Xử lý nợ xấu và TCC ngân hàng: Giải pháp tổng hợp nâng chất hệ thống

(ĐTTCO) - Đề án cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD) gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020 và Nghị quyết 42 về thí điểm xử lý nợ xấu của các TCTD được Quốc hội thông qua đã chính thức có hiệu lực, đặt ra kỳ vọng hệ thống ngân hàng (NH) sẽ lành mạnh hóa tài chính, nâng cao năng lực quản trị. 
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, vẫn còn cần thêm một số điều kiện để quá trình tái cơ cấu và xử lý nợ xấu có hiệu quả. ĐTTC đã trao đổi với TS. TRẦN DU LỊCH, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia, xung quanh vấn đề này.
Kỳ vọng tháo điểm nghẽn

 Cần xác định trọng tâm trong thời gian tới lĩnh vực tài chính NH tiếp tục tái cơ cấu và xử lý nợ xấu, nâng cao chất lượng tín dụng. Đối với tái cơ cấu các TCTD, cần tiếp tục xử lý NH yếu kém. Đồng thời Chính phủ có thể lựa chọn, đầu tư cho một vài NH lớn để xây dựng những NH này thành tầm cỡ khu vực, cạnh tranh trong bối cảnh hội nhập sâu rộng.
PHÓNG VIÊN: - Thưa ông, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định 1058/QĐ-TTg phê duyệt Đề án cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020. Ông nhận định như thế nào về đề án này?

TS. TRẦN DU LỊCH: - Đề án cơ cấu lại các TCTD gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020 theo Quyết định 1058 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, là quá trình tiếp tục giai đoạn tái cơ cấu 2011-2015. Hiện tái cơ cấu các TCTD có thuận lợi hơn giai đoạn trước, vì giai đoạn trước phải lo 2 vấn nạn lớn: có thể một vài NHTM nhỏ phá sản gây tác động đổ vỡ dây chuyền, và tình trạng căng thẳng về thanh khoản của nhiều NH.
Bây giờ 2 vấn đề đó đã vượt qua, NHNN có điều kiện thực hiện tái cơ cấu giai đoạn 2. Theo đó, giai đoạn 2 phải xử lý sạch nợ xấu, xử lý sạch sở hữu chéo, xử lý NH yếu kém và cuối cùng là lành mạnh hóa toàn bộ hệ thống. Đây là yêu cầu phải thực hiện từ nay đến năm 2020.
Với tinh thần đó, NHNN đang thực hiện tuy có chậm một vài khâu nhưng đã có lộ trình, và Nghị quyết 42 là điều kiện pháp lý để giúp lộ trình này có thể đẩy nhanh hơn trong vấn đề xử lý vấn nạn “cục máu đông” nợ xấu. Tôi tin đến năm 2020 lộ trình này đạt được một số mục tiêu lớn, trong đó có vấn đề lành mạnh hóa của hệ thống NH.

- Một trong những mục tiêu lớn của đề án này là giảm số lượng TCTD yếu kém, và giải pháp được nêu tại đề án là khuyến khích mua bán, sáp nhập đối với các TCTD này. Vậy làm thế nào để thúc đẩy hoạt động mua bán, sáp nhập các TCTD yếu kém diễn ra mạnh mẽ hơn, thưa ông?

- Chủ trương sáp nhập, hợp nhất các NH yếu kém cũng như để các NH tự nguyện sáp nhập đã có khá lâu. Tuy nhiên, việc sáp nhập tự nguyện hoặc khuyến khích các NH mua lại NH yếu kém vướng 2 vấn đề. Thứ nhất, tình trạng những NH yếu kém gắn với những ông chủ của NH đó khá chặt chẽ về phương diện tín dụng và nhiều vấn đề khác.
Thứ hai, phần lớn NH này có nợ xấu mà tính minh bạch của những khoản nợ này cần phải làm rõ. Giải pháp để thúc đẩy sáp nhập hợp nhất NH là những NH yếu kém phải tạo sự minh bạch các khoản nợ, đặc biệt là vấn đề nguồn vay nợ xấu hiện nay nằm ở đâu, có chuyện lợi ích nhóm ở đây hay không, cần phải được xử lý trước.
Có nghĩa NH có thể yếu vốn điều lệ hoặc quản trị kém, nhưng hoạt động minh bạch hoàn toàn có thể mua bán sáp nhập tốt. Lâu nay cái khó là thiếu minh bạch nên không thực hiện được.
Như vậy, muốn làm việc này, dù đối tượng tham gia mua bán, sáp nhập là tổ chức định chế tài chính trong nước hay ngoài nước, cũng đều đòi hỏi NH yếu kém phải minh bạch về phương diện quan hệ, trong đó có sở hữu chéo - vấn đề bản chất và tính chất của nợ xấu.

Nâng cấp ngân hàng xứng tầm khu vực

 Nghị quyết 42 chỉ giải quyết về mặt thủ tục, còn thị trường mua bán nợ có phát triển được hay không liên quan tới nhiều yếu tố thị trường, không phải chỉ có Nghị quyết 42 là giải quyết được. Tuy nhiên, Nghị quyết 42 cũng là điều kiện cần để phát triển thị trường mua bán nợ.
- Theo đề án, BIDV, Vietcombank và VietinBank phải tăng vốn để đáp ứng tiêu chuẩn Basel II, trong khi việc tăng vốn của các NH này thời gian qua khá khó khăn. Có ý kiến cho rằng các NH này nên niêm yết trên thị trường chứng khoán nước ngoài, qua đó thu hút dòng vốn đầu tư từ nước ngoài để tăng vốn và có điều kiện thực hiện mục tiêu đến năm 2020 có ít nhất 1-2 NHTM nằm trong tốp 100 NH lớn nhất khu vực châu Á. Quan điểm của ông như thế nào?

- Thật sự không phải đến quá trình tái cơ cấu các TCTD mới nhắc đến vấn đề này, mà từ Nghị quyết Trung ương 3 năm 2011 đã có chủ trương xử lý các NH yếu kém phải đồng thời xây dựng một số NH mạnh có tầm tương xứng với một số NHTMCP trong khu vực ASEAN.
Ở đây đề án có đề cập đến việc tăng vốn, nâng cao năng lực tài chính của BIDV, VietinBank, Vietcombank, đây là những NH lớn mạnh, hiện nay đang cổ phần hóa, Nhà nước nắm cổ phần chi phối. Song vấn đề là làm sao để nâng các NH này lên. Tôi cho rằng hiện nay những NH này đã niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam, nên thực thi theo phương thức như sau: Những NHTM có vốn nhà nước do Nhà nước sở hữu nên tăng vốn cho NH và Nhà nước giữ ở mức 65%. Nhà nước không bán, không rút vốn nhưng tăng vốn để nhà đầu tư trong nước và nước ngoài trên thị trường mua thêm 35% nữa. 

Chẳng hạn tại BIDV, vốn nhà nước chiếm 95,28%, nếu tăng vốn lên để vốn nhà nước giảm xuống còn 65%, phần vốn huy động được sẽ rất lớn để tăng vốn chủ sở hữu của NH lên. Tương tự các NH khác cũng vậy. Đây là cách phù hợp với các NH Việt Nam, vì những NH này đã niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán.
Nếu Nhà nước nắm chi phối 65% có 2 thuận lợi, thứ nhất là tăng được vốn chủ sở hữu NH lên, thứ hai là với giao dịch 35% cổ phần trên thị trường chứng khoán sẽ đánh giá được năng lực quản trị, chất lượng của NH này. Bởi lẽ các NH này đã niêm yết, nhưng thanh khoản trên thị trường chỉ vài % không giải quyết được vấn đề gì.  Nếu thanh khoản 35% sẽ có sự khác biệt và Nhà nước vẫn đạt mục tiêu của mình tại các NH này.
Xử lý nợ xấu và TCC ngân hàng: Giải pháp tổng hợp nâng chất hệ thống ảnh 1  Ảnh minh họa. 
Tạo sự đột phá từ Nghị quyết 42

- Hiện Nghị quyết 42 về thí điểm xử lý nợ xấu của các TCTD đã chính thức có hiệu lực. Vậy nghị quyết này sẽ có tác động như thế nào đến việc xử lý nợ xấu trong thời gian tới?

- Nghị quyết 42 tuy đưa ra có chậm nhưng rất cần thiết và giải quyết những vấn đề tắc nghẽn, không phải vấn đề về tính chất của nợ xấu mà là những thủ tục hành chính tư pháp, quyền của chủ nợ bị các luật pháp quy định khác trói buộc.
Thí dụ, một khoản nợ người vay quá hạn không cộng tác tích cực, dù có thế chấp tài sản, NH xử lý tài sản đó rất nhiêu khê, thậm chí có nhiều nơi nản lòng vấn đề xử lý tài sản đảm bảo. Tuy nhiên để Nghị quyết 42 triển khai và đi vào cuộc sống phải kèm theo nhiều điều kiện nữa.
Điều kiện thứ nhất, phải minh bạch và công khai thủ tục mua bán tài sản thế chấp để tránh những lo lắng về lợi ích nhóm, nghĩa là tăng quyền chủ nợ nhưng cũng phải bảo đảm quyền của người mắc nợ và người thứ ba có liên quan.
Thứ hai, hiện nay có những tài sản thế chấp có tính chất pháp lý rất mù mờ. Đơn cử 1 dự án bất động sản đền bù giải tỏa một phần nhưng chưa làm xong, bây giờ chuyển nhượng dự án thế nào còn liên quan đến các thủ tục đất đai, cần phải đồng bộ các thủ tục đó.
Dự án bất động sản là bán thành phẩm, chưa là sản phẩm bất động sản vì đang trong giai đoạn triển khai dang dở, những loại này khá phức tạp trong vấn đề mua bán.

- Nghị quyết 42 nói đến mua bán nợ theo cơ chế thị trường. Nhưng để mua bán nợ cần có các công ty mua bán nợ chuyên nghiệp và cơ chế chính sách được hoàn thiện, đảm bảo hành lang pháp lý rõ ràng hơn tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động này. Vậy liệu sắp tới các NH có mạnh dạn bán nợ xấu dưới giá trị thực, thưa ông?

- Để phát triển thị trường mua bán nợ, Nghị quyết 42 đã giải quyết một vấn đề cho phép bán khoản nợ theo giá thị trường, không phải bán theo giá trị sổ sách của NH, có nghĩa có thể bán cao hơn hoặc bán thấp hơn. Nhưng với tình hình hiện nay bán thấp hơn giá trị sổ sách là chính.
Vấn đề còn lại là NH có mạnh dạn bán hay không. Đây là vấn đề đặt ra lâu nay. Giả sử những khoản thế chấp minh bạch, không có tiêu cực, không có sự thông đồng để đẩy giá lên như một miếng đất giá 100 đồng tự nâng giá lên 150-200 đồng, tôi nghĩ các NH sẽ mạnh dạn xử lý, vì đằng nào lâu nay họ cũng phải trích lập dự phòng tài chính để xử lý một phần rồi.
Chỉ những khoản tín dụng chứa đựng trong đó yếu tố tiêu cực sẽ khó mua bán theo giá thị trường. Do đó, tôi cho rằng với quyết tâm xử lý nợ xấu, NHNN nên có sự giám sát, đặc biệt là có chỉ đạo triển khai thực hiện mạnh mẽ, kể cả những loại nợ xấu không minh bạch hay có tiêu cực trong quá trình cấp tín dụng. 

- Xin cảm ơn ông.

Các tin khác