WB: Việt Nam có những cơ hội rất lớn để thu hút vốn đầu tư nước ngoài

(ĐTTCO)-Theo Giám đốc Quốc gia của WB, Việt Nam đã cho thấy sự "dẻo dai tương đối" khi ghi nhận tăng trưởng kinh tế dương trong khi nhiều nước khác không thể.
Dây chuyền sản xuất các sản phẩm bao bì tại Công ty Cổ phần bao bì Thuận Đức. (Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN)
Dây chuyền sản xuất các sản phẩm bao bì tại Công ty Cổ phần bao bì Thuận Đức. (Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN)

"Giữa bối cảnh các doanh nghiệp trên toàn thế giới đang mong muốn tìm kiếm một 'bến đỗ' có khả năng đảm bảo tính liên tục trong hoạt động sản xuất, Việt Nam đang đứng trước những cơ hội rất lớn để thu hút vốn đầu tư nước ngoài."

Đó là lời khẳng định của bà Carolyn Turk, Giám đốc Quốc gia của Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam, trong buổi trả lời phỏng vấn phóng viên Thông tấn xã Việt Nam.

Việt Nam có lợi thế cạnh tranh và xuất phát điểm để phục hồi kinh tế

Bà Carolyn Turk khẳng định Việt Nam đang làm rất tốt việc kiểm soát đại dịch COVID-19. Có thể nói, Việt Nam đang đi trước thế giới trong cuộc chiến chống đại dịch này. Điều đó được thể hiện qua việc Việt Nam đã không ghi nhận ca mắc mới trong cộng đồng trong hai tháng gần đây, và đó là một bước tiến đáng kinh ngạc nếu so sánh với tình hình thế giới.

Khi đã kiểm soát được đại dịch, kinh tế Việt Nam có cơ hội trở lại guồng quay trước nhiều nước trên thế giới. Theo Giám đốc Quốc gia của WB, Việt Nam đã cho thấy sự "dẻo dai tương đối" khi ghi nhận tăng trưởng kinh tế dương trong khi nhiều nước khác không thể.

WB dự báo tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Việt Nam sẽ ở mức khoảng 2-3% trong năm nay và 5-6,5% trong năm 2021.

Bên cạnh đó, bà Turk cũng cho rằng việc kiểm soát tốt đại dịch COVID-19 sẽ là công cụ quảng bá tốt nhất cho Việt Nam, bởi Việt Nam đã có thể khôi phục các hoạt động kinh tế trong khi các nước khác chỉ có thể mở cửa trở lại từng phần.

Bà nói: "Trong bối cảnh các doanh nghiệp trên toàn thế giới đang mong muốn tìm kiếm một 'bến đỗ' có khả năng đảm bảo tính liên tục trong hoạt động sản xuất, Việt Nam đang đứng trước những cơ hội rất lớn để thu hút vốn đầu tư nước ngoài."

Làm thế nào để duy trì lợi thế trong tương lai?

Mặc dù vậy, bà Turk cũng cho rằng, giữa bối cảnh tình hình thế giới còn rất khó đoán định, những lợi thế cạnh tranh của Việt Nam trong giai đoạn này có thể sẽ mất đi khi các quốc gia khác bắt đầu quay trở lại trạng thái bình thường.

Trong bối cảnh đó, câu hỏi đặt ra là làm thế nào để Việt Nam duy trì được những lợi thế đó trong tương lai? Việt Nam có thể là nước đầu tiên quay trở lại quỹ đạo phục hồi, song điều quan trọng là phải kết hợp quá trình phục hồi đó với các biện pháp cải cách và có những hành động, chính sách nhằm duy trì lợi thế cạnh tranh khi các quốc gia khác cũng quay trở lại trạng thái bình thường.

WB: Viet Nam co nhung co hoi rat lon de thu hut von dau tu nuoc ngoai hinh anh 2
Sản xuất hàng dệt may. (Nguồn: TTXVN)

Giám đốc Quốc gia của WB tại Việt Nam cũng lưu ý rằng tình hình thế giới hiện rất khó lường và tiềm ẩn những rủi ro nhất định, do đó Việt Nam cần kiểm soát những rủi ro này một cách chủ động nhất có thể.

Rủi ro đầu tiên có thể kể đến là mặc dù ghi nhận tăng trưởng, song tất cả các lĩnh vực kinh tế của Việt Nam đều đã chịu ảnh hưởng nhất định từ các biện pháp phong tỏa nhằm ngăn chặn COVID-19 và sự suy thoái của kinh tế toàn cầu. Cùng với đó, những tác động này cũng đang "len lỏi" vào thị trường lao động với tỷ lệ thất nghiệp gia tăng.

Trong khi đó, đối với các doanh nghiệp nhỏ, nguồn vốn dự phòng của họ bị thu hẹp, mặc dù các công ty vẫn mở cửa hoạt động nhưng thu nhập giảm. Điều này sẽ tác động đến nguồn vốn dự trữ của doanh nghiệp và làm hạn chế khả năng đối phó với rủi ro cũng như các vấn đề có thể nảy sinh.

Rủi ro tài khóa cũng là một trong những rủi ro phải tính đến. Thực tế là không chỉ Việt Nam mà nhiều quốc gia khác cũng đang phải đối mặt với tình trạng nguồn thu ngân sách giảm trong khi nhu cầu chi tiêu và đầu tư gia tăng để ứng phó với cuộc khủng hoảng COVID-19. Nếu tình trạng này tiếp diễn, áp lực tài khóa sẽ là rất lớn.

Ngoài ra, một rủi ro khác đó là áp lực trong lĩnh vực tài chính. Khi doanh nghiệp bắt đầu gặp khó khăn về dòng tiền, họ sẽ gặp khó trong việc trả nợ.
Cuối cùng, bà Turk nhấn mạnh rằng Chính phủ Việt Nam cũng nên quan tâm đến các nguy cơ có thể phát sinh từ đói nghèo và rủi ro xã hội, đồng thời đảm bảo rằng nhóm người dễ bị tổn thương phải được bảo vệ.

Gỡ "nút thắt" về giải ngân vốn

Chia sẻ về những chính sách hỗ trợ của WB trong thời gian tới, bà Carolyn Turk cho biết WB đang thực hiện một chương trình hỗ trợ cho Việt Nam với 39 dự án và số vốn là 7 tỷ USD.

Ngoài danh mục này, WB cũng sẽ hỗ trợ bằng cách cung cấp các nghiên cứu, phân tích dữ liệu nhằm giúp chính phủ chuẩn bị cho những rủi ro cũng như các tình huống khác nhau.

WB cũng sẵn sàng hỗ trợ thêm các khoản đầu tư giúp tăng cường khả năng phục hồi trong tương lai.

Để những phương án này mang lại hiệu quả tốt nhất, bà Turk mong muốn các khoản đầu tư của WB sẽ được thực hiện và giải ngân với tiến độ nhanh hơn, bởi WB nhận thấy tốc độ giải ngân vốn cho các dự án của WB ở Việt Nam hiện chậm hơn so với các quốc gia khác trên thế giới.

Ví dụ, thời gian từ khi phê duyệt dự án đến lần giải ngân đầu tiên mất trung bình 19 tháng và khoảng thời gian này cần được rút ngắn đáng kể.

Bà Carolyn Turk cũng nhận thấy rằng trong những tháng gần đây, tiến độ giải ngân các khoản đầu tư công tại Việt Nam đang tăng tốc và bày tỏ mong muốn những khoản đầu tư khác, chẳng hạn như các dự án được tài trợ bằng vốn ODA, cũng sẽ tăng tốc như vậy bởi theo bà, "đây là thời điểm cần đẩy nhanh đầu tư để hỗ trợ sự phục hồi mạnh mẽ của nền kinh tế."

Cuối cùng, Giám đốc Quốc gia của WB tại Việt Nam nhấn mạnh việc quản lý vốn ODA có thể được cải thiện thông qua sự phân chia rõ ràng giữa vai trò và trách nhiệm của các bên liên quan, bên cạnh việc phân quyền phê duyệt xuống các cấp thấp hơn trong một số vấn đề, nhằm rút ngắn thời gian chờ cấp phép và giải ngân các dự án.

Các tin khác