đắp chiếu chờ tín hiệu tích cực từ thị trường.
Điển hình là dự án Unsilk City do CTCP Sông Đà Thăng Long, làm chủ đầu tư, thuộc khu đô thị Văn Khê. Đến nay, sau 9 năm khởi công 12 tòa chung cư cao 25-50 tầng của dự án mới có vài tòa được hoàn thành và đưa vào sử dụng. Tháng 5-2017 vì không đủ khả năng tài chính để đầu tư dự án Unsilk, Sông Đà Thăng Long buộc phải chuyển nhượng cho CTCP Đầu tư Hải Phát tòa nhà CT2-105 cao 50 tầng để tiếp tục đầu tư. Hiện vẫn còn 2 tòa chung cư mới hoàn thành dở dang phần móng thuộc dự án Unsilk đang nằm đắp chiếu.

Một dự án chung cư cao cấp khác nằm ngay trung tâm quận Hà Đông là dự án Booyoung Vina Mỗ Lao do nhà đầu tư Hàn Quốc - Công ty TNHH MTV Booyoung Việt Nam làm chủ đầu tư, có quy mô diện tích đất 4,3ha, dự kiến xây dựng 6 tòa chung cư cao 30 tầng, tổng mức đầu tư ban đầu 171 triệu USD. Hồi năm 2015, nhà đầu tư Hàn Quốc đã ký kết hợp tác đầu tư với Vinaconex 9 để tiếp tục thực hiện dự án, nhưng đến nay dự án vẫn nằm đắp chiếu và chưa hẹn ngày hoàn thành.

Cũng do nhà đầu tư Hàn Quốc thực hiện trên địa bàn quận Hà Đông, đến nay dự án chung cư The K Park, KĐT Văn Phú, Hà Đông đang xây dựng dở dang rồi bị bỏ hoang. Đến nay, sau gần 10 năm xây dựng, dự án chung cư cao cấp này vẫn chưa hoàn thành xong khối đế. Dự án do Công ty TNHH Hibrand Việt Nam làm chủ đầu tư và tổng thầu Deawoo E&C thi công, gồm 3 tòa chung cư cao cấp K1 cao 27 tầng, K2 cao 25 tầng, K3 cao 23 tầng, dự kiến khởi công lại vào tháng 3 nhưng đến nay vẫn nằm trong tình trạng đắp chiếu.

Biệt thự bỏ hoang

Trước thực trạng hàng loạt dự án đắp chiếu, bỏ hoang trên địa bàn, cuối năm 2015 TP Hà Nội đã quyết định rà soát 573 dự án nhà ở, KĐT trên địa bàn chậm triển khai. Khi đó giải pháp được đưa ra là thu hồi các dự án chết, dự án bỏ hoang nhiều năm, nhưng đến nay TP vẫn chưa thể công bố kết quả rà soát và cách thức xử lý các dự án đắp chiếu tại khu vực phía Tây.
Theo đó, chỉ tính riêng trên địa bàn huyện Hoài Đức hiện có hàng loạt dự án đang bỏ hoang, chưa biết khi nào hồi sinh. Đó là các dự án KĐT nhà ở biệt thự, liền kề Lideco, KĐT Kim Chung - Di Trạch, KĐT Vân Canh, KĐT Gleximco, KĐT Đức Giang, KĐT Bắc An Khánh, KĐT Nam An Khánh… Việc các KĐT, biệt thự, nhà ở liền kề này nằm đắp chiếu hàng chục năm khiến hàng trăm ha đất bỏ hoang, gây lãng phí lớn. Hàng ngàn tỷ đồng cũng bị chôn vùi vào các KĐT này khi hạ tầng và hàng ngàn căn biệt thư xây thô rồi để hoang nhiều năm liền.

 Có thể kể tới KĐT Lideco do CTCP Phát triển Đô thị Từ Liêm làm chủ đầu tư có quy mô 38,23ha, với tổng mức đầu tư 781 tỷ đồng, gồm 600 ngôi biệt thự thiết kế theo phong cách tân cổ điển. Dự án được xây dựng từ năm 2008, dự kiến hoàn thiện từ năm 2013 song đến nay hàng trăm căn biệt thự, liền kề vẫn bỏ hoang, được chủ đầu tư rao bán với giá 25 triệu đồng/m2. KĐT Kim Chung - Di Trạch do do Tổng CTCP Thương mại và Xây dựng (Vietracimex) làm chủ đầu tư có tổng diện tích 140ha, được khởi công rầm rộ từ năm 2009, từng gây sốt trên thị trường những năm sau đó, nhưng đến nay đang bỏ hoang sau khi đầu tư xây thô hàng trăm căn biệt thự.

Dự án biệt thự bỏ hoang đáng chú ý nhất tại khu vực phía Tây Hà Nội những năm qua là dự án KĐT Lê Trọng Tấn Gleximco do CTCP Xuất nhập khẩu Tổng hợp Hà Nội - Geleximco đầu tư. Dự án nằm trên trục Đại lộ Thăng Long, cách Trung tâm Hội nghị quốc gia khoảng 6km về phía Tây trên diện tích 135ha, với quy mô dân số ước tính 25.000 người. Đến nay, Geleximco đã rót hơn 3.000 tỷ đồng đầu tư với kỳ vọng biến nơi đây thành KĐT hiện đại, năng động nhưng hiện hàng trăm biệt thự nơi đây vẫn không có người ở. 

Có một nghịch lý, dù để hoang nhiều năm nhưng giá bán các biệt thự này vẫn lên tới cả chục tỷ đồng. Nguyên nhân do hầu hết dự án này đều được triển khai trong thời kỳ thị trường bùng nổ, nhà đầu tư đẩy giá, và không ít căn biệt thự bỏ hoang đã có chủ dù không vào ở được. Vì thế, Hà Nội phải cần thêm nhiều năm nữa, khi nhu cầu phát triển lan tỏa tới các khu vực xa trung tâm để tái sinh các khu biệt thự, nhà ở liền kề này.

Các tin khác