Các ngân hàng liên tục cảnh báo những chiêu lừa đảo cuối năm

(ĐTTCO)-Những chiêu lừa đảo giả mạo ngân hàng biến tướng tinh vi hoạt động mạnh vào dịp cuối năm. Người dân cần cảnh giác không đăng nhập bất cứ đường link, cũng như hướng dẫn nào để tránh mất tiền trong tài khoản.
Người dân thận trọng các chiêu lừa lấy thông tin tài khoản ngân hàng, trộm tiền tài khoản
Người dân thận trọng các chiêu lừa lấy thông tin tài khoản ngân hàng, trộm tiền tài khoản

Giả mạo ngân hàng tung hoành cuối năm

Ngày 26.1, Vietcombank đưa ra cảnh báo lừa đảo giả mạo tin nhắn thương hiệu Vietcombank thông báo dịch vụ VCB Digibank của khách hàng bị khóa. Hiện tượng này xuất hiện những ngày gần đây và tin nhắn mời khách hàng bấm vào đường link để xác thực. Những khách hàng làm theo sẽ bị chiếm đoạt thông tin dịch vụ và tiền trong tài khoản của khách hàng.

Vietcombank khẳng định không gửi tin nhắn SMS thông báo dịch vụ VCB Digibank bị khóa và đường link yêu cầu xác thực tài khoản; cũng như không yêu cầu khách hàng cung cấp mật khẩu, OTP qua các đường link trên SMS. Khách hàng hãy cảnh giác và không bấm vào bất cứ đường link nào, cung cấp thông tin.

Không những Vietcombank mà các ngân hàng khác cũng bị kẻ lừa đảo dùng chiêu giả mạo thương hiệu ngân hàng chèn vào thư mục tin nhắn của chính nhà băng đó để lừa khách hàng đăng nhập đường link rồi trộm tiền trong tài khoản.

Đây chỉ là một trong những chiêu lừa đảo mà các ngân hàng cảnh báo vào thời điểm cuối năm. Hàng loạt ngân hàng như Techcombank, Agribank, SHB… đồng loạt đưa ra những chiêu lừa đảo để khách hàng cảnh giác.

Cụ thể, qua email, đối tượng lừa đảo mạo danh ngân hàng, công ty, đối tác gửi email thông báo khách hàng đăng nhập lại tài khoản đã bị khóa hoặc để nhận một khoản tiền thưởng lớn hay đề nghị nộp phí để nhận thưởng.

Yêu cầu khách hàng cung cấp thông tin cá nhân, thông tin bảo mật (tên đăng nhập, mật khẩu, OTP…) từ đó đánh cắp thông tin và thực hiện giao dịch nhằm chiếm đoạt tiền trong tài khoản của khách hàng.

Những đối tượng này còn manh động điện thoại giả mạo nhân viên ngân hàng yêu cầu cung cấp tên đăng nhập, mật khẩu truy cập, mã xác thực OTP để xử lý sự cố liên quan đến các giao dịch ngân hàng của khách hàng. Sau khi có thông tin này, đối tượng thực hiện chuyển tiền từ tài khoản khách hàng đi.

Hay các đối tượng lừa đảo mạo danh nhà mạng liên lạc với khách hàng yêu cầu chuyển đổi sim 3G sang 4G hoặc sim 4G sang 5G. Sau đó đối tượng hướng dẫn khách hàng thực hiện các bước, để lừa chuyển số điện thoại của khách hàng sang sim của đối tượng, từ đó lấy được thông tin giao dịch ngân hàng điện tử, chiếm đoạt tài khoản giao dịch và chuyển tiền đi.

Theo Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB), các thủ đoạn lừa đảo diễn ra đa dạng về hình thức nhưng luôn có điểm chung là yêu cầu khách hàng cung cấp thông tin cá nhân, thông tin bảo mật nhằm truy cập tài khoản ngân hàng điện tử nhằm chiếm đoạt quyền kiểm soát để đánh cắp tiền trên tài khoản của khách hàng.

Khách hàng không cung cấp thông tin về tài khoản hay đăng nhập thông tin tài khoản ngân hàng theo hướng dẫn của ai. Trong trường hợp nghi ngờ đã xảy ra rủi ro mất tiền hoặc bị lừa đảo, hãy liên hệ với ngân hàng và báo cho cơ quan công an điều tra.

Rút tiền mặt qua thẻ tín dụng là bất hợp pháp

Nhu cầu tiền mặt cho mua sắm cuối năm tăng lên nên dịch vụ rút tiền mặt bằng thẻ tín dụng hiện nay hoạt động mạnh trên các trang mạng xã hội như Zalo, Facebook…

Trên thị trường có nhiều dịch vụ cho phép rút tiền mặt hoặc đáo hạn thẻ tín dụng với nhiều lời mời quảng cáo hấp dẫn. Tuy nhiên, dịch vụ này không được pháp luật cho phép và tiềm ẩn nhiều rủi ro cho chủ thẻ tín dụng.

Theo Techcombank, khi sử dụng thẻ tín dụng rút tiền sẽ dễ gặp phải những rủi ro tiềm ẩn. Chiêu thức lừa đảo là đối tượng sẽ gọi điện hay nhắn tin chào dịch vụ bằng sim rác với nội dung: “Rút tiền mặt từ thẻ tín dụng (mà không cần phát sinh hoạt động mua bán hàng hóa, dịch vụ). Dễ dàng đáo hạn hằng tháng hoặc chuyển trả góp với phí, lãi suất thấp hơn dịch vụ ngân hàng”.

Kẻ lừa đảo sẽ yêu cầu chủ thẻ cung cấp thông tin của thẻ tín dụng vật lý hoặc thông tin thẻ (bao gồm số thẻ và mã CVV); hình ảnh CMND, CCCD; mã hợp đồng gửi đến số điện thoại nếu cần (thực tế là mã OTP của giao dịch giả mạo).

Từ đó các đối tượng lừa đảo dễ dàng chiếm đoạt toàn bộ hạn mức thẻ qua các giao dịch thanh toán trực tiếp qua POS, online, ví điện tử… Hoặc lợi dụng thông tin này vào mục đích bất hợp pháp như giao dịch trái phép, rút tiền mặt sau này…

Techcomban lưu ý khách hàng dịch vụ đáo hạn thẻ tín dụng, quẹt thẻ tín dụng khi không phát sinh giao dịch mua bán hàng hóa, dịch vụ mà nhằm mục đích rút tiền mặt là bất hợp pháp.

Người cung cấp và sử dụng dịch vụ có thể bị xử lý theo quy định pháp luật. Khách hàng tuyệt đối không cung cấp thông tin bảo mật như giấy tờ tùy thân, số thẻ tín dụng, mã CVV mặt sau thẻ, mã OTP cho bất kỳ ai, dưới bất kỳ hình thức nào.

Các tin khác