Xuất khẩu dệt may đón đầu cơ hội

(ĐTTCO) - CPTPP sẽ giúp kim ngạch xuất khẩu dệt may Việt Nam tăng thêm 3-6%/năm. Đây là cơ hội lớn cho DN dệt may trong nước. 
Xuất khẩu dệt may đón đầu cơ hội
Nhưng để được hưởng các ưu đãi thuế trong CPTPP, DN dệt may Việt Nam phải đáp ứng hàng loạt tiêu chuẩn khắt khe về môi trường, lao động, xuất xứ hàng hóa từ xợi theo cam kết của CPTPP. Trao đổi với ĐTTC, ông VŨ ĐỨC GIANG, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS), cơ hội đã mở ra, việc tận dụng tới đâu phụ thuộc vào tầm nhìn đầu tư chiến lược của mỗi DN.
PHÓNG VIÊN: - Thưa ông, CPTPP đã mở ra cơ hội cho ngành dệt may và các DN dệt may xuất khẩu như thế nào?
Ông VŨ ĐỨC GIANG: - CPTPP là hiệp định rất quan trọng cho ngành dệt may, da giày. Thứ nhất nó tạo ra một thị trường, trong đó có những nước mình chưa có FTA song phương như Canada, New Zealand, Australia…, mở ra cơ hội xuất khẩu hàng dệt may rất lớn cho DN. Bởi đây là những thị trường DN dệt may Việt Nam rất cần, đặc biệt đây là FTA thế hệ mới, với các cam kết toàn diện hơn về loại bỏ hàng rào thuế quan.
Thứ 2, CPTPP sẽ là động lực để ngành dệt may phát triển công nghiệp phụ trợ, sản xuất nguyên phụ liệu cho ngành. Điều này xuất phát từ các yêu cầu của CPTPP đòi hỏi xuất xứ hàng hóa từ nguyên liệu đầu vào, sẽ là lực hút với các DN công nghiệp phụ trợ dệt may trong và ngoài nước. 
Lợi ích thứ 3 CPTPP mang lại là cải thiện giá trị gia tăng trong xuất khẩu. Bởi các cam kết CPTPP đòi hỏi xuất xứ hàng hóa từ nguyên phụ liệu, là động lực để DN xuất khẩu làm hàng ODM (hàng hóa từ gốc), cải thiện giá trị thặng dư hàng hóa dệt may xuất khẩu so với làm hàng gia công.
Chẳng hạn trong năm 2017, ngành dệt may xuất khẩu hơn 31 tỷ USD, thặng dư chiếm gần 50%. Khi tham gia CPTPP, đòi hỏi xuất khẩu hàng FOB, ODM, giá trị thặng dư thương mại xuất khẩu hàng năm sẽ chiếm 60-65%. 
- Bên cạnh những lợi thế, thách thức CPTPP mang đến cho DN dệt may xuất khẩu là gì, thưa ông?
- Chắc chắn DN dệt may xuất khẩu phải vượt qua nhiều thách thức đến từ các cam kết của CPTPP để đạt được mục tiêu kỳ vọng. Đó là cộng đồng DN dệt may xuất khẩu phải có tầm nhìn chiến lược trong đầu tư phát triển, đáp ứng yêu cầu của các nhà mua, đại lý nhập khẩu, phân phối và khả năng đáp ứng các cam kết trong CPTPP.
Các DN dệt may xuất khẩu phải có đội ngũ làm công tác thị trường am hiểu luật thương mại, đủ năng lực hiểu và vận dụng tối đa các điều khoản cam kết để tìm kiếm được phần lợi ích CPTPP mang lại. Đây là yếu tố con người, đội ngũ nguồn lực làm thị trường để có thể bán hàng trực tiếp vào các nước nhập khẩu, không thể làm qua khâu trung gian, thông qua nước thứ 3 như đang làm. 
 Tham gia CPTPP là cơ hội gia tăng kim ngạch xuất khẩu, kích thích việc đầu tư mở rộng cho ngành dệt may trong nước, đặc biệt là may mặc. Khi CPTPP có hiệu lực, các dòng thuế sẽ giảm, giá trị xuất khẩu sẽ tăng nhờ sự gia tăng xuất khẩu hàng hóa vào 11 thị trường trong CPTPP. Giả định với mục tiêu xuất khẩu năm 2018 của ngành dệt may ước đạt 35 tỷ USD, việc tăng thêm giá trị xuất khẩu sẽ tăng thêm 1,05-2,1 tỷ USD/năm.
Thách thức tiếp theo là hình thành chuỗi cung ứng dệt may, đặc biệt trong khâu cung ứng nguyên phụ liệu tại chỗ. Cần tạo chuỗi liên kết dựa trên lợi ích của tất cả nhà sản xuất như sợi, dệt, nhuộm, may, các nguyên phụ liệu khác. Đây là yếu tố hết sức quan trọng.
Bên cạnh đó, tầm nhìn của các nhà đầu tư, sản xuất dệt may Việt Nam phải dài hạn, đầu tư đúng chuẩn, đáp ứng các tiêu chuẩn về môi trường. Về việc này Tổng công ty May Việt Tiến đã đầu tư nhiều tỷ đồng để xây dựng hệ thống xử lý môi trường theo tiêu chuẩn của Hoa Kỳ, đầu tư hệ thống điện mặt trời, giảm dùng nguồn điện gây ô nhiễm. 
Việc đầu tư bài bản là tiền đề để hưởng lợi từ các cam kết CPTPP. Chẳng hạn trước đây DN thường đầu tư diện tích nhà xưởng sản xuất cho mỗi công nhân 2,6m2, tức chỉ cần chỗ ngồi làm việc, trong khi tiêu chuẩn của CPTPP là 4m2 chỗ ngồi cho 1 công nhân. Điều này đòi hỏi phải có tầm nhìn, nếu DN cứ duy trì thói quen đầu tư, sản xuất trước đây sẽ rất khó đạt được mục tiêu. 
- Việc Hoa Kỳ, một thị trường lớn, truyền thống của DN xuất khẩu dệt may Việt Nam rút khỏi CPTPP ảnh hưởng thế nào tới hoạt động xuất khẩu những năm tới, thưa ông?
- Tôi cho rằng dù chưa tham gia CPTPP nhưng tới đây Hoa Kỳ cũng sẽ nhìn nhận lại khi đánh mất cơ hội tham gia thị trường rộng lớn này. Còn với các DN dệt may Việt Nam đang xuất khẩu vào Hoa Kỳ, nếu nước này tham gia CPTPP, hoạt động xuất khẩu dệt may sẽ thuận lợi hơn, tăng trưởng cao hơn.
Thực tế hiện nay kim ngạch xuất khẩu dệt may hàng năm của Việt Nam vào Hoa Kỳ vẫn chiếm khoảng 50% tổng kim ngạch xuất toàn ngành (riêng năm 2017 ước khoảng 15 tỷ USD). Thị trường Hoa Kỳ cũng rất cần các sản phẩm dệt may xuất khẩu từ Việt Nam, nên khi Hoa Kỳ chưa tham gia CPTPP, các DN dệt may Việt Nam vẫn cố gắng giữ được nhịp độ xuất khẩu vào thị trường này như những năm qua.
Chỉ có điều hiện DN xuất khẩu dệt may Việt Nam khi xuất khẩu vào Hoa Kỳ đang chịu các dòng thuế theo cam kết WTO, còn nếu Hoa Kỳ tham gia CPTPP các dòng thuế này sẽ về 0%, mang lại nhiều lợi ích hơn. Bản chất các nhà nhập khẩu và phân phối hàng dệt may tại Hoa Kỳ cũng không muốn bỏ trứng vào một giỏ và nhập khẩu từ Việt Nam vẫn là kênh được lựa chọn. DN xuất khẩu dệt may Việt Nam đã quen với thị trường này, nên Hoa Kỳ có hay không tham gia CPTPP họ vẫn phải duy trì thị trường này.
- Sắp tới DN dệt may xuất khẩu Việt Nam có nên định hướng vào các thị trường cụ thể trong CPTPP, thưa ông?
- Trong 11 nước tham gia CPTPP, Nhật Bản vẫn là thị trường nhập khẩu hàng dệt may Việt Nam lớn nhất. Hiện nay, khi chưa có CPTPP, hàng năm kim ngạch xuất khẩu dệt may của Việt Nam vào thị trường Nhật Bản đạt 7-8 tỷ USD. Tiếp đó, các DN xuất khẩu dệt may Việt Nam cũng cần quan tâm tới các thị trường có kim ngạch xuất khẩu lớn như Canada, New Zealand, Australia, Chile.
Đây là 5 thị trường xuất khẩu trọng yếu của các DN dệt may Việt Nam trong khối CPTPP. Còn lại các thị trường khác như Singapore, Malaysia không đáng quan tâm vì quy mô quá nhỏ, nhưng chúng ta có thể xuất khẩu qua các nước này, qua các kênh thương mại khác. Đây cũng là cơ hội cho DN dệt may trong nước.
- Xin cảm ơn ông.

Các tin khác