Xoay chuyển tình thế

(ĐTTCO)-Bối cảnh đại dịch đã lan mạnh sang Italia, Anh, Tây Ban Nha, Hàn Quốc, Iran… Ngay cả Chính phủ Mỹ hiện cũng đã ban bố tình trạng khẩn cấp toàn quốc gia. Như vậy kịch bản 1 đại dịch Covid-19 ảnh hưởng đến kinh tế Việt Nam như chúng ta đã nói nhiều trước khi bệnh nhân thứ 17 xuất hiện đã không diễn ra. Kịch bản tồi tệ hơn đó là dịch bệnh chỉ có thể kiểm soát từ cuối quý II-2020. 
Xoay chuyển tình thế
Một vài con số dự báo triển vọng kinh tế đưa ra bởi các tổ chức quốc tế như IMF, WB hay Tổng cục Thống kê, cho thấy nền kinh tế Việt Nam trong quý I bị ảnh hưởng nặng. Tăng trưởng GDP quý I chỉ đạt được khoảng 5,8-6%, trong khi lạm phát bình quân năm 2020 có thể tăng 4,8-4,9%.
Xuất khẩu quý I và II từ 46,5-50 tỷ USD (giảm 20-21% so với cùng kỳ 2018). Nhập khẩu quý I và II giảm 13-16% so với 2018, chỉ đạt khoảng 50-54 tỷ USD. Doanh thu từ khách du lịch quốc tế giảm 5-7 tỷ USD. Sản xuất công nghiệp dù có mức tăng 6,99-7% nhưng thấp hơn kế hoạch năm khi không tính đến ảnh hưởng dịch bệnh khoảng 11,21%.
Ngành du lịch, lưu trú bị ảnh hưởng mạnh nhất khi lượng khách du lịch Trung Quốc giảm mạnh (lượng khách Trung Quốc chiếm 30-40% lượng khách quốc tế đến Việt Nam). Khách quốc tế từ các quốc gia khác và dân trong nước cũng bị hạn chế đi lại và khách du lịch cũng e ngại di chuyển đến các nơi có nghi ngờ dịch như Hà Nội, Đà Nẵng, TPHCM, Bình Thuận…
Ngoài ra, ngành hàng không và dịch vụ hàng không cũng bị ảnh hưởng lớn do việc dừng các chuyến bay sang Trung Quốc và các quốc gia đang có mức độ lây lan nhanh như Anh, Pháp, Italia, Mỹ.
Một số ngành xuất nhập khẩu chủ lực bị tác động do chuỗi cung gián đoạn khi phụ thuộc vào xuất nhập khẩu với Trung Quốc, Mỹ, Anh, Pháp… Chỉ tính riêng đối tác kinh tế quan trọng nhất đối với Việt Nam là Trung Quốc đã chiếm tỷ trọng lớn trong cán cân xuất nhập khẩu của Việt Nam. Xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc 2019 đạt 5,92 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 35% tổng kim ngạch.
Ước tính xuất khẩu nông, lâm sản chế biến giảm trên 29% trong quý I. Nhiều ngành xuất khẩu chủ lực lại phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu từ Trung Quốc. Ước tính quý I xuất khẩu máy tính và sản phẩm linh kiện điện tử giảm 8%; điện thoại và linh kiện giảm 27%; dệt may giảm 22%, giày dép giảm 17% và thủy sản giảm 38%.
Bên cạnh một số ngành nghề cung cấp các dịch vụ khám chữa bệnh, vật tư y tế, dược phẩm tăng do nhu cầu sử dụng các sản phẩm y tế, thuốc phòng ngừa dịch bệnh, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực thương mại điện tử cũng được hưởng lợi lớn do người tiêu dùng chuyển từ mua bán truyền thống sang mua bán điện tử để giảm thiểu rủi ro lây truyền bệnh dịch.
Ngoài ra, việc giao nhận hàng hóa cũng gia tăng mạnh liên quan đến hoạt động giao nhận vận tải, chuyển hàng, giao hàng bởi nhu cầu thương mại điện tử gia tăng.
Tình hình dịch bệnh sẽ là động lực khiến Chính phủ đẩy mạnh hoạt động đầu tư công trong năm 2020, nhằm hỗ trợ cho tăng trưởng kinh tế, đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân nguồn vốn đầu tư công, nhất là các dự án lớn, quan trọng, chương trình mục tiêu quốc gia. Các hoạt động xây dựng hạ tầng công trình ngầm, xây dựng dân dụng lớn cũng sẽ được đẩy mạnh sau dịch. Đây là cơ hội cho các công ty xây dựng lớn, có uy tín.
Ngoài ra, trong bối cảnh dịch bệnh đang lan rộng và ngày càng phức tạp, Việt Nam vẫn đang chứng tỏ được khả năng kiểm soát tốt mức độ lây nhiễm cũng như hệ thống vệ sinh dịch tễ hiệu quả. Vì thế, lĩnh vực bất động sản khu công nghiệp có thể sẽ thu hút sự quan tâm từ phía các tập đoàn, công ty đa quốc gia trên thế giới do nhu cầu chuyển dịch các nhà máy, cơ sở sản xuất sang Việt Nam.
Các khu công nghiệp tại Bình Dương, TPHCM, Đồng Nai thu hút sự quan tâm lớn từ phía các tập đoàn lớn Foxconn (Đài Loan), Apple (Mỹ).  Bên cạnh đó, trong bối cảnh bất ổn như hiện nay, lĩnh vực tiện ích, điện sẽ được đánh giá khá bình ổn. Các doanh nghiệp niêm yết như cung cấp nước sạch, điện sẽ có thể hưởng lợi trong bối cảnh tăng giá điện và các chi phí sinh hoạt gia tăng kèm theo chỉ số CPI dự báo trung bình 2020 của Việt Nam khoảng 4,5-4,8%/năm.
Chẳng ai mong muốn dịch bệnh kéo dài, nhưng ngay cả trong tình hình này, các công ty, doanh nghiệp vẫn có thể xoay chuyển tình thế khó khăn trở thành cơ hội tốt cho mình. 

Các tin khác