Xu hướng đầu tư công hậu Covid-19: Kỳ tích hay bẫy nợ?

(ĐTTCO)-Đẩy mạnh đầu tư công đang là xu thế hậu Covid-19 trên toàn cầu. Việt Nam khó đứng ngoài xu thế đó nếu không muốn tụt hậu, đặc biệt trong bối cảnh nước ta đang ngày càng lộ rõ những điểm nghẽn về hạ tầng, cũng như đối mặt với nhu cầu cấp bách chống tác hại của biến đổi khí hậu. Nhưng chi tiền làm sao cho đúng rất quan trọng. 
Dự án cầu cạn Vành đai 2 đoạn qua đường Minh Khai đã tạm dừng thi công.
Dự án cầu cạn Vành đai 2 đoạn qua đường Minh Khai đã tạm dừng thi công.
Trung Quốc tham vọng bá chủ công nghệ
Ngày 23-5, bạn học cũ của tôi ở Thẩm Quyến gửi cho tôi một tóm tắt về gói kích thích kinh tế mới của Trung Quốc. Bạn nhận xét ngắn gọn qua WeChat: Tin tốt, họ (chính quyền Bắc Kinh) đang nhìn về phía trước, không chỉ cứu các doanh nghiệp thân hữu của chính quyền địa phương. 
Gói cứu trợ lần này của Trung Quốc được huy động vốn từ việc phát hành trái phiếu của chính quyền địa phương ở mức 3.750 tỷ Nhân dân tệ (khoảng 530 tỷ USD), gấp rưỡi so với mức phát hành trái phiếu năm 2019. Trước khi Covid-19 diễn ra, người ta dự đoán mức phát hành trái phiếu địa phương năm nay của Trung Quốc sẽ sụt giảm do nỗi lo nợ công. Động thái này của Trung Quốc không bất ngờ, thậm chí được cho là chậm khi Mỹ và châu Âu đều lần lượt tung ra những gói cứu trợ lớn hơn. 
Điều đáng chú ý, gói cứu trợ này ngoài mục tiêu duy trì sinh kế của người dân sau dịch Covid-19, còn chi tiêu cho đầu tư hạ tầng. Đầu tư hạ tầng của các địa phương ở Trung Quốc dự kiến tăng 7-10% trong năm nay, cao hơn 2-3 lần mức tăng 3,8% năm ngoái.
Giới phân tích cho rằng, các dự án nhận được hỗ trợ nhiều bao gồm lĩnh vực giao thông công cộng trong các thành phố và đường sắt. Giá cổ phiếu các công ty thép, đường sắt và dầu đã tăng sau công bố này, và người ta hy vọng các dự án sẽ đẩy mạnh nhu cầu dầu thô và kim loại.
Bên cạnh gói chi tiêu này, Bắc Kinh đang thể hiện tham vọng còn lớn hơn đó là tiếm ngôi vị dẫn đầu của Mỹ trong một số lĩnh vực công nghệ mũi nhọn. Tờ South China Morning Post cho biết Trung Quốc dự định đầu tư 1.400 tỷ USD từ nay đến 2025 vào các lĩnh vực công nghệ không dây và trí tuệ nhân tạo AI. Mạng 5G, xe không người lái, công nghệ giám sát và nhà máy tự động, là những tham vọng Trung Quốc không hề giấu diếm vươn tới.
Bạn tôi tin rằng tham vọng này sẽ thúc đẩy tăng trưởng của những công ty công nghệ lớn như Huawei, Alibaba, Tencent, cũng như thu hút nhiều nhân tài trong lĩnh vực AI đến Trung Quốc. Bạn đang tìm kiếm cơ hội đầu tư trong lĩnh vực này, vào những công ty tư nhân có thể trở thành mục tiêu thâu tóm của các công ty công nghệ lớn.
Không hẳn chi tiêu công là thúc đẩy kinh tế
GS. Kinh tế học Zhu Tian, Trường kinh doanh China Europe International Business School ở Thượng Hải, nhận xét không thể đẩy nền kinh tế bật trở lại chỉ với các gói đầu tư hạ tầng. Ông lưu ý những gói đầu tư này, nếu không hiệu quả, sẽ làm tăng gánh nặng nợ và lãi vay cho nền kinh tế. Ông cho rằng nếu không có khủng hoảng kinh tế do dịch Covid-19, sẽ khó thông qua gói chi tiêu lớn như vậy.
Nhận xét này rất thú vị. Dịch Covid-19 tuy tàn phá nặng nề nền kinh tế toàn cầu, là tác nhân kích thích các nền kinh tế chính như Mỹ, châu Âu và Trung Quốc, tiếp tục đẩy mạnh đầu tư công để đổi mới hạ tầng và hướng về công nghệ mới. Một bạn tôi làm việc trong lĩnh vực tự động hóa, nhận xét dịch Covid-19 đã đẩy tiền tài trợ, cũng như sự sẵn sàng áp dụng công nghệ mới trong ngành hẹp của mình đi sớm 10-15 năm. 
Rõ ràng, trước dịch Covid-19, không chỉ Trung Quốc gặp khó, Đức cũng sẽ không bao giờ chấp nhận gói cứu trợ lớn hơn 800 tỷ USD để tài trợ kinh tế tư nhân và đầu tư hạ tầng của nhiều nền kinh tế thành viên EU. Đối với nhiều nước châu Âu, đây là cơ hội đổi mới hạ tầng đã đầu tư và bắt đầu lạc hậu của họ (nếu so với Trung Quốc).
3 lĩnh vực chiến lược của các gói cứu trợ này là hạ tầng, công nghệ và y tế. Như vậy, Covid-19 có vẻ đang kích hoạt một đợt đầu tư công, nhắm vào hạ tầng ở những nền kinh tế lớn. Và đây không phải là đợt đầu tư kiểu xây cầu, xây đường cao tốc. Người ta đang chạy đua để đặt những viên gạch cho nền kinh tế thông minh và xanh. 
Trung Quốc cũng từng đẩy nhanh đầu tư công vào những năm 1990 và 2000. Kết quả họ đã vươn lên là một trong những “tay chơi” trong việc xây dựng đường sắt cao tốc trên thế giới. Thời đó, họ cũng lập liên doanh, và học chuyển giao công nghệ từ nước ngoài. Ngộ thay, Việt Nam cũng có những công trình đường sắt, nhưng mấy chục năm rồi không hoàn thành.
Tính ra Việt Nam đi chậm hơn Trung Quốc chừng 10-15 năm trong những dự án lớn. Nhưng hình như sau chừng đó thời gian, khoảng cách của chúng ta và họ có vẻ như giãn ra thêm chục năm. Chuyện này cũng tương tự như việc Việt Nam đón làn sóng đầu tư nước ngoài (FDI) vào làm sản xuất xe máy của những năm cuối thế kỷ trước, với tham vọng cạnh tranh với Thái Lan. Nhưng rồi sau đó người ta có hẳn một ngành công nghiệp phụ trợ, còn Việt Nam hầu như bỏ lỡ hoàn toàn cơ hội.

Minh bạch, chịu trách nhiệm
 Bài học cho Việt Nam là đầu tư tiền ra có thể đạt đến “kỳ tích Sông Hồng”, cũng có thể trở thành bẫy nợ cho nền kinh tế, nếu các dự án trọng điểm đều trở thành dự án thua lỗ ngàn tỷ đồng. Song nếu không làm nguy cơ tụt hậu là rõ ràng.
Người ta nói nhiều đến vấn đề thể chế, con người, tham nhũng khi nói đến chuyện xài tiền đầu tư công. Nhưng thể chế đó hình thù ra sao không rõ ràng. Ở đây tôi đề cập đến 3 vấn đề.
Thứ nhất, minh bạch. Đó là sự rõ ràng trong quy định pháp lý, ai vi phạm nguyên tắc sẽ bị xử phạt nghiêm khắc. Muốn vậy pháp lý phải rõ ràng, quy định nghĩa vụ và quyền hạn cho đúng, để người làm nghiêm túc, ngay thẳng và yên tâm làm việc không sợ “lò nóng”. Minh bạch còn là việc các cơ quan báo chí có thể tiếp cận và đăng tải thẳng thắn về các vấn đề khuất tất trong đầu tư công, giúp cơ quan đại biểu cho nhân dân như Quốc hội giám sát.
Thứ hai, chịu trách nhiệm. Những người đứng đầu địa phương cần được giao nhiều quyền hạn, cũng như quy trách nhiệm cụ thể hơn trong triển khai đầu tư công ở địa phương mình. Chẳng hạn, các đầu tàu kinh tế như TPHCM và Hà Nội cần được giao nhiều quyền và chịu trách nhiệm hơn nữa.
Nếu những nơi này không đi đầu đột phá về cách làm, cách đầu tư, làm sao động lực kinh tế cất cánh? Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh của TPHCM và Hà Nội ở mức trung bình và thấp là điều nghịch lý. Quản trị hành chính công không tốt, tham nhũng còn cao, người ta cũng lo chi tiêu công nếu giao quyền cho địa phương sẽ ra sao?
Thứ ba, công ty thân hữu. Chi tiêu công nghĩa là giao “cục tiền” cho một chủ đầu tư. Chủ đầu tư là cơ quan, tổ chức được giao trực tiếp quản lý dự án đầu tư công. Chủ đầu tư chọn thầu ra sao, chọn ai, như thế nào, đóng vai trò quan trọng trong việc dự án đầu tư công đó có thành công không. Công ty thân hữu nếu được ưu đãi quá mức, tạo ra các xung đột lợi ích trong quá trình thực thi, dẫn đến dự án đình trệ, đội vốn. Giải quyết vấn đề này đòi hỏi sự minh bạch, công khai.
Muốn vậy, phải chi tiêu đúng chỗ cần đầu tư, tiền xài phải được minh bạch, dễ giám sát; cơ quan chi tiêu phải được giao quyền hạn cụ thể, biết rõ trách nhiệm của mình, yên tâm để làm việc, không bị chi phối quá mức từ các công ty thân hữu. 

Các tin khác