Xóa treo ngay từ gốc

(ĐTTCO) - 180 dự án treo trên địa bàn TPHCM mà chủ đầu tư không đủ năng lực thực hiện, khiến tình trạng lãng phí đất đai kéo dài, vừa được UBND TP ra quyết định thu hồi.
Khu tam giác vàng Trần Hưng Đạo - Nguyễn Thái Học - Phạm Ngũ Lão
Khu tam giác vàng Trần Hưng Đạo - Nguyễn Thái Học - Phạm Ngũ Lão

 Trong danh sách các dự án bị hủy bỏ, nhiều dự án có quy mô lớn hàng chục hecta, như dự án chỉnh trang đô thị rạch Ụ Cây (giai đoạn 2) ở quận 8 hơn 10ha, do Công ty Địa ốc Sài Gòn làm chủ đầu tư; dự án khu biệt thự Sanctuary Cove gần 10 ha ở phường Phú Hữu, quận 9 của Công ty Liên doanh Belwynn-Hưng Phú; dự án khu du lịch sinh thái kết hợp nghỉ dưỡng hơn 36 ha tại phường Long Bình, quận 9 của Ban quản lý khu Công viên lịch sử-văn hóa dân tộc. Đặc biệt có cả những dự án có quy mô khủng lên đến hàng trăm hecta như dự án khu nhà ở gần 160ha do CTCP Sài Gòn Golf làm chủ đầu tư… 

Được điểm mặt và ra quyết định xóa bỏ còn có dự án khu phức hợp Đầm Sen tại phường 3, quận 11, quy mô hơn 5.400m2 nằm trong quy hoạch Công viên văn hóa Đầm Sen được phê duyệt từ… năm 1983. 

Đến nay đã hơn 3 thập niên nhưng dự án vẫn chỉ nằm trên giấy, khiến hơn 400 hộ dân có nhà, đất nằm trong ranh quy hoạch bức xúc. Hay các dự án xây dựng bãi xe ngầm Trống Đồng ở Công viên Tao Đàn với diện tích 0,54ha do Công ty Tập đoàn Đông Dương làm chủ đầu tư; khu đất Trần Hưng Đạo - Nguyễn Thái Học - Phạm Ngũ Lão nằm sát Công viên 23 Tháng 9, Quảng trường Quách Thị Trang, chợ Bến Thành… được TP chấp thuận chủ trương đầu tư và triển khai hơn 10 năm qua nhưng đến nay vẫn bất động.
Thực tế, trong suốt thời gian dài, các dự án treo tại TPHCM đã ảnh hưởng lớn đến đời sống người dân, làm chậm quá trình phát triển kinh tế, cũng như gây lãng phí nguồn lực đất đai. Hiện trên địa bàn TP có tới 1.300 dự án đang bị treo. Đây là những dự án được cấp phép từ lâu và quá hạn triển khai, nhưng chủ đầu tư vẫn chưa tiến hành xây dựng.
Trong hơn 5 năm qua với nhiều biện pháp kiên quyết xử lý, TP đã thu hồi 576 dự án do chủ đầu tư chậm triển khai, với tổng diện tích khoảng 5.900ha. Trong số diện tích đất đã bị thu hồi, TP đã cho bán đấu giá một số khu đất, thu về cho ngân sách hàng ngàn tỷ đồng. Cụ thể, đã có gần 130 dự án treo được xóa, với tổng diện tích gần 1.500ha. 
Nguyên nhân dự án treo đã được chỉ ra từ lâu, đó là do chủ đầu tư không có năng lực thực hiện hoặc thiếu nguồn lực, thiếu vốn và kinh nghiệm triển khai. Nhiều doanh nghiệp được cấp phép thực hiện dự án nhưng không thực hiện với mục đích chào bán kiếm lời. Trong một cuộc họp mới đây của TPHCM về việc xử lý dự án treo, đích thân lãnh đạo TP cũng thừa nhận hiện có rất nhiều trường hợp khi giao dự án đã chuyển nhượng hết người này sang người khác để ăn chênh lệch giá. TP đã chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra một số dự án. 
Nguyên nhân nữa dẫn đến tình trạng dự án treo do hàng trăm dự án phát triển nhà ở tại TP không được chấp thuận chủ trương đầu tư, bởi quy định giữa Luật Nhà ở và Luật Đất đai vênh nhau. Việc cơ quan nhà nước chưa giải quyết chấp thuận chủ trương đầu tư đối với các trường hợp doanh nghiệp đã nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất bao gồm đất ở, đất nông nghiệp, đất phi nông nghiệp, đất chuyên dùng để thực hiện dự án bất động sản, cũng đang là điểm nghẽn lớn khiến dự án bị treo.
Kẽ hở pháp luật để các doanh nghiệp được giao đất làm dự án lợi dụng kéo dài hàng chục năm mà không bị xử lý theo luật định, còn do trong các quyết định thu hồi và giao đất cho doanh nghiệp, chủ yếu là tạm giao và không có quy định về thời hạn thực hiện. Từ đó, nhiều doanh nghiệp xin dự án để xí phần, không triển khai hoặc triển khai ì ạch gây lãng phí quỹ đất, đồng thời gây bức xúc cho người dân có đất nằm trong vùng dự án.
Thu hồi các dự án chậm triển khai, dự án treo là việc làm cấp thiết lúc này. Tuy nhiên, vấn đề cốt lõi là những nguyên nhân gây ra thực trạng này phải được xóa bỏ từ gốc, tức ngay từ khi giao dự án cho doanh nghiệp thực hiện.
Theo đó, công khai, minh bạch dự án đầu tư, cũng như chọn địa điểm, lập quy hoạch sử dụng đất khách quan, cụ thể… góp phần đem lại cơ hội và bảo đảm tính công bằng cho các nhà đầu tư, tổ chức chính trị xã hội, cá nhân có điều kiện trong việc tiếp cận, thực hiện dự án. Kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc triển khai, dự án nào có biểu hiện treo cho ngừng ngay. Có như vậy TP mới không phải chạy theo để xử lý kiểu “thả gà ra đuổi” như hiện nay.

Các tin khác