Xã hội hóa để gắn trách nhiệm

(ĐTTCO) - Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản thông báo kết luận của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, về việc quy hoạch chi tiết dự án xây dựng Trung tâm Hội chợ triển lãm quốc gia tại Đông Anh, Hà Nội.
Xã hội hóa để gắn trách nhiệm
Thủ tướng khẳng định, tiếp tục chủ trương đầu tư xây dựng trung tâm này đáp ứng yêu cầu tổ chức triển lãm, hội chợ quy mô, tầm vóc quốc tế, đến năm 2020 đưa vào sử dụng. Thủ tướng giao các bộ và UBND TP Hà Nội thực hiện đầu tư xây dựng trung tâm và các dự án thành phần, không dùng ngân sách nhà nước (NSNN), chỉ sử dụng nguồn vốn xã hội hóa (XHH), trên cơ sở khai thác hiệu quả nguồn lực từ đất đai.
Quan điểm trên của Thủ tướng thể hiện rõ việc Chính phủ coi trọng XHH, thu hút nguồn lực đầu tư ngoài NSNN. Đây cũng là chỉ đạo định hướng quan trọng trong bối cảnh nguồn lực nhà nước có hạn, trong khi nhu cầu đầu tư cho phát triển, nhất là đầu tư hạ tầng đô thị, giao thông rất lớn.
 Nhìn lại kết cấu hạ tầng nước ta những năm trở lại đây đã có bước phát triển, có nhiều công trình lớn. Tuy vậy, quy hoạch vẫn chưa đồng bộ, tiến độ nhiều công trình hạ tầng sử dụng NSNN còn chậm trễ, đầu tư dàn trải, thiếu hiệu quả, gây ra nhiều tổn thất cho NSNN, đặc biệt không ai chịu trách nhiệm về thực trạng này. 
Thực tế trong mấy năm gần đây, đã có những địa phương thực sự đột phá về phát triển hạ tầng nhờ huy động được nguồn lực xã hội. Chẳng hạn, tỉnh Quảng Ninh được đánh giá là địa phương tiên phong cả nước trong việc huy động đa dạng hóa các nguồn lực đầu tư, xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội. Chính nhờ thu hút được nguồn lực XHH một cách mạnh mẽ, chỉ vài năm Quảng Ninh đã xây dựng được những công trình hiện đại vào loại bậc nhất cả nước, như cao tốc Hạ Long - Hải Phòng, cao tốc Hạ Long - Vân Đồn, cầu Bạch Đằng...
Nói về hiệu quả của đầu tư hạ tầng từ nguốn vốn XHH, hình ảnh chiếc máy bay đầu tiên từ sân bay Cát Bi đáp xuống Cảng Hàng không quốc tế Vân Đồn cách đây hơn 2 tháng (11-7), không chỉ gây ấn tượng bởi những cảm xúc vui mừng của người dân, nhà đầu tư ở đây, còn khiến không ít người ngạc nhiên về tốc độ xây dựng công trình quy mô lớn của doanh nghiệp tư nhân.
Đó là 1 tập đoàn tư nhân làm sân bay này chỉ trong vòng 18 tháng, còn nếu để Nhà nước làm có thể mất 15-20 năm. Bằng chứng là để thay đổi 1 vách kính ở sân bay Tân Sơn Nhất nhằm tạo không gian thông thoáng cho hành khách, Nhà nước làm mất 2 năm; sửa sang 1 phòng chờ theo cơ chế nhà nước cũng mất 2 năm mới hoàn thành. 
XHH đầu tư hạ tầng như “1 mũi tên trúng 2 đích”, vừa phát triển được hạ tầng đồng thời giảm gánh nặng NSNN. Bởi trong bối cảnh nguồn NSNN hạn hẹp, chỉ có XHH mới có nguồn lực cho đầu tư phát triển. Và phải XHH để Nhà nước có lợi, nhà đầu tư có lợi và người dân cũng được hưởng lợi.
Đã có nhiều thông điệp, chỉ đạo phải chuyển giao, giao bớt dự án, công trình đầu tư cho tư nhân làm, nhưng thực tế vẫn rất ít công trình, dự án lớn tới tay doanh nghiệp tư nhân. Dù 3 năm gần đây tỷ trọng vốn đầu tư công trong tổng vốn đầu tư phát triển hàng năm đã có xu hướng giảm, nhưng tốc độ giảm còn chậm: Năm 2015 còn ở mức 38%, đến năm 2017 mới giảm xuống 36%, vẫn là mức rất cao so với nhiều nước. Điều đó cho thấy việc khuyến khích, thúc đẩy đầu tư tư nhân, giảm đầu tư công vẫn dừng lại ở chủ trương, chưa phát huy hết tiềm năng của khu vực kinh tế tư nhân.
Để phát huy nguồn lực đầu tư vào hạ tầng xã hội, điều quan trọng là cần có sự đột phá về thể chế, cơ chế để tạo niềm tin cho nhà đầu tư tư nhân. Chỉ có vậy mới huy động được nguồn lực XHH dồi dào cho các dự án mang tầm quốc gia. Và khi tư nhân đã bỏ vốn ra đầu tư mới thấy “của đau con xót”, không phải “cha chung không ai khóc” như thực trạng các dự án, công trình đầu tư bằng vốn NSNN hiện nay.
Chỉ đạo trên của người đứng đầu Chính phủ đang tiếp thêm hy vọng mới cho việc mở rộng thêm cánh cửa từ thể chế đổi mới để thu hút nguồn lực xã hội vào phát triển hạ tầng, đồng thời gắn trách nhiệm rõ ràng đối với cá nhân, tổ chức tham gia đầu tư.

Các tin khác