Xem xét giảm phí, lệ phí cho hoạt động vận tải

(ĐTTCO)- Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể yêu cầu các cục, tổng cục thuộc Bộ khẩn trương thực hiện rà soát để báo cáo các phương án miễn, giảm một số loại phí, lệ phí, các khoản thu có liên quan đến lĩnh vực Bộ GTVT quản lý.
Nhiều hãng xe vận tải khách thông báo tăng giá cước do giá nguyên liệu xăng, dầu tăng quá cao. Ảnh minh họa
Nhiều hãng xe vận tải khách thông báo tăng giá cước do giá nguyên liệu xăng, dầu tăng quá cao. Ảnh minh họa

Chiều nay (27/6), Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể đã chủ trì cuộc họp rà soát các phương án giảm chi phí nhằm hỗ trợ người dân, doanh nghiệp trong giai đoạn giá nguyên liệu tăng cao.

Theo Bộ trưởng, biến động của giá xăng dầu thời gian qua đã tác động lớn đến hoạt động vận tải bởi xăng dầu chiếm tỉ lệ lớn trong cơ cấu giá thành. Điều này ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động của doanh nghiệp và thu nhập của người lao động. Đặc biệt, giá vé các phương tiện công cộng trong xu hướng tăng cũng ảnh hưởng tiêu cực tới đời sống của người dân.

Thực hiện chủ trương của Chính phủ yêu cầu rà soát lại các loại phí, lệ phí, các khoản thu để chia sẻ rủi ro, gánh nặng cho doanh nghiệp, người dân, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho rằng, trong giai đoạn dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, ngành giao thông vận tải đã thực hiệt tốt chủ trương điều chỉnh giảm giá, phí, lệ phí như: Giảm phí bảo trì đường bộ, đăng kiểm, phí cất hạ cánh… đã có tác dụng hỗ trợ cho doanh nghiệp, người dân.

Xem xét, kiến nghị phương án tiếp tục giảm phí, lệ phí cho vận tải

Tuy nhiên, Bộ trưởng nhìn nhận: "Trong mấy tháng gần đây, giá xăng dầu tăng cao, những hỗ trợ vừa qua là chưa đủ. Do vậy, việc rà soát, xem xét kéo dài một số cơ chế, chính sách miễn giảm hoặc nâng tỉ lệ miễn giảm phí và lệ phí, chỉ đạo các doanh nghiệp cùng nhau chia sẻ rủi ro là cần thiết".

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể yêu cầu các cục, tổng cục thuộc Bộ khẩn trương thực hiện rà soát để báo cáo các phương án miễn, giảm một số loại phí, lệ phí, các khoản thu có liên quan đến lĩnh vực Bộ GTVT quản lý. 

"Một số khoản phí, lệ phí tuy đã thực hiện giảm nhưng trong bối cảnh hiện nay cần thiết giảm thêm cũng cần được kiến nghị Chính phủ xem xét. Các đơn vị khẩn trương rà soát lại các loại phí, lệ phí để có phương án giảm tiếp. Bởi những khoản chi phí này nếu giảm được dù nhỏ cũng có tác dụng hỗ trợ người dân, doanh nghiệp. Các loại phí không thuộc lĩnh vực Bộ quản lý các đơn vị cũng rà soát để kiến nghị giảm cho doanh nghiệp", Bộ trưởng yêu cầu.

Vận tải khách tăng giá 

Thông tin từ Sở GTVT Hải Dương cho biết, từ ngày 1-15/6, đã có 8 đơn vị báo cáo tăng giá cước, vé vận tải hành khách.

Trong số 8 đơn vị báo cáo tăng giá cước, vé vận tải hành khách thì có 6 hãng taxi gồm: CP Vận tải Rạng Đông, CP Vận tải Trường Sinh, TNHH một thành viên Mai Linh Hải Dương, TNHH Viễn Du chi nhánh Hải Dương; Doanh nghiệp Sản xuất và Dịch vụ Hương Nguyên, Chi nhánh HTX Hòa Bình Xanh tại Hải Dương với mức tăng giá cước khác nhau.

Cụ thể, taxi Rạng Đông tăng từ 12.300 đồng/km lên 13.300 đồng/km từ km thứ 0,6 - 20, tăng từ 10.100 đồng/km lên 11.100 đồng/km từ km thứ 20 trở đi đối với tất cả các xe cỡ nhỏ.

Taxi Mai Linh tăng từ 12.400 đồng/km lên 13.400 đồng/km từ km thứ 0,6 - 20, tăng từ 10.100 đồng/km lên 11.100 đồng/km từ km thứ 21 trở đi đối với tất cả các dòng xe 4 chỗ... Phần lớn doanh nghiệp đều tăng giá cước taxi từ 8 - 10% đối với các dòng xe tính theo từ 0,6 km đầu trở đi.

Tương tự như Hải Dương, chiều 24/6, Sở GTVT Lâm Đồng cho biết, nhiều đơn vị vận tải hành khách trên địa bàn tỉnh đang điều chỉnh giá cước vận tải tăng.

Tại bến xe liên tỉnh Đà Lạt, nhiều hãng xe giường nằm buộc phải điều chỉnh giá cước vận tải hành khách tuyến cố định do chi phí nhiên liệu tăng.

Cụ thể, bến xe Bảo Lộc đi Huế lên mức 390.000 đồng/hành khách, tăng 5,4%. Tuyến từ bến xe liên tỉnh Đà Lạt đi Cần Thơ cũng lên 385.000 đồng/hành khách. Tuyến xe giường nằm Bến xe liên tỉnh Đà Lạt - Quảng Ngãi đã lên mức 300.000 đồng/hành khách, tăng 7,1%. Tuyến bến xe Bảo Lộc (Lâm Đồng) đi Đà Nẵng cũng tăng lên 360.000 đồng/hành khách, tăng 7,5%. Tuyến Đà Lạt - Đà Nẵng lên 340.000 đồng/hành khách, tăng 13,4%.

Các hãng taxi cũng điều chỉnh tăng giá cước. Hãng taxi LADO (huyện Đức Trọng) cũng thông báo điều chỉnh giá cước vận tải tùy theo loại hình, loại dịch vụ với mức tăng từ 3,1% đến 16% so với trước đây. Hãng taxi Mai Linh thông báo kê khai giá cước vận chuyển tăng từ 8-8,7% so với trước đây, tùy theo loại xe và quy cách, chất lượng (giá mở cửa, dưới 20 km, từ km 21 trở đi…). Tuy nhiên, đại diện taxi Mai Linh Lâm Đồng cho biết, đó mới là đề xuất, đến hôm nay Mai Linh tại Đà Lạt vẫn chưa áp dụng tăng giá cước.

Không chỉ đường bộ, vận tải biển cũng đang "lao đao" vì giá cước. Ông Nguyễn Minh Tiến, Trưởng phòng kinh doanh Công ty TNHH MTV Vận tải Biển Đông cho biết, giá nhiên liệu hiện nay đã tăng khoảng 160% so với đầu năm. Nhiên liệu chiếm tỷ trọng lớn nhất và là nhân tố ảnh hưởng trực tiếp tới giá thành vận tải biển. Nhiên liệu tăng kéo theo các chi phí vận tải, chi phí logistics, giá cả hàng hóa… đều tăng, gây lạm phát.

Tuy nhiên, giá nhiên liệu phụ thuộc vào thị trường nên khó để điều tiết. Chi phí đầu vào tăng, doanh nghiệp vận tải sẽ phải điều chỉnh nhiều yếu tố để tránh bị lỗ.

Do đó, nếu các cơ quan chức năng có thể xem xét, điều chỉnh giảm phí và lệ phí sẽ là phương án hợp lý để trợ giá cho các doanh nghiệp, qua đó hỗ trợ cả nền kinh tế. Ông Nguyễn Minh Tiến cho rằng, những điều chỉnh giảm phí, lệ phí dù rất nhỏ nhưng cũng đỡ một phần cho doanh nghiệp, để hạn chế phải tăng các chi phí khác. 

Các tin khác