Xây dựng kịch bản “sống chung” Covid-19

(ĐTTCO)-Theo các chuyên gia kinh tế, ngay cả trong kịch bản lạc quan nhất là 2020 hoặc 2021, thế giới tìm được vaccine, sớm nhất cũng phải năm 2024 kinh tế thế giới mới có thể phục hồi. Do đó, xây dựng kịch bản kinh tế “sống chung” với dịch Covid-19, cũng như tìm các giải pháp cho tăng trưởng kinh tế là điều cần thiết đối với Việt Nam.
Xây dựng kịch bản “sống chung” Covid-19
PGS.TS VŨ SỸ CƯỜNGHọc viện Tài chính (Bộ Tài chính):

Tăng lương và kích thích chi tiêu

Năm 2020, Chính phủ tập trung chi đầu tư công để tạo đà cho tăng trưởng GDP, đó là chủ trương rất đúng. Tuy nhiên, giảm chi thường xuyên, đặc biệt là tạm hoãn tăng lương tối thiểu của khu vực thụ hưởng ngân sách nhà nước, theo tôi là không nên. Trong bối cảnh dịch Covid-19, việc kích cầu tiêu dùng là quan trọng, do đó việc cắt giảm chi thường xuyên cũng nên có chọn lọc.
Hiện nay, tổng cầu đang giảm rất mạnh thể hiện ở chi tiêu xã hội giảm, sản lượng tiêu thụ điện giảm mạnh 10 năm qua. Trong khi để phục hồi kinh tế lúc này phải kích ở tổng cầu và tăng lương là một giải pháp, tăng lương sẽ tăng tiêu dùng và sẽ có tính lan tỏa nhanh hơn, góp phần thúc đẩy tăng trưởng.
2020 là năm khó khăn, lẽ ra vẫn nên tăng lương như kế hoạch nhưng chúng ta đã bỏ qua. Trì hoãn tăng lương là sự lãng phí cơ hội thúc đẩy tăng trưởng. Do đó, năm 2021 tôi cho rằng chúng ta không nên bỏ lỡ cơ hội cải cách tiền lương. Trong bối cảnh đặc biệt chúng ta phải có giải pháp đặc biệt.
Chấp nhận bội chi cao nhưng đi kèm là những giải pháp, biện pháp chống lãng phí, thất thoát, tiết kiệm triệt để những khoản cần tiết kiệm, cần giảm chi, chống thất thu ngân sách và kéo giảm bội chi ở những năm sau.
Ông ĐẶNG HOÀNG HẢI, Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương): 

Đẩy mạnh thương mại điện tử

Quy mô thương mại điện tử (TMĐT) tăng nhanh từ 2015-2019, với mức tăng trưởng trung bình 30%. Năm 2020, lúc đầu chúng tôi nghĩ Covid-19 sẽ là đòn bẩy cho TMĐT, nhưng có lẽ tốc độ tăng trưởng không bằng 2019.
Tuy nhiên, hiện tại hành vi tiêu dùng mua sắm trực tuyến phát triển rất tốt, người tiêu dùng đã tăng cường mua trên trực tuyến. Những tác động của Covid-19 đến doanh nghiệp TMĐT là tiết kiệm được chi phí do có thể làm việc ở nhà, lạc quan về nhân sự và duy trì doanh nghiệp sau dịch. TMĐT chính là giải pháp tối ưu trong bối cảnh dịch Covid-19. 
Chính phủ dự đoán tăng trưởng thấp hơn dự báo nhiều, tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp TMĐT rất lạc quan, giá trị mua hàng TMĐT rất cao. Doanh thu của các doanh nghiệp TMĐT tăng ở các mặt hàng nhu yếu phẩm và họ rất lạc quan với kịch bản phục hồi kinh tế. Covid-19 đã tạo ra lượng người tham gia vào thị trường TMĐT rất lớn, mua nhiều mặt hàng giá trị lớn mà trước đây họ chưa từng mua.
Tôi cho rằng TMĐT tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ trong thời gian tới, nhất là trong bối cảnh dịch Covid-19 và TMĐT sẽ là một trong những động lực để kích thích chi tiêu, đóng góp cho tăng trưởng GDP.
TS. DAVID JOHN WHITEHEAH, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại Australia tại Việt Nam (Auscham):

Cần cải thiện ngành logistics

Đại dịch Covid-19 đã tác động tiêu cực đến nền kinh tế thế giới, logistics cũng là một trong những lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề. Việc đứt gãy các chuỗi cung ứng toàn cầu khiến hoạt động của doanh nghiệp trong ngành này bị ngưng trệ, hàng hóa tồn kho chất đống.
Đặc biệt, sau Covid-19 khó khăn càng rõ ràng hơn cả trong ngắn và dài hạn. Ở Việt Nam, trong ngắn hạn, tại các điểm kiểm soát hàng ở biên giới Việt Nam và Trung Quốc đang tồn lượng hàng lớn do việc kiểm soát rất mất thời gian, dẫn đến hàng hóa bị hư hỏng, khó khăn trong việc vận tải. Về mặt dài hạn, chi phí logistics sẽ tăng cao do việc kiểm soát ngày càng chặt chẽ hơn.
Tuy nhiên, logistics được cho là chìa khóa để phục hồi tăng trưởng kinh tế. Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EU) EVFTA mang đến nhiều cơ hội và ưu đãi dành cho các doanh nghiệp logistics.
Theo đánh giá, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đi EU sẽ tăng khoảng 20% vào năm 2020, 42,7% vào năm 2025 và 44,37% vào năm 2030. Ở chiều ngược lại, dự kiến, tăng trưởng nhập khẩu từ EU vào Việt Nam sau EVFTA cũng sẽ gia tăng nhanh chóng ngay khi hiệp định có hiệu lực. Hoạt động xuất nhập khẩu giữa hai bên càng nhộn nhịp, thị trường dịch vụ logistics càng mở rộng, đặc biệt là dịch vụ logistics quốc tế. 
Song cơ hội này cũng đi kèm nhiều thách thức đòi hỏi doanh nghiệp Việt phải vượt qua. Hiện nay, doanh nghiệp nước ngoài có năng lực về công nghệ và tính chuyên nghiệp mà doanh nghiệp Việt khó so bì được.
Dù chỉ có 25 doanh nghiệp nước ngoài tham gia logistics Việt nhưng đang thể hiện vai trò to lớn trong việc cung cấp dịch vụ. Chi phí về logistics của Việt Nam hiện chiếm tới 21% tổng GDP, cao hơn nhiều so với các nước trên thế giới. Nguyên nhân do cơ sở hạ tầng chưa phát triển, thiếu tính kết nối giữa các phương tiện vận tải, từ đó gây tắc nghẽn giữa các đường bộ, biển, hàng không. 
PHẠM CHI LAN, chuyên gia kinh tế: 

Tạo điều kiện cho kinh tế tư nhân 

Đại dịch Covid-19 đã loại rất nhiều doanh nghiệp ra khỏi thị trường, nhưng vẫn có một tỷ lệ doanh nghiệp đứng vững, đóng góp cho nền kinh tế đứng vững trong thời gian qua.
Hầu hết doanh nghiệp có khả năng chống chịu mạnh mẽ do họ có sự chuẩn bị trước đó, thích ứng nhanh với những biến động thị trường do căng thẳng thương mại Mỹ - Trung, nên khi dịch Covid-19 xảy ra đã có tâm thế chuẩn bị đầy đủ. Các doanh nghiệp này cũng đã thay đổi định hướng đầu tư, phát triển thị trường, áp dụng công nghệ cao, đây là yếu tố then chốt. 
Theo khảo sát của OECD và WB, có tới 50% doanh nghiệp Việt Nam đã chuyển sang bán hàng online. Đây là dấu hiệu tích cực, bởi họ đã làm được việc cần thiết để tự cứu mình. Qua đó, họ cũng đã góp phần giữ vững nền kinh tế thời gian qua. Việc quan trọng nhất là nâng cao năng suất lao động, năng lực cạnh tranh.
Muốn vậy đòi hỏi các doanh nhân phải nỗ lực học hỏi và sáng tạo về công nghệ, quản trị. Covid-19 là một phép thử khắc nghiệt, các doanh nghiệp buộc phải đối mặt với áp lực và cũng là động lực đổi mới từ sản phẩm, chiến lược kinh doanh, quản trị đến công nghệ. Muốn vậy, doanh nghiệp tư nhân nói riêng và doanh nghiệp Việt Nam nói chung phải nhanh chóng tiếp cận, chuyển đổi.
Tuy nhiên, để doanh nghiệp tư nhân thực hiện được điều đó, vẫn cần có “bàn tay” Nhà nước, bằng việc tập trung thực hiện bằng được 2 việc lớn: Thứ nhất, tăng cường các thể chế thị trường - tức thiết lập rõ ràng, minh bạch, có thể tiên liệu được và được thi hành nghiêm túc các “luật chơi”.
Đi kèm đó nâng cao chất lượng của bộ máy và con người, tăng cường ý thức trách nhiệm, kỷ cương, chế tài trong hệ thống nhà nước, tăng tính minh bạch và trách nhiệm giải trình trong thiết kế và thực thi chính sách.
Thứ hai, tự do hóa thị trường các nhân tố sản xuất, bao gồm các thị trường như tài chính, thị trường đất đai, thị trường lao động, khoa học và công nghệ…

Các tin khác