Xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc bằng đường biển cũng gặp khó

(ĐTTCO)-Theo tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, phía Trung Quốc áp dụng chính sách 'Zero COVID' nên việc xuất khẩu nông sản, đặc biệt là trái cây tươi, bằng đường biển cũng gặp nhiều khó khăn.
Giá thuê container rỗng tăng chóng mặt khiến doanh nghiệp xuất nhập khẩu gặp khó khăn vì tăng chi phí - Ảnh: TUẤN PHÙNG
Giá thuê container rỗng tăng chóng mặt khiến doanh nghiệp xuất nhập khẩu gặp khó khăn vì tăng chi phí - Ảnh: TUẤN PHÙNG

Nhằm thúc đẩy xuất khẩu nông sản, rau quả tươi trong thời gian tới bằng đường biển, giảm thiểu ách tắc cho xuất khẩu nông lâm sản và thủy sản của Việt Nam qua các tỉnh biên giới phía Bắc, chiều nay (12-1), Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn phối hợp cùng Bộ Giao thông vận tải họp bàn về thúc đẩy xuất khẩu nông sản bằng đường biển.

Ông Đặng Phúc Nguyên - tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam - cho biết thời điểm hiện tại việc xuất khẩu bằng đường biển sang Trung Quốc cũng gặp nhiều khó khăn.

Thứ nhất, hiện nay lượng tàu không ổn định, hay bị trễ. Thứ hai, vỏ container lạnh đang bị thiếu hụt nhiều, giá thuê cao. Thứ ba, bên phía Trung Quốc kiểm dịch COVID-19 rất chặt chẽ, kể cả đường biển nên việc thông quan chậm. 

"Theo thông tin từ các đối tác của các doanh nghiệp tại Trung Quốc cho biết mỗi ngày cảng Thượng Hải chỉ thông quan 5 container. Do đó, đối tác cũng khuyên doanh nghiệp chúng ta hạn chế vận chuyển hàng hóa bằng đường biển" - ông Nguyên nói.

Ông Nguyên khuyên các doanh nghiệp nắm bắt thông tin để điều tiết đưa hàng lên tàu, vận chuyển hợp lý, tránh thời gian nghỉ Tết dài phía bạn, ảnh hưởng tới chất lượng hàng hóa và thiệt hại về kinh tế của doanh nghiệp. Nên để sau Tết Nguyên đán khoảng 2 - 3 tuần, sau đó xác định lại tình hình và yêu cầu của thị trường Trung Quốc để lên phương án cụ thể.

"Ngoài ra, do đi đường biển là xuất theo chính ngạch, bắt buộc hàng phải đủ hợp đồng, giấy tờ liên quan... nên các doanh nghiệp cần lưu ý, tránh việc hàng không đủ thủ tục sẽ bị gián đoạn thông quan" - ông Nguyên nói thêm.

Ông Nguyễn Khắc Huy - giám đốc Công ty Hoàng Phát Fruit - cho biết việc thuê vỏ container hiện nay rất khó khăn, giá cước tăng từ 60-70 triệu đồng lên 200 triệu đồng. "Khi có đơn hàng xuất khẩu, chúng tôi đặt thuê trước 1 tháng, họ hứa có vỏ container nhưng đến khi lấy thì họ nói không có. Chúng tôi phải chi 1-2 triệu đồng thì người ta mới ‘nhả’ vỏ container cho" - ông Huy nói.

Ông Nguyễn Quốc Trịnh - chủ tịch Hiệp hội Thanh long Long An - đề nghị các bộ, ngành liên quan cần kiểm soát chặt giá thuê vỏ container đi đường biển bởi giá thuê tăng gấp 3-4 lần so với trước đây. 

Theo Phòng kiểm dịch thực vật (Cục Bảo vệ thực vật, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn), sau khi ùn tắc nông sản tại các cửa khẩu đường bộ, nhiều doanh nghiệp tăng cường xuất khẩu quả tươi qua đường biển.

"Trước đây gần như không có hoạt động xuất khẩu quả tươi sang Trung Quốc qua các cảng biển. Tuy nhiên, từ nửa cuối tháng 12-2021 đến ngày 5-1, tại cảng Hải Phòng và TP.HCM đã xuất khẩu sang Trung Quốc được hơn 100.000 tấn quả tươi (chuối, mít, thanh long, xoài…)" - Phòng kiểm dịch thực vật thông tin.

Theo Cục Bảo vệ thực vật, tình trạng ùn tắc hiện nay do phía Trung Quốc áp dụng chính sách "Zero COVID" và không liên quan tới việc kiểm dịch thực vật hay chất lượng nông sản.

Nhằm tháo gỡ tình trạng ùn tắc nông sản, ngành bảo vệ thực vật cam kết hợp tác chặt chẽ, có các kênh liên lạc trực tiếp với Tổng cục Hải quan Trung Quốc cũng như các đơn vị kiểm dịch tại cửa khẩu. Bên cạnh đó, cục sẽ triển khai cơ chế họp song phương trực tiếp và trực tuyến để trao đổi thông tin, cùng nước bạn phối hợp và thực hiện các giải pháp để thực hiện kiểm dịch thực vật nhanh chóng cho các lô nông sản xuất nhập khẩu.

Theo Sở Công thương Lạng Sơn, đến sáng 11-1, tại các cửa khẩu Hữu Nghị, Tân Thanh, Chi Ma vẫn còn tồn 1.721 xe hàng hóa, trong đó có 749 xe hoa quả. Hiện cửa khẩu Tân Thanh vẫn tạm dừng thông quan.

Các tin khác