Xem lại quy hoạch điện than

(ĐTTCO)-UBND tỉnh Long An đang làm thủ tục xin Chính phủ chấp thuận việc điều chỉnh nguồn nhiên liệu 2 nhà máy nhiệt điện Long An 1 và 2 tại 2 huyện Cần Đước và Cần Giuộc, từ sử dụng than chuyển sang sử dụng khí hóa lỏng. 
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
Trong khi Chính phủ chưa có ý kiến trả lời, tỉnh Long An đã báo cáo về nhà đầu tư tiềm năng và đang cùng đối tác này khảo sát địa điểm để tiếp tục hoàn thiện dự án nhà máy nhiệt điện sử dụng khí hóa lỏng trình Chính phủ. Thậm chí, Long An đưa ra thông điệp: Trong trường hợp không thể phát triển nhà máy nhiệt điện sử dụng khí hóa lỏng ở vị trí trên thì xóa quy hoạch chứ không sử dụng nhiên liệu than nhằm hạn chế những bất cập về môi trường.
Trước đó, vào tháng 9-2018, Bộ Công Thương đã có văn bản trả lời với nội dung cho rằng theo Quy hoạch điện VII đã được Thủ tướng phê duyệt từ năm 2016, tỉnh Long An được quy hoạch phát triển 2 nhà máy nhiệt điện sử dụng nhiên liệu là than. Bộ này đã giao CTCP Tư vấn xây dựng điện 2 nghiên cứu, lập quy hoạch theo chỉ đạo của Chính phủ. Bộ này cũng cho rằng, địa điểm dự kiến quy hoạch trung tâm điện lực tại xã Long Hựu Đông, Cần Đước không phù hợp để quy hoạch sử dụng nhiên liệu khí hóa lỏng nhập khẩu.
Không chỉ Long An, thời gian qua một số địa phương khác cũng đã từ chối nhiệt điện than để chuyển sang các nguồn điện tái tạo khác. Trong khi đó, theo Quy hoạch điện VII điều chỉnh, đến năm 2030 cả nước sẽ có hơn 70 nhà máy nhiệt điện than. Dự kiến giai đoạn 2018-2022, tổng công suất các nguồn điện đưa vào vận hành 34.864MW, trong đó nhiệt điện than 26.000MW, sản xuất khoảng 131 tỷ kWh (chiếm gần 50% sản lượng điện). Tuy nhiên, tới nay mới có 7 dự án nhiệt điện than được khởi công và đang triển khai xây dựng với công suất 7.860MW, còn thiếu 18.000MW theo yêu cầu.
Vì sao trong khi thế giới đang cắt giảm điện than do chi phí cao và ô nhiễm môi trường, Việt Nam vẫn xem đây là nguồn năng lượng quan trọng? Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) lý giải, các dự án thủy điện lớn và vừa trên các dòng sông đã được quy hoạch, về cơ bản đã được đầu tư và khai thác hết.
Trong khi đó, điện gió và điện mặt trời chỉ tập trung ở một số tỉnh miền Trung, Tây nguyên, không đảm bảo ổn định cấp điện, do phụ thuộc vào điều kiện thời tiết. Thêm vào đó, giá điện năng lượng tái tạo (điện mặt trời khoảng 2.100 đồng/kWh và điện gió 1.900-2.200 đồng/kWh) khá cao. Do vậy Bộ Công Thương cho rằng vẫn phải phát triển các nguồn điện than để đảm bảo cung cấp đủ điện cho phát triển, để giá điện phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội và thu nhập của người dân.
Trong khi đó, trữ lượng than trong nước đang dần cạn kiệt, việc gia tăng các nhà máy nhiệt điện than theo Quy hoạch điện VII, đã đưa than lọt vào nhóm hàng nhập khẩu lớn của Việt Nam. Năm 2016, kim ngạch nhập khẩu than 927 triệu USD, năm 2017 đã tăng lên 1,52 tỷ USD và 2018 vượt 2,25 tỷ USD.
Dự kiến, nhập khẩu than năm 2019 sẽ vượt mốc 3 tỷ USD. Song kịch bản nhập khẩu than với khối lượng lớn để phục vụ sản xuất điện trong thời gian tới sẽ gặp nhiều khó khăn và thách thức trước sự cạnh trạnh của các nước nhập khẩu than với khối lượng lớn trên thế giới như Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Hàn Quốc…
Việt Nam đang chịu áp lực lớn theo cam kết về chống biến đổi khí hậu, đặc biệt khi sử dụng nhiên liệu hóa thạch. Cả nước hiện có 28 nhà máy nhiệt điện than đang vận hành, với tổng công suất khoảng 18.000MW, chiếm 39% trong cơ cấu nguồn điện. Điều đã được cảnh báo rất nhiều, là nguồn thải từ nhiệt điện than gồm có khí thải lò hơi, nước thải công nghiệp, chất thải rắn như tro, xỉ, rất nguy hại với môi trường.
Trong bối cảnh Việt Nam đang nằm trong nhóm nước sẽ bị ảnh hưởng nặng nề bởi biến đổi khí hậu trong tương lai gần, nếu không có hành động ứng phó tích cực, việc hàng chục nhà máy nhiệt điện than tiếp tục được xây dựng và vận hành ít nhất 30 năm nữa, liệu có đi ngược cam kết trên của Việt Nam? 

Các tin khác