Xu hướng mua bán trực tuyến: Lợi người mua, thiệt ngành thuế

(ĐTTCO) - Những năm gần đây hình thức mua bán qua mạng đang ngày càng nở rộ ở thị trường Việt Nam. Song khi hình thức kinh doanh này bùng nổ thì ngành thuế lại đứng trước thách thức làm sao chống thất thu thuế và mang lại công bằng cho các cá nhân, doanh nghiệp cùng kinh doanh. 
 
Click chuột mua hàng
Để chuẩn bị cho chuyến du lịch tự túc vào dịp tết sắp đến, anh Nguyễn Bằng (TPHCM) đã lên kế hoạch khá kỹ lưỡng, trong đó có việc đặt phòng trước. Riêng việc này anh chọn booking online thông qua trang đặt phòng booking.com. Chỉ một vài click chuột anh đã chọn cho cả gia đình 2 phòng nghỉ với mức giá hợp lý. Việc đặt phòng online thông qua các trang web như agoda.com; booking.com… đã trở thành lựa chọn của nhiều bạn trẻ nhờ những ưu điểm nhanh, tiện và hay săn được giá rẻ. 
 Đóng thuế là quyền và nghĩa vụ của công dân. Nếu cơ quan thuế không siết chặt việc này sẽ gây thất thu cho ngân sách nhà nước đồng thời gây mất công bằng giữa các chủ thể liên quan. Tuy nhiên, cần có quá trình và cách thực hiện cho phù hợp để giảm chi phí, như đẩy mạnh áp dụng công nghệ thông tin, đẩy nhanh quá trình thực hiện đề án thanh toán không dùng tiền mặt. 
Luật sư Bùi Quang Tín
Vài năm trở lại đây, rất nhiều sản phẩm, dịch vụ đã từng bước được cá nhân, doanh nghiệp đưa lên mạng để thuận tiện cho khách hàng. Mọi thứ từ quần áo, giày dép, túi xách, thực phẩm, thuốc men, sữa các loại, các mặt hàng điện tử… đều được bán online, phổ biến nhất là bán qua mạng xã hội facebook. Nhiều cá nhân ban đầu chỉ coi việc kinh doanh online qua facebook là nghề tay trái, làm cho vui, nhưng lâu dần đó lại trở thành công việc chính của họ.
Chị Thu Hương (quận Tân Bình, TPHCM) trước đây chỉ bán mấy mặt hàng từ quê gửi vào, lâu dần có mối hàng chị bắt đầu mở rộng và giờ chị bán từ thực phẩm chức năng, hóa mỹ phẩm đến hàng tiêu dùng, trên tạp hóa online của mình. Công việc nhiều chị phải thuê thêm 2 nhân viên chuyên trực trên facebook để trả lời tin nhắn của khách hàng. 
Việc người người, nhà nhà bán hàng online - một trong những động lực quan trọng để các shop online phát triển rầm rộ - là do xu hướng và dần trở thành thói quen tiêu dùng của khách hàng đang thay đổi khi ngày càng có nhiều người thích mua sắm online. Một cuộc khảo sát mới đây của Criteo, một đơn vị trong lĩnh vực tiếp thị thương mại, thực hiện tại Việt Nam: Mua sắm là cách giết thời gian phổ biến nhất của người dùng mạng khi nhàn rỗi. Cụ thể, có đến 60% người nhàn rỗi đang online sẽ quyết định mua sắm; 47% quyết định tìm kiếm thông tin về những sản phẩm và dịch vụ mà họ đang quan tâm. Trong khi chỉ 36% ưu tiên dành thời gian rảnh lúc online để trò chuyện với bạn bè hay người thân.
“Cơn nghiện” mua hàng qua mạng của người Việt càng thể hiện rõ khi đến 75% người dùng internet được hỏi, nói rằng họ thích mua sắm online. 3 lý do chung để người Việt Nam chọn mua sắm trên mạng là tiện lợi, dễ tiếp cận và giá cả hợp lý. Có đến 62% đồng ý rằng mua sắm online giúp tiết kiệm thời gian. Cùng với đó 55% cho rằng mua hàng trên mạng thuận tiện hơn ra cửa hàng và có thể mua bất kỳ lúc nào. 

Vô tư trốn thuế
Cuối năm 2016, một startup của Việt Nam trong lĩnh vực đặt phòng trực tuyến là Vntrip đã tổ chức gặp gỡ báo chí với nội dung “Vntrip khởi kiện Agoda trốn thuế tại Việt Nam”. Ông Lê Đắc Lâm, Tổng giám đốc Vntrip, chỉ ra cách trốn thuế của Agoda: Khi khách hàng Việt trả 100USD tiền phòng cho Agoda, doanh nghiệp này thu 20USD tiền phí, 80USD trả cho khách sạn tại Việt Nam.
Như thế, 20USD đó Việt Nam không thu được đồng thuế nào. CEO của Vntrip ước tính đến năm 2020, chỉ cần 50% doanh thu đến từ khách đặt phòng online qua các trang mạng nước ngoài đang “né thuế”, tương đương 10,5 tỷ USD, thì 50% lượng khách nội địa cũng đủ đóng góp 5,25 tỷ USD tiền phòng cho toàn ngành du lịch. Và nếu không có chế tài kiểm soát Agoda, Việt Nam có thể thất thoát hàng ngàn tỷ đồng tiền thuế. 
 Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính) đã có Văn bản 2623/2017 về việc tăng cường quản lý thuế đối với hoạt động kinh doanh thương mại điện tử. Trong đó Tổng cục Thuế chỉ đạo các Cục thuế phối hợp với Ngân hàng Nhà nước (NHNN) để đề nghị Thanh tra giám sát NHNN hỗ trợ cung cấp bản sao kê tài khoản của các tổ chức, cá nhân hoạt động thương mại điện tử mở tại các NHTM ở Việt Nam, các tổ chức không phải là NH được NHNN cấp phép hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán. Tuy nhiên, cái khó thu thuế kinh doanh trên mạng xã hội chủ yếu vẫn là tuyên truyền, vận động cá nhân, hộ đăng ký kinh doanh kê khai nộp thuế.
Ông NGUYỄN VĂN THIỆN, 
Cục Thuế TPHCM
Tại hội nghị đối thoại giữa Bộ Tài chính và doanh nghiệp về lĩnh vực thuế và hải quan diễn ra cách đây ít ngày tại TPHCM, một doanh nghiệp trong lĩnh vực du lịch bức xúc khi phải nộp thuế thay cho booking.com. Theo đó, Công ty Du lịch Sài Gòn Mũi Né ký hợp đồng với trang booking.com có trụ sở tại Hà Lan. Theo yêu cầu của cơ quan thuế, trước khi trả tiền cho website này, doanh nghiệp phải khấu trừ thuế nhà thầu, nhưng phía booking.com không đồng ý, cho rằng họ được miễn thuế theo Hiệp định Tránh đánh thuế 2 lần giữa Việt Nam và Hà Lan.
Trong trường hợp này, cái khó của Sài Gòn Mũi Né là nếu nâng giá để thu thêm người tiêu dùng sẽ không được vì giá đã được niêm yết. Còn nếu khấu trừ theo đúng quy định của cơ quan thuế sẽ bị đối tác cắt hợp đồng, vì thế doanh nghiệp phải bỏ tiền túi nộp thuế thay. Sau đó, doanh nghiệp có gửi công văn và các hồ sơ như hợp đồng, giấy chứng nhận cư trú của booking.com ở Hà Lan đến Cục Thuế Bình Thuận, đề nghị hoàn trả khoản thuế thu nhập đã nộp theo Hiệp định Tránh đánh thuế 2 lần, nhưng cơ quan thuế trả lời không thuộc trường hợp được miễn.
Tương tự cá nhân kinh doanh online, đặc biệt là kinh doanh qua mạng xã hội facebook, cũng đang gây đau đầu không kém cho ngành thuế. Làm sao để thu thuế những cá nhân này vì không phải ai cũng buôn bán nhỏ lẻ, đồng thời thu phải mang lại công bằng cho những người buôn bán ở cửa hàng (offline).
Câu chuyện thu thuế người bán hàng online được khởi sự vào tháng 2 năm nay, khi Sở Công Thương TPHCM kiến nghị tìm cơ chế để thu thuế hoạt động kinh doanh qua facebook. Sau đó cơ quan thuế ở TPHCM và Hà Nội đã có những động thái tích cực triển khai việc quản lý thuế đối với kinh doanh qua mạng. 
Xu hướng mua bán trực tuyến: Lợi người mua, thiệt ngành thuế ảnh 1 Nhiều cá nhân kinh doanh qua mạng tìm hiểu thông tin đăng ký kê khai thuế tại Chi cục thuế. Ảnh: ĐNT 
Thế nhưng, kết quả lại không mấy khả quan. Như tại TPHCM, gần 13.500 chủ tài khoản facebook được Cục Thuế gửi giấy mời lên làm việc và kê khai nộp thuế, nhưng số người đến rất ít. Việc thu thuế cá nhân kinh doanh qua facebook ở Hà Nội cũng không khả quan hơn.
Bởi theo đánh giá mỗi cá nhân có thể sở hữu nhiều tài khoản facebook, fanpage và những tài khoản này có thể thay đổi rất nhanh, việc kinh doanh mua bán lại thường bằng tiền mặt, hoặc chuyển khoản mà không có hóa đơn nên khó có thể xác định được doanh thu tính thuế. Thất thu thuế là điều đã được nhìn thấy và cơ quan chức năng hiện đang đi tìm lời giải thích hợp nhất cho việc ngăn chặn hành vi trốn thuế của cá nhân và nhiều doanh nghiệp kinh doanh online. 
Ngăn chặn được không?
Bộ Tài chính vừa lấy ý kiến dự thảo tờ trình đề nghị xây dựng Luật Quản lý thuế sửa đổi, trong đó có nhiều đề xuất mới liên quan hoạt động thương mại điện tử. Với cá nhân bán hàng qua mạng, Bộ Tài chính cho rằng cần nghiên cứu bổ sung quy định pháp luật liên quan về chính sách thu thuế đối với hàng hóa giữa các cá nhân này.
Cụ thể, cơ quan chức năng đề xuất, một sản phẩm hàng hóa có giá trị từ 1 triệu đồng/lần trở lên sẽ thu thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập cá nhân theo tỷ lệ %, và không thu thuế đối với một sản phẩm hàng hóa có giá trị dưới 1 triệu đồng/lần. Nhưng nếu 1 sản phẩm hàng hóa dưới 1 triệu đồng mà tần suất giao dịch từ 2 lần/ngày sẽ thực hiện thu thuế giá trị gia tăng và thu nhập cá nhân theo quy định. 
Bình luận về đề xuất này, nhiều chuyên gia cho rằng việc đánh thuế cá nhân bán hàng qua mạng đã được bàn mấy tháng nay, song đề xuất này còn vướng những khó khăn trong ghi nhận thông tin, nhất là về doanh thu do giao dịch chủ yếu bằng tiền mặt. Rồi khó khăn trong việc phối hợp với các máy chủ của các mạng xã hội như facebook để lấy thông tin, đồng thời phải xác định đây có phải kênh marketing cho các cửa hàng offline không, như vậy cũng khó tách bạch doanh thu online và offline… Việc thu thuế kinh doanh qua mạng dự kiến chi phí hành thu sẽ rất cao, cũng cần phải có sự phối hợp nhiều bộ ngành.
Đó là với cá nhân, còn với những ông lớn như facebook, google ngành thuế sẽ làm như thế nào? Theo các thống kê, doanh thu của facebook tại thị trường Việt Nam hiện có thể lên đến 150 triệu USD/năm, tương đương 3.000 tỷ đồng. Google đứng thứ 2 với 2.200 tỷ đồng (khoảng 100 triệu USD). Riêng 2 đơn vị này đã chiếm khoảng 73% thị phần quảng cáo trực tuyến tại Việt Nam. Nếu kiểm soát hết được nguồn thu này, ngân sách sẽ thu được khoản thuế rất lớn. Theo Bộ Tài chính, để quản lý thu thuế đối với loại hình kinh doanh thương mại điện tử tại Việt Nam đạt được hiệu quả, cơ quan chức năng cần sửa đổi Luật quản lý thuế để các bộ, ngành cùng vào cuộc.

Các tin khác