Xử lý nợ xấu: Cần thị trường mua bán nợ đúng nghĩa

(ĐTTCO) - Sau khi Nghị quyết 42 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng (TCTD) có hiệu lực, các ngân hàng thương mại (NHTM) đã đẩy mạnh xử lý nợ xấu thông qua việc thu hồi và bán tài sản đảm bảo (TSĐB).
 Tuy nhiên, công việc này gặp không ít khó khăn vì phần lớn TSĐB khó bán. Do vậy, với lượng hàng hóa dồi dào như hiện nay, nếu có thêm thị trường mua bán nợ và cho phép nhiều nhà đầu tư tham gia mới giải quyết được đầu ra nợ xấu.
Thúc đẩy tiến độ xử lý
Theo số liệu mới nhất được NHNN công bố, nợ xấu nội bảng của các TCTD tính đến cuối tháng 9-2017 ở mức 2,34% so với tổng dư nợ cho vay, giảm so với mức 2,46% cuối năm 2016. Còn nếu tính cả một số khoản nợ tiềm ẩn trở thành nợ xấu, cộng với nợ xấu đã bán cho Công ty Quản lý tài sản của các TCTD (VAMC) nhưng chưa xử lý được, nợ xấu toàn hệ thống ở mức 8,61% (tương đương 566.000 tỷ đồng), giảm so với mức 10,08% cuối năm 2016.
Tính chung tổng số nợ xấu đã được xử lý từ đầu năm 2017 đến cuối tháng 9 đạt khoảng 78.000 tỷ đồng, trong đó khoản nợ xấu xử lý kể từ khi Nghị quyết 42 có hiệu lực ngày 15-8-2017 đạt khoảng 15.000 tỷ đồng. Như vậy để đạt mục tiêu đưa nợ xấu của hệ thống NH về mức dưới 3% vào năm 2020, mỗi năm trung bình phải xử lý được 130.000 tỷ đồng nợ xấu. Năm 2017 không hoàn thành mục tiêu, năm 2018 Nghị quyết 42 tiếp tục là cơ sở để thị trường kỳ vọng ngành NH có thể mở rộng danh mục khoản nợ xấu được xử lý, thực hiện đạt mục tiêu đề ra.
 Thời điểm này, Việt Nam rất cần một thị trường mua bán nợ, tạo ra sân chơi mới cho các nhà đầu tư, góp phần phát triển thị trường tài chính Việt Nam. Trong bối cảnh này, Nghị quyết 42 là đường lối, chủ trương đặc biệt thuận lợi để Chính phủ, các bộ ngành hiện thực hóa bằng các văn bản pháp luật, tạo điều kiện cho thị trường mua bán nợ phát triển. 
TS. Nguyễn Trí Hiếu
Tại các NHTM, sau khi Nghị quyết 42 có hiệu lực và VAMC thông báo siết nợ tòa nhà Saigon One Tower trị giá 7.000 tỷ đồng, hoạt động thu hồi, đấu giá thanh lý TSĐB của các khoản nợ xấu được thực hiện dồn dập.
Trong đó, 6 TCTD được NHNN chọn tiên phong triển khai thực hiện gồm Sacombank, ACB, BIDV, Techcombank, VietinBank và Agribank nhanh chóng thu giữ và đấu giá nhiều TSĐB có giá trị lớn.
Gần đây nhất ngày 18-12-2017, Sacombank đã tổ chức đấu giá 3 quyền sử dụng đất tại Khu công nghiệp Đức Hòa III (tỉnh Long An), với tổng mức giá khởi điểm gần 10.000 tỷ đồng, sau đó giảm gần 900 tỷ đồng để xử lý nhanh hơn.
Trước đó, Sacombank cũng đã ký kết hợp tác với VAMC về việc xử lý nợ xấu và tài sản tồn đọng của Sacombank đã bán cho VAMC. Năm 2017 Sacombank đã xử lý và thu hồi nợ xấu hơn 19.000 tỷ đồng (không tính phần bán cho VAMC). Tỷ lệ nợ xấu của Sacombank đầu năm 2017 là 6,68%, hiện đã giảm xuống còn 4,4%.
Tương tự, BIDV, Agribank cũng đã ký kết thỏa thuận hợp tác với VAMC về triển khai thực hiện Nghị quyết 42. Các NH không nằm trong danh sách thí điểm cũng ráo riết bắt tay vào việc xử lý nợ xấu, theo đó nguồn cung TSĐB từ bất động sản đến động sản được đưa ra thị trường rất lớn.
Cần thêm thời gian
Hiện nay, nợ xấu của nhóm doanh nghiệp nhà nước (DNNN) đã có hướng xử lý khi Nghị định 126 thay thế Nghị định 59 về cổ phần hóa DNNN đã có hiệu lực từ ngày 16-11-2017, giúp Công ty TNHH mua bán nợ Việt Nam (DATC) có thể phát huy vai trò của mình.
Theo Nghị định 59, TCTD chỉ xem xét bán nợ DATC thay vì có trách nhiệm bán nợ cho công ty này nên DATC không tham gia nhiều trong việc xử lý nợ xấu. Tuy nhiên, tại Nghị định 126 vai trò và nhiệm vụ của DATC trong việc xử lý nợ hỗ trợ tái cơ cấu các DNNN thực hiện cổ phần hóa được quy định rõ ràng, thúc đẩy sự hợp tác của các NHTM cùng DATC. Nhờ vậy, chỉ trong một thời gian ngắn, DATC xử lý được nhiều khoản nợ lớn. 
 Chứng khoán hóa các khoản nợ là điều kiện để phát triển thị trường mua bán nợ tập trung và tạo ra thanh khoản cao cho thị trường, thu hút các nhà đầu tư có tiềm lực tài chính mạnh tham gia thị trường, giúp các NH giảm được rủi ro thông qua việc tái cấu trúc các khoản nợ của mình.
TS. Nguyễn Thị Thùy Linh, 
Trưởng khoa NH, Đại học Kinh tế TPHCM
Cụ thể, ngày 11-12-2017, DATC cùng VietinBank phối hợp xử lý thành công khoản nợ trên 1.700 tỷ đồng hình thành từ nhiều năm, khách nợ là một công ty 100% vốn nhà nước hoạt động trong lĩnh vực vận tải đang trong giai đoạn thực hiện tái cơ cấu để cổ phần hóa. Trong khi trước đó VietinBank và DN đã áp dụng nhiều biện pháp khác nhau để giải quyết khoản nợ này song vẫn không đạt được kết quả như mong muốn.
Trước đó, DATC cũng đã phối hợp thành công với Techcombank để xử lý khoản nợ xấu trên 200 tỷ đồng tại một công ty cổ phần có vốn chi phối của Nhà nước, theo đó ký hợp đồng mua nợ với giá trị khoản nợ thực hiện giao dịch 1.014 tỷ đồng với một NHTM có vốn nhà nước. DATC tiếp tục ký thêm một số hợp đồng mua nợ tồn đọng hỗ trợ xử lý nợ xấu cho một số TCTD và góp phần tái cơ cấu DNNN trong tháng 12-2017. Theo đó, đến giữa tháng 12-2017, tổng doanh số mua nợ của DATC đã đạt 120%, tổng doanh thu đạt 110%, dự kiến cả năm DATC đạt trên 130% kế hoạch tổng doanh số và kế hoạch tổng doanh thu hoạt động năm 2017.
Về nợ xấu của DN tư nhân, trong làn sóng NH bán TSĐB để thu hồi nợ, có thể thấy nhiều con nợ lớn của NH đã lộ diện, nhiều khoản nợ vài trăm đến hàng ngàn tỷ đồng được công khai chào bán.
Theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính NH, việc Quốc hội ban hành Nghị quyết 42 xử lý nợ xấu, thị trường bất động sản có nhiều sản phẩm hơn từ NH thu hồi TSĐB của nợ xấu bán cho thị trường. Tuy nhiên, trên thực tế lại đang có xu hướng những TSĐB nằm ở khu vực trung tâm các thành phố lớn được giao dịch rất nhanh chóng trong một hoặc vài phiên đấu giá.
Ngược lại tài sản bất động sản ở khu vực xa xôi hay động sản như nhà xưởng máy móc rất khó bán, dù tổ chức nhiều phiên đấu giá. Các chuyên gia nhận định điều này xuất phát từ nhu cầu thực tế, vì bất động sản ở trung tâm luôn là miếng bánh béo bở hấp dẫn nhà đầu tư, trong khi ở các khu vực xa xôi hoặc tài sản động sản “kén khách” hơn, chỉ dành cho những nhà đầu tư thực sự có nhu cầu. 
Trên thị trường đã có nhiều dự án có giá trị rất lớn tại TPHCM, như dự án khách sạn Senla Boutique tại quận 1 đang thi công dở dang, hay Trung tâm thương mại Thuận Kiều Plaza đã được các nhà đầu tư lặng lẽ sang tay đổi chủ êm đẹp. Trong khi đó, nhiều TSĐB là quyền sử dụng đất ở các khu công nghiệp được NH sôi nổi mời chào đấu giá, thậm chí giảm giá để bán nhanh nhưng sau nhiều phiên vẫn chưa bán được. Hay gần đây có nhiều giao dịch chuyển nhượng dự án tương tự cho đối tác nước ngoài rất thành công.
Như tại Bình Dương, Tập đoàn P.H Group (Đài Loan) đã chuyển nhượng dự án khách sạn Otis Hotel rộng 4.000m2 và Khu công nghiệp Bàu Bàn của Becamex, hay Koan Hao Technology (Đài Loan) mua lại dự án Protrade Singapore Tech Park… Do đó, để tiến độ bán nợ xấu diễn ra thuận lợi hơn cần xem xét cho nhà đầu tư nước ngoài tham gia vì nguồn khách hàng này rất lớn, nhu cầu đa dạng, chắc chắn sẽ xử lý được nhiều và nhanh hơn các khoản nợ xấu tại Việt Nam.
Xử lý nợ xấu: Cần thị trường mua bán nợ đúng nghĩa ảnh 1 Ảnh minh họa: PHẠM LONG 
Cần “chợ” để giao dịch
Theo Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú, hệ thống các TCTD Việt Nam đang trong tiến trình tái cơ cấu giai đoạn 2, nên vấn đề hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu sẽ là điều kiện thuận lợi, giúp đẩy nhanh và hiệu quả hơn quá trình tái cơ cấu và xử lý nợ xấu. Lãnh đạo các NHTM cũng nhận định việc xử lý nợ xấu sau khi có Nghị quyết 42 dễ thở nhiều hơn so với trước đây, vì có khung pháp lý để thực hiện, giúp các NH có điều kiện tái cơ cấu hoạt động.
Tuy nhiên, khung pháp lý cũng cần có độ thẩm thấu, không thể trong ngày một ngày hai có thể xử lý được, bởi vẫn còn phải hoàn thiện nhiều vấn đề, có sự đồng thuận của cả xã hội. 
Đối với vấn đề xử lý nợ xấu, từ năm 2016 Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đề nghị với NH Thế giới (WB), cụ thể là IFC giúp đỡ giải quyết nợ xấu một cách thực chất. Đây là một đề nghị cởi mở, cho thấy xử lý nợ xấu không chỉ cần sự nỗ lực trong nước mà còn cần sự hỗ trợ kinh nghiệm từ nước ngoài. Hiện nhóm chuyên gia WB đang hỗ trợ Việt Nam tiếp tục thúc đẩy quá trình xử lý nợ xấu, củng cố hệ thống NH thông qua việc triển khai các giải pháp cải thiện khung pháp lý và giám sát, thiết lập môi trường và hệ thống pháp lý lành mạnh, thuận lợi và hình thành một thị trường mua bán nợ xấu hoạt động hiệu quả. Tuy nhiên hiện vẫn chưa ghi nhận được những thay đổi mới. 
Theo nhận định của Trung tâm Nghiên cứu của BIDV, trong quá trình phát triển, nhiều quốc gia đã gặp phải vấn đề nợ xấu cao trong hệ thống TCTD, ảnh hưởng đến toàn bộ nền kinh tế và phải mất nhiều năm để tháo gỡ. Tương tự, trong giai đoạn từ 2011 đến nay, Việt Nam đã phải nỗ lực rất nhiều để giải quyết tình trạng này nhưng vẫn còn chậm. Nhiệm vụ khơi thông dòng vốn mới cho nền kinh tế cũng như góp phần đưa các tài sản vào tái sử dụng trong thời gian ngắn nhất đã được Đảng, Quốc hội, Chính phủ cũng như các cơ quan chức năng hết sức quan tâm.
Thị trường mua bán nợ sẽ đóng vai trò trọng yếu và có thể là bước tiến mới trong quá trình phát triển của thị trường tài chính Việt Nam. Tuy nhiên, đến nay, sự phát triển của thị trường này vẫn chưa phát triển theo kịp với yêu cầu thực tế. Trong vấn đề này, các nền kinh tế lớn ở châu Á có nhiều đặc điểm tương đồng với Việt Nam, như Hàn Quốc và Trung Quốc, đã trải qua tình huống này và có nhiều giải pháp xử lý. Vì thế, đây là những mô hình Việt Nam có thể học hỏi để xử lý nợ xấu tốt hơn.

Các tin khác