Đến 20-6, tín dụng tăng trưởng 8,51%

(ĐTTCO) – Tốc độ tăng trưởng tín dụng 6 tháng đầu năm nay cao hơn nhiều so với mức tăng 5,47% của cùng thời điểm năm ngoái.

VNDIRECT dự báo tăng trưởng tín dụng hệ thống sẽ tiếp tục tăng tốc và đạt ít nhất là 14% trong năm 2022.
VNDIRECT dự báo tăng trưởng tín dụng hệ thống sẽ tiếp tục tăng tốc và đạt ít nhất là 14% trong năm 2022.

Theo Báo cáo tình hình kinh tế – xã hội quý II và 6 tháng đầu năm 2022 của Tổng cục Thống kê, tính đến thời điểm 20-6-2022, tổng phương tiện thanh toán tăng 3,3% so với cuối năm 2021 (cùng thời điểm năm 2021 tăng 3,48%), huy động vốn của các tổ chức tín dụng tăng 3,97% (cùng thời điểm năm 2021 tăng 3,13%). Đáng chú ý, tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế đạt 8,51% (cùng thời điểm năm 2021 tăng 5,47%).

Đây là số liệu mới nhất về tăng trưởng tín dụng được công bố. Trước đó, tại cuộc họp thông tin kết quả hoạt động NH 6 tháng đầu năm 2022, NHNN cho biết, đến ngày 9-6-2022, tín dụng tăng 8,15% so với cuối năm 2021, tăng 17,09% so với cùng kỳ năm 2021, phù hợp với diễn biến tích cực hơn của nền kinh tế.

Tại TPHCM, tăng trưởng tín dụng cũng rất tích cực. 6 tháng đầu năm, dư nợ tín dụng trên địa bàn tăng trưởng 9,3% so với cuối năm 2021. Trong đó, lĩnh vực thương mại dịch vụ có mức tăng trưởng cao nhất, tăng 4,83%, phản ánh đúng xu hướng phục hồi và khả năng phục hồi cũng như những lĩnh vực chịu ảnh hưởng trực tiếp nhất từ dịch bệnh.

Trong một báo cáo công bố mới đây, CTCK VNDIRECT dự báo tăng trưởng tín dụng hệ thống sẽ tiếp tục tăng tốc và đạt ít nhất là 14% trong năm 2022, nhờ (i) hoạt động sản xuất kinh doanh phục hồi mạnh mẽ; (ii) lãi suất cho vay thấp để kích thích nhu cầu vay vốn của người mua nhà; và (iii) tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công cao hơn. 

Theo quan điểm của VNDIRECT, việc Việt Nam đã được bình thường hóa kể từ tháng 10-2021 cùng với các gói hỗ trợ hiện hành của Chính phủ và lãi suất cho vay thấp sẽ thúc đẩy các doanh nghiệp hồi phục và nhận các khoản vay mới để hoạt động, thúc đẩy tăng trưởng tín dụng. Tuy vậy, mục tiêu của NHNN là ổn định vĩ mô, kiểm soát, không để xảy ra lạm phát và sẽ phải căn cứ vào mức độ tuân thủ của các ngân hàng về độ an toàn vốn để xét cấp hạn mức tín dụng.

Các tin khác