Xây dựng chương trình phục hồi kinh tế “hậu Covid-19”

(ĐTTCO) - Tại buổi tọa đàm trực tuyến “Khôi phục và phát triển kinh tế TPHCM năm 2020” do UBND TPHCM tổ chức vào ngày 5-5, đồng chí Nguyễn Thành Phong, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch UBND TPHCM, bày tỏ đồng tình với việc xây dựng chương trình phục hồi kinh tế hậu Covid-19, theo đề xuất của TS Trần Du Lịch, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Chính phủ.

Liên quan đến nội dung này, TS Trần Du Lịch đã đặt ra nhiều giải pháp cụ thể nhằm đảm bảo doanh nghiệp (DN) bám trụ được, sau đó phục hồi và tái cơ cấu kinh tế theo cả chiều rộng lẫn chiều sâu. Báo SGGP giới thiệu các điểm chính của đề xuất này.  

Sớm bình thường hóa các hoạt động kinh tế

Trước hết, chính quyền TPHCM cần sớm bình thường hóa các hoạt động kinh tế trên địa bàn trong điều kiện bình thường mới. Trong hơn 3 tháng qua, thực hiện chủ trương “chống dịch như chống giặc” của Chính phủ, TPHCM đã vượt qua được giai đoạn là điểm nóng của dịch, bảo vệ sức khỏe của nhân dân. Tuy nhiên, TPHCM cũng chịu hệ quả tiêu cực về kinh tế nặng nề nhất.

Trong lúc tập trung nguồn lực chống dịch Covid-19, thực hiện nghiêm ngặt biện pháp giãn cách xã hội, Chính phủ vẫn chủ trương thực hiện “mục tiêu kép” nhằm ngăn chặn suy giảm kinh tế, nhất là nguy cơ đổ vỡ hàng loạt DN do gãy đổ các chuỗi sản xuất và phân phối. Tuy nhiên, tình hình phá sản DN hiện nay không còn là nguy cơ mà đã là hiện thực, nên đòi hỏi phải sớm vực dậy, nếu không sẽ quá muộn.

Đối với TPHCM, việc phục hồi kinh tế trên địa bàn còn là vấn đề kinh tế của cả nước. Bởi lẽ, TPHCM có gần 50% số lượng DN hoạt động theo Luật DN và khoảng 10% tổng số hộ sản xuất kinh doanh cá thể của cả nước.

Với các đặc điểm về quy mô, vị trí, cơ cấu kinh tế…, độ nhạy của hoạt động kinh tế trên địa bàn TPHCM trước những tác động tích cực hoặc tiêu cực từ bên ngoài thường lớn hơn so với tình hình chung của cả nước. Trong thời gian qua, bên cạnh việc thực hiện đồng bộ 4 vấn đề (ngăn chặn kiểm soát sự lây lan của dịch; bảo đảm an sinh xã hội; hỗ trợ sản xuất kinh doanh; tháo gỡ vướng mắc để đẩy mạnh đầu tư công) theo yêu cầu của Trung ương, TPHCM còn bổ sung một số chính sách (theo Nghị quyết 02/2020 ngày 27-3-2020 của HĐND TPHCM). Phần lớn các nội dung của 4 nhóm vấn đề trên đang được tập trung thực hiện. Tuy nhiên, TPHCM cần phải bổ sung nhiều chính sách, giải pháp mạnh mẽ hơn trong thời gian tới.

Xây dựng chương trình phục hồi kinh tế “hậu Covid-19” ảnh 1Đẩy nhanh tiến độ giải ngân các công trình đầu tư sẽ giúp kinh tế TPHCM sớm phục hồi (Ảnh: Công trình cầu Thủ Thiêm 2 đang thi công). Ảnh: CAO THĂNG

Cũng cần lưu ý thêm, kết quả thực hiện các chính sách và giải pháp hiện hành tùy thuộc vào 2 điều kiện. Thứ nhất, những biện pháp phòng ngừa dịch bệnh tái phát không còn là những nhân tố cản trở các hoạt động kinh tế. Đồng thời giai đoạn bình thường mới không làm hạn chế các hoạt động kinh tế, dù quy mô hoạt động có giảm chút ít. Thứ hai, thực hiện có hiệu quả tất cả các giải pháp đề ra cho giai đoạn này để tạo hiệu ứng tổng hợp, kích thích cả tổng cầu lẫn tổng cung của nền kinh tế.

Phát huy “át chủ bài”: đầu tư công

Để phục hồi và phát triển kinh tế, cần triển khai hiệu quả các gói giải pháp hỗ trợ đang thực thi trên địa bàn TPHCM; đồng thời bổ sung thêm những biện pháp mạnh hơn để hỗ trợ DN và đầu tư công.

Trong đó, đối với nhiệm vụ bảo đảm an sinh xã hội thì trước tiên cần triển khai nhanh gói an sinh xã hội 62.000 tỷ đồng, nhằm hỗ trợ cuộc sống của người dân gặp khó khăn do dịch bệnh. Biện pháp này cũng sẽ giúp kích cầu tiêu dùng, do đối tượng thụ hưởng là những người có khuynh hướng tiêu dùng cao. Vì vậy, gói hỗ trợ này thực hiện càng nhanh thì tác động lan tỏa đến các hoạt động kinh tế khác càng nhiều.

Cùng với đó là thực hiện chủ trương giảm giá các mặt hàng thiết yếu (như điện, nước, cước viễn thông), hỗ trợ DN trả lương để không sa thải người lao động; kiến nghị Chính phủ cho phép khấu trừ vào thu nhập chịu thuế của tổ chức và cá nhân các khoản đóng góp tài chính cho chống dịch.

Xây dựng chương trình phục hồi kinh tế “hậu Covid-19” ảnh 2Sản xuất hàng thiết yếu tại TPHCM. Ảnh: CAO THĂNG

Đặc biệt, TPHCM cần phát huy “át chủ bài” đầu tư công để kích thích tăng trưởng. Hiện nay, gói đầu tư công khoảng 700.000 tỷ đồng đang gặp tắc nghẽn khâu giải ngân, do sự chồng chéo mâu thuẫn trong hàng loạt các quy định. Đây là điểm nghẽn điển hình về thể chế, cần sửa đổi các luật có liên quan.

Tuy nhiên, trong điều kiện hiện nay muốn đẩy nhanh đầu tư công, sử dụng nguồn vốn nhà nước để kích thích tăng trưởng, thành phố cần kiến nghị Chính phủ cho phép UBND TPHCM được triển khai dự án đầu tư, thủ tục giải ngân theo quan điểm “hợp tình, nhưng có thể chưa hợp lý” và không phải bị quy trách nhiệm “cố ý làm trái”, nếu không có yếu tố tiêu cực, lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm… Trong bối cảnh như đã nêu rất khó vượt qua những điểm nghẽn về thủ tục triển khai dự án và giải ngân, nếu không có giải pháp đặc biệt mang tính tình thế, có thể gọi là “xé rào”.

Trong nhiệm vụ này, TPHCM cần đánh giá nguồn vốn đầu tư công được phân bổ cho TPHCM trong năm 2020 (gói hơn 700.000 tỷ đồng) và khả năng huy động thêm của thành phố. Xin nhấn mạnh, đầu tư công là nhân tố tăng tổng cầu kích thích tổng cung có hiệu quả nhất trong điều kiện hiện nay. Vì vậy, TPHCM cần ưu tiên tháo gỡ mọi điểm nghẽn để đẩy nhanh đầu tư công, đồng thời kiến nghị Chính phủ cho bảo lãnh đối với các khoản vay thực hiện dự án đối tác công - tư (PPP), mà vẫn đảm bảo sự an toàn về nợ công và ổn định nền tài chính quốc gia.

Tận dụng tính thời cơ “hậu Covid-19”

Hiện tình hình dịch Covid-19 trên thế giới vẫn diễn biến phức tạp, khó dự đoán chính xác thời điểm kiểm soát dịch và khi nào hoạt động kinh tế trở lại bình thường (như trước khi xảy ra dịch). Tuy nhiên, nếu xem “hậu Covid-19” như một quá trình kéo dài thì Việt Nam chắc chắn là quốc gia khởi đầu của quá trình đó, có cơ hội để tiến hành quá trình phục hồi kinh tế sớm hơn so với khu vực và thế giới.

Do đó, TPHCM cần xây dựng chương trình phục hồi kinh tế “hậu Covid-19” làm 2 giai đoạn, với những giải pháp phù hợp. Trong giai đoạn 1, Việt Nam kiểm soát tốt được dịch nhưng vẫn còn phải thực hiện một số biện pháp giãn cách xã hội (sống chung với dịch), hoạt động kinh tế từng bước được bình thường hóa. Đây là giai đoạn gọi là “bình thường mới”, có thể kéo dài đến hết năm 2020. Giai đoạn 2 là từ đầu năm 2021, thời kỳ nền kinh tế thế giới được bình thường hóa hoàn toàn.

Trong giai đoạn 1, cần có các giải pháp mang tính tình thế để giúp các DN có thể tồn tại, bám trụ thị trường và có cơ hội phục hồi (không bị đổ vỡ). Ở giai đoạn 2, thực hiện các biện pháp gắn việc phục hồi tăng trưởng với tái cơ cấu kinh tế theo cả chiều rộng lẫn chiều sâu, nhất là tái cơ cấu thị trường (biến nguy thành cơ).

Hiện nay, kinh tế đang đứng trước nhiều khó khăn nhưng vẫn có những nhân tố mang tính thời cơ của thời kỳ “hậu Covid-19”. Những gì nước ta đã làm để chống đại dịch và bảo vệ sinh mạng của người dân sẽ góp phần làm cho Việt Nam trở nên hấp dẫn hơn trong các lĩnh vực đầu tư, du lịch… đối với các nhà đầu tư nước ngoài.

Do đó, TPHCM cần sớm xây dựng chương trình phát triển kinh tế sau dịch bao gồm nhiều nội dung (như hỗ trợ tài chính và tín dụng cho DN, một gói chính sách và giải pháp riêng giúp DN tái cơ cấu thị trường xuất nhập khẩu, những giải pháp thúc đẩy số hóa các hoạt động kinh tế…) để có thể triển khai từ quý 4 năm nay.

Nuôi nợ để đòi nợ

Trong hỗ trợ DN cần hỗ trợ giảm chi phí cho DN; tiếp tục miễn, giảm, hoãn nộp thuế, tiền đất, phí, lệ phí; miễn, giảm, hạ lãi suất các khoản vay hiện hữu; cho các DN đang có kế hoạch phục hồi sản xuất, kinh doanh vay mới với lãi suất thấp hơn lãi suất thông thường.

Trong hỗ trợ thanh khoản, việc thực hiện đầy đủ gói tín dụng 300.000 tỷ đồng sẽ nuôi dưỡng “mầm sống” của DN. Tuy nhiên, vấn đề quan trọng là không chỉ cấp thêm tín dụng mà còn phải “khoanh nợ” cho các đối tượng đang trực tiếp bị ảnh hưởng. Giải pháp cần tập trung là không để DN đang không thể hoạt động, nhưng do dư nợ sẽ phát sinh tình trạng “lãi mẹ đẻ lãi con” và phải chết sau đó.

Ngoài ra, để giảm áp lực tăng nợ xấu của ngân hàng thương mại và cơ hội vay mới của DN, thành phố nên thực hiện giải pháp “nối kết tay 3” (chính quyền TPHCM - Ngân hàng Nhà nước - ngân hàng thương mại), nhằm bảo lãnh tín dụng cho DN vướng nợ cũ (nên không điều kiện vay mới) để phục hồi sản xuất kinh doanh và nhằm mục tiêu “nuôi nợ để đòi nợ” như TPHCM đã thực hiện giai đoạn 2009-2011.

Các tin khác