Vượt qua thách thức dịch nCoV: Đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công

(ĐTTCO)-Dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona (nCoV) có thể gây ra nhiều tác động trực tiếp và gián tiếp đối với nền kinh tế nước ta: từ giảm khách du lịch đến từ Trung Quốc ảnh hưởng đến các ngành dịch vụ, xuất khẩu giảm sút… cho đến giảm/mất việc làm, thu - chi ngân sách… 
Hoạt động mua bán tại một siêu thị ở TPHCM. Ảnh: HOÀNG HÙNG
Hoạt động mua bán tại một siêu thị ở TPHCM. Ảnh: HOÀNG HÙNG
Bên cạnh các giải pháp đồng bộ được Chính phủ, các bộ, ngành triển khai vừa chống dịch vừa duy trì tăng trưởng kinh tế cao, còn cần các giải pháp gì?

Phóng viên ghi nhận ý kiến của các chuyên gia, đại diện một số hiệp hội, ngành hàng xung quanh vấn đề này.

TS NGUYỄN ĐÌNH CUNG, Thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế trung ương:

Cái khó sẽ làm ló cái khôn

Tôi nghĩ dịch nCoV chưa thể được khống chế trong quý 1, phải kéo sang quý 2. Giả sử dịch kéo dài hết quý 2, thì tốc độ tăng trưởng có thể bị giảm đáng kể, từ 0,5 đến 1 điểm phần trăm. Nếu dịch bệnh kéo dài, có thể tác động còn lớn hơn.

Trong số các giải pháp cần triển khai, tôi cho rằng các bộ, ngành địa phương cần tập trung giải quyết ngay các thủ tục hành chính, các vướng mắc khác có liên quan, nhất là đối với các dự án đầu tư công quy mô lớn, quan trọng để dự án có thể khởi công, triển khai thực hiện ngay trong nửa đầu năm 2020.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính tập trung hỗ trợ các bộ, ngành và địa phương giải quyết nhanh vướng mắc trong thủ tục thẩm định, phê duyệt, cân đối và bố trí đủ vốn trong năm cho các dự án đầu tư; khắc phục ngay sự chậm trễ trong khởi công các dự án hạ tầng quan trọng quy mô lớn nói riêng và giải ngân vốn đầu tư công nói chung. Biện pháp này vừa kích cầu nội địa hỗ trợ tăng trưởng ngắn hạn 2020, vừa tạo thêm năng lực phát triển kinh tế cho các năm tiếp theo.

Cùng với đó tiếp tục điều hành linh hoạt chính sách tài khóa, tiền tệ, duy trì ổn định kinh tế vĩ mô; quyết liệt hơn về mức độ các giải pháp cải cách, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, tập trung trước hết vào tạo điều kiện thuận lợi hơn, hỗ trợ và khuyến khích mạnh mẽ hơn đối với phát triển kinh tế tư nhân.
Cái khó sẽ làm ló cái khôn. Chúng ta sẽ làm hết sức, đảm bảo tăng trưởng thực chất.

TS NGUYỄN ĐỨC ĐỘ Phó Viện trưởng Viện Kinh tế - Tài chính: 

Tránh đưa ra các biện pháp quá mạnh

Trong năm 2020, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam gặp khá nhiều thách thức. Thứ nhất, sau giai đoạn tăng trưởng cao năm 2017-2019, nền kinh tế đã có một số dấu hiệu giảm tốc, điều chỉnh theo chu kỳ. Thứ hai, kinh tế toàn cầu vẫn đang trong xu hướng tăng trưởng chậm lại kể từ năm 2018, thậm chí có nguy cơ rơi vào suy thoái trong năm nay. Thứ ba, dịch nCoV đang khiến các ngành thương mại, du lịch và vận tải liên quan đến Trung Quốc bị đình trệ.

Trong bối cảnh đó, việc thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6,8% trong năm nay gặp rất nhiều khó khăn.

Điều quan trọng nhất hiện nay là khống chế sự lây lan của dịch nCoV. Đây là điều kiện tiên quyết để nền sản xuất trong nước không bị gián đoạn hay ngừng trệ. Tuy nhiên, các biện pháp cũng cần được sử dụng đúng liều lượng, tránh việc đưa ra các biện pháp quá mạnh có thể dẫn đến các thiệt hại kinh tế không cần thiết. Một số kênh xuất, nhập khẩu hàng hóa với Trung Quốc đang bị dừng cần được nhanh chóng nối lại khi đảm bảo các điều kiện về ngăn ngừa dịch.

Một số ngành sản xuất thay thế nguyên vật liệu nhập khẩu từ Trung Quốc cũng cần được cân nhắc phát triển, tăng công suất. Những ngành này không chỉ tạo thêm việc làm cho người dân, hỗ trợ các ngành sản xuất, xuất khẩu trong thời gian trước mắt do thiếu nguyên liệu từ Trung Quốc, mà còn giúp giải quyết vấn đề xuất xứ với các nước nhập khẩu hàng hóa từ Việt Nam trong tương lai.

Ngành dịch vụ du lịch cũng cần tránh việc có thái độ kỳ thị với khách hàng Trung Quốc, gây ảnh hưởng không tốt tới hình ảnh của Việt Nam cũng như triển vọng phát triển trong tương lai khi dịch bệnh kết thúc. Bên cạnh đó, việc cải thiện môi trường kinh doanh cũng cần được thúc đẩy mạnh mẽ hơn so với thời gian vừa qua để thu hút đầu tư nước ngoài.

TS CẤN VĂN LỰCChuyên gia tài chính - ngân hàng: 

Tháo gỡ những điểm nghẽn

 Cần thúc đẩy việc giải ngân vốn đầu tư công, cùng với đó là cải thiện môi trường kinh doanh. Những ngành sản xuất, xuất khẩu chịu tác động tiêu cực từ dịch nCoV thì cần phải tính đến phương án tháo gỡ, hỗ trợ nhưng trên quan điểm là không phải là bao cấp.

Bên cạnh đó, cũng phải tính đến phương án nới lỏng tiền tệ và tài khóa (tất nhiên hiện nay cũng chưa cần vì áp lực lạm phát vẫn còn tương đối cao). Trong đó, tôi đánh giá cao phản ứng của Ngân hàng Nhà nước trong việc chỉ đạo các ngân hàng thương mại hỗ trợ doanh nghiệp khó khăn; giảm lãi suất; giãn nợ.

Một giải pháp có thể được tính đến là phương án hạ lãi suất điều hành. Tất nhiên là hạ không nhiều vì nếu không sẽ liên quan đến chuyện lạm phát. Còn gói kích thích kinh tế, theo tôi cũng cần tính đến trong các kịch bản và phải tính toán cẩn thận, tránh việc triển khai chưa hiệu quả như đã từng xảy ra năm 2009.

Với các doanh nghiệp, tôi cho rằng cần phải theo dõi, bám sát tình hình hiện nay và đánh giá tác động của những thay đổi đó ảnh hưởng ra sao đến ngành nghề, khách hàng của mình, từ đó có giải pháp giảm thiểu rủi ro.

Ông NGUYỄN HOÀI NAM Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến thủy sản Việt Nam (VASEP): 

Cơ hội mở cho thủy sản

 Do ảnh hưởng của dịch, các đơn hàng xuất khẩu của doanh nghiệp thủy sản đều chậm lại. Các đối tác hứa ngày 16-2 mới bắt đầu nhận hàng. Khó khăn với xuất khẩu thủy sản hiện nay là một số hãng tàu biển lớn ngưng nhận các container hàng chở đi Trung Quốc. Các khách hàng lớn ở Nhật Bản cũng đề nghị không đưa hàng qua Trung Quốc. Theo kế hoạch của các đối tác ở EU và Mỹ, đầu năm nay họ sẽ sang thăm, đánh giá các nhà máy thủy sản của Việt Nam nhưng hiện nay họ dừng hoặc hủy.

Tuy nhiên, bối cảnh hiện nay lại là cơ hội cho thủy sản Việt Nam tăng trưởng xuất khẩu. Chẳng hạn như cá ngừ, lâu nay Trung Quốc là 1 trong 5 nước bán cá ngừ lớn, nhưng hiện nay các nước không mua cá ngừ Trung Quốc nên giá giảm sâu. Các doanh nghiệp cá ngừ Việt Nam đang coi đây là cơ hội đối với các nguồn tiêu thụ khác, gia tăng thị phần, giá cả.

Ông NGUYỄN ĐÌNH TÙNG Hiệp hội Rau quả Việt Nam:

Hỗ trợ doanh nghiệp tìm thêm thị trường

 Dịch nCoV ngay lập tức đã tác động xấu đến giá nhiều loại nông sản Việt Nam, nhất là trái cây. Dịch đã làm nhóm doanh nghiệp xuất khẩu trái cây đi Trung Quốc (thị trường truyền thống lớn) bị ảnh hưởng nặng nề.

Trong bối cảnh dịch bệnh có thể diễn biến lâu dài, phức tạp, Hiệp hội Rau quả Việt Nam kiến nghị Bộ NN-PTNT, Bộ Công thương tiếp tục hỗ trợ, đẩy mạnh xuất khẩu nông sản vào các thị trường khác; quy hoạch vùng trồng, làm tốt công tác bảo quản, riêng Bộ Công thương hỗ trợ tiền điện cho những đơn vị tham gia bảo quản trái cây để vượt qua khó khăn trong giai đoạn này. Giải pháp tốt để đảm bảo ổn định sản xuất, giữ vững đà tăng trưởng trong xuất khẩu nông sản là các bộ ngành tích cực hỗ trợ doanh nghiệp đàm phán, thúc đẩy tháo gỡ, hoàn thiện các chính sách về thủ tục, rào cản kỹ thuật… để mở rộng thị trường xuất khẩu.

Các tin khác