Xuất khẩu tăng, nhập siêu cũng tăng

(ĐTTCO) - Ngay những ngày đầu năm mới, nhiều doanh nghiệp (DN) tăng tốc sản xuất nhằm đáp ứng tiến độ giao hàng. Cùng đó, các đơn vị đang nỗ lực kết nối với các chuỗi cung ứng để gia tăng nguồn nguyên liệu sản xuất. 

Đầy ắp container tại Khu Công nghệ cao (SHTP) chờ xuất khẩu. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Đầy ắp container tại Khu Công nghệ cao (SHTP) chờ xuất khẩu. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Tín hiệu tốt từ doanh nghiệp FDI 

 Theo báo cáo của Bộ Công thương, nhóm hàng có kim ngạch xuất khẩu tăng mạnh từ đầu năm đến nay là nông, lâm, thủy sản với 2,67 tỷ USD, tăng 21,4% so với cùng kỳ năm 2021.

Nhóm ngành hàng công nghiệp chế biến cũng đã đem về 24,95 tỷ USD, tăng 0,2% so với cùng kỳ, chiếm 86% tổng kim ngạch xuất khẩu. Những mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu rất cao, trên 1 tỷ USD lần lượt là điện thoại và linh kiện (4 tỷ USD), máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện (3,5 tỷ USD), hàng dệt may và may mặc (3,3 tỷ USD)…

Những hàng hóa trên chủ yếu được sản xuất bởi các DN FDI. Lý giải về điều này, ông Hirai Shinji, Trưởng đại diện Tổ chức xúc tiến mậu dịch Nhật Bản (Jetro) tại TPHCM, cho biết, các hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam ký kết đã tạo ra lợi thế rất lớn cho hàng hóa sản xuất và xuất khẩu từ Việt Nam. Khảo sát tại 1.041 DN Nhật Bản cho thấy, tỷ lệ xuất khẩu trung bình trên doanh thu của các DN Nhật Bản tại Việt Nam là 50,9%. Trong đó, tỷ lệ sử dụng FTA/EPA (Hiệp định đối tác kinh tế) của các DN Nhật Bản tại Việt Nam là 59,7%.

Những lợi thế FTA mà DN Nhật Bản sử dụng nhiều nhất là FTA Việt Nam - Nhật Bản, ASEAN và EU. Hiện tại, có đến 74,3% DN ngành chế tạo và 62,2% DN ngành phi chế tạo Nhật Bản cho biết đã tăng doanh thu do mở rộng thị trường xuất khẩu và thị trường địa phương. Hơn nữa, khi được hỏi về dự báo doanh thu trong năm 2022, có đến 44,5% số DN khẳng định sẽ tăng. 

Cũng theo đại diện Jetro, có đến hơn 60% DN Nhật Bản mong muốn đầu tư mới hoặc mở rộng đầu tư tại Việt Nam. Nhiều DN trong số đó đã chuyển từ hình thức đầu tư gia công một số công đoạn đơn giản của sản phẩm sang đầu tư sản phẩm hoàn chỉnh, có giá trị gia tăng cao và có khả năng xuất khẩu trực tiếp sang nước thứ 3. 

Ở khía cạnh khác, ông Nguyễn Ngọc Hòa, Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TPHCM, cho rằng, sở dĩ kim ngạch xuất khẩu có sự bứt tốc nhanh là do các đơn hàng đã bị nén lại trong thời gian dài bởi dịch Covid-19. Hiện tình hình dịch bệnh trong nước đã được khống chế, sản xuất đã dần đi vào ổn định, DN Việt có khả năng đáp ứng được các đơn hàng có số lượng lớn, giúp đối tác nhập khẩu bổ sung kịp nguồn cung ứng đang bị thiếu hụt trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Vậy nên, các đối tác nhập khẩu đang có xu hướng dịch chuyển đơn đặt hàng từ Trung Quốc sang Việt Nam. Trong thời gian tới, lượng đơn hàng tiếp nhận tại các DN trong nước dự báo sẽ tăng mạnh, kéo theo kim ngạch xuất khẩu tăng nhanh. 

Hoa Kỳ vẫn tiếp tục duy trì vị thế là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 9 tỷ USD. Kế đến là thị trường Trung Quốc, EU, Hàn Quốc, ASEAN, Nhật Bản…

Doanh nghiệp nội lo lắng

 Tuy nhiên, cùng với những tín hiệu tích cực từ thị trường xuất khẩu, nhiều DN trong nước, nhất là các DN vốn chỉ tập trung phát triển thị phần trong nước lại quan ngại về cán cân thương mại xuất - nhập khẩu. Đơn cử, chỉ tính trong tháng 1-2022, Việt Nam đã nhập siêu từ Trung Quốc 5 tỷ USD, tăng 11,7%; nhập siêu từ Hàn Quốc 3,8 tỷ USD, tăng 28,9%; nhập siêu từ ASEAN 1,2 tỷ USD, tăng 69,2% và nhập siêu từ Nhật Bản 600 triệu USD.

Cũng trong tháng 1-2022, có 4 mặt hàng nhập khẩu đạt trị giá trên 1 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 46,8% tổng kim ngạch nhập khẩu. Cá biệt, tỷ lệ nhập siêu tăng nhanh với thị trường Trung Quốc, từ 34 tỷ USD vào năm 2019 lên 54 tỷ USD năm 2021. 

Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam, cho rằng, Trung Quốc có nhiều lợi thế cung ứng nguồn nguyên liệu sản xuất. Theo đó, giá nhân công thấp, quy mô sản xuất lớn, ứng dụng nhanh công nghệ sản xuất hiện đại… đã giúp nước này có giá nguyên liệu rẻ, đủ cung ứng cho nhu cầu DN trên toàn cầu, trong đó có Việt Nam. Chỉ tính riêng ngành dệt may, có đến 60% nguồn nguyên liệu vải sản xuất phải nhập khẩu và phần lớn trong số đó từ Trung Quốc. 

Với ngành nhựa, ông Trần Việt Anh, Tổng giám đốc Công ty CP Xuất nhập khẩu Nam Thái Sơn, cho rằng, 60% nguyên liệu sản xuất ngành nhựa cũng từ nguồn nhập khẩu, chủ yếu từ khu vực Trung Đông và châu Á. Hiện nay, sự căng thẳng, leo thang của giá dầu đang dẫn đến nguy cơ đẩy giá nguyên liệu nhựa tăng mạnh. Trước đó, năm 2021, giá nguyên liệu nhựa có đà tăng sốc từ 30-300% tùy chủng loại đã gây khó khăn rất lớn cho các DN. Và với sự thiết lập mặt bằng giá mới trong năm 2022 sẽ rất khó để DN phục hồi và tăng tốc sản xuất.

Theo ý kiến nhiều chuyên gia, sự tăng trưởng “nóng” của tỷ lệ nhập siêu dễ dẫn đến những hệ lụy cho sự phát triển ổn định của nền kinh tế. Đầu tiên là sự phụ thuộc nguồn nguyên liệu nhập khẩu. Kế đến là không có cơ hội thuận lợi để đẩy mạnh thu hút, đầu tư sản xuất nguyên liệu trong nước. Do vậy, cùng với những giải pháp thu hút mạnh đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, các cơ quan chức năng liên quan cần thiết phải xem xét chọn lựa ngành nghề ưu tiên thu hút đầu tư. Đặc biệt, cần có chính sách hỗ trợ vốn, thuế, chi phí thuê đất để hỗ trợ các DN đầu tư lĩnh vực sản xuất nguyên liệu phục vụ các ngành chủ lực trong xuất khẩu, giảm phụ thuộc nguồn nguyên liệu nhập khẩu.

Các tin khác