Kỳ vọng giảm lãi suất càng rời xa

(ĐTTCO) - Theo yêu cầu từ Chính phủ, định hướng xuyên suốt của NHNN trong nhiều năm qua là giảm lãi suất cho vay. Trong bối cảnh đang phục hồi và phát triển kinh tế, mục tiêu này càng khó hơn bởi thị trường lại đang có nhiều chốt chặn.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.
Tiến thoái lưỡng nan
Các NHTƯ hàng đầu thế giới như Fed, ECB, BOJ và BoE đang trong chuẩn bị vào đợt thắt chặt định lượng lớn nhất lịch sử do sự gia tăng lạm phát toàn cầu.
Ngày 16-3, Ủy ban Thị trường Mở liên bang Mỹ (FOMC), cơ quan lập chính sách của Fed, đã quyết định tăng lãi suất thêm 0,25%, đồng thời Fed dự kiến tăng thêm 0,25% tại 6 cuộc họp còn lại trong năm nay, đồng nghĩa đưa lãi suất lên khoảng 1,75-2%/năm. Sau đó, Fed có thể tăng lãi suất thêm 3 lần trong năm 2023.
Việc tăng lãi suất trở lại diễn ra sau gần tròn 2 năm Fed cắt giảm lãi suất xuống gần bằng 0, thực hiện chương trình mua tài sản ít nhất 120 tỷ USD/tháng, để kích thích nền kinh tế vượt qua suy thoái do đại dịch Covid-19. 
Ở trong nước, áp lực lạm phát cũng đang ngày càng rõ hơn, khi chuỗi cung ứng trong nước và quốc tế còn nhiều đứt gãy. Đồng thời, giá cả hàng hóa trên thế giới vẫn trong đà tăng, trong khi nền kinh tế Việt Nam phụ thuộc khá lớn vào nguồn nguyên vật liệu nhập khẩu. Gần đây, giá xăng dầu tăng kỷ lục càng làm nóng thêm các lo ngại.
Với nhiều yếu tố cộng hưởng từ chi phí đẩy và nhập khẩu lạm phát, ông Nguyễn Xuân Định, Phó trưởng Phòng Chính sách tổng hợp, Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính), dự báo lạm phát có thể vượt mức 4%, dao động 3,6-4,3%.
Lạm phát dự báo tăng nhưng NHNN không thể hành động như các NHTƯ lớn, bởi diễn biến trong nước lệch pha so với thế giới. Khi các quốc gia đang thắt chặt định lượng, thì gói hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế quy mô 350.000 tỷ đồng được triển khai, nguồn vốn được tập trung giải ngân trong 2022 và 2023. Cùng với lạm phát nhập khẩu, việc giải ngân gói này sẽ đẩy tổng cầu trong nước tăng cao.
Như vậy xu hướng thu hẹp nới lỏng chính sách tiền tệ, tăng lãi suất trở thành chủ đạo để ứng phó với nguy cơ lạm phát và rủi ro bất ổn tài chính toàn cầu, thì Việt Nam yêu cầu các NH đảm bảo tín dụng cho nền kinh tế phục hồi, giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ doanh nghiệp (DN). Điều này đặt NHNN vào thế tiến thoái lưỡng nan. 

Lãi suất cho vay cũng khó giảm
Trong khi tình thế của nhà điều hành còn đang toan tính, thì các NHTM đã sớm chuyển động theo thị trường, khi lãi suất huy động đã tăng từ đầu năm. Một số kỳ hạn tiền gửi đã được các nhà băng đẩy lãi suất lên khá cao, số tiền gửi càng lớn càng được ưu tiên lãi suất.
SCB hiện đang có mức lãi suất cao nhất thị trường 7,5%/năm dành cho khoản gửi tiết kiệm từ 500 tỷ đồng trở lên, kỳ hạn 13 tháng; đồng thời lãi suất tiền gửi online cao nhất 7,35%/năm. ACB áp dụng lãi suất 7,1%/năm với khoản tiền gửi khoảng 100 tỷ đồng, kỳ hạn 13 tháng.
Techcombank trả lãi 7,1%/năm nếu khách hàng gửi từ 999 tỷ đồng trở lên, với kỳ hạn 12 tháng và cam kết không tất toán trước hạn. Hay MSB lãi suất tiết kiệm cao nhất 7%/năm.
Các NH phải nhanh tay điều chỉnh, không thể cân lên đặt xuống việc tăng hay không tăng lãi suất đầu vào vì cầu vốn đang hồi phục tốt. Theo số liệu NHNN công bố, tăng trưởng tín dụng tính tới ngày 25-2 đạt 2,52%. So với mức tăng 2,74% tại ngày 28-1, tăng trưởng tín dụng trong tháng 2 có phần thu hẹp lại, nhưng đó là do tháng 2 trùng với dịp nghỉ Tết Nguyên đán làm giảm nhu cầu tín dụng. 
Theo dự báo của CTCP Chứng khoán BIDV (BSC), nhu cầu tín dụng năm 2022 tiếp tục ở mức cao và có thể tăng 14%. CTCP Chứng khoán SSI kỳ vọng tăng trưởng tín dụng đạt khoảng 14-15%. CTCP Chứng khoán Bảo Việt dự báo tăng trưởng tín dụng có thể lên tới 15%.
Cơ sở đưa ra các dự báo này là sự hồi phục nền kinh tế sau dịch bệnh cùng với gói hỗ trợ 350.000 tỷ đồng triển khai trong năm 2022-2023, trong đó bao gồm gói tín dụng hỗ trợ lãi suất 2%, tối đa 40.000 tỷ đồng, là động lực của tăng trưởng tín dụng năm nay.
Tín dụng tăng mạnh, nhà băng cần tiền để cho vay. Song tính đến 25-2, huy động vốn tăng 1,29% so với cuối năm 2021, tức tốc độ huy động vốn chỉ bằng một nửa tốc độ cho vay. Cũng có nghĩa câu chuyện tương tự năm ngoái vẫn đang tiếp diễn.
Mức lãi suất giảm sâu trong 2 năm qua đã khiến người dân tìm tới những kênh đầu tư có lợi suất cao hơn như chứng khoán hay bất động sản, thay vì gửi tiết kiệm. Cầu vốn tăng trở lại, các NH cũng không thể ngồi nhìn tiền nhàn rỗi chảy qua kênh khác như thời điểm này năm ngoái. 
Trên thị trường liên NH, sự căng thẳng thanh khoản cũng thể hiện rõ. Từ đầu năm đến nay, NHNN liên tục bơm ròng trên thị trường mở, cũng như Kho bạc Nhà nước đẩy mạnh mua ngoại tệ để hỗ trợ thanh khoản thị trường, giảm nhiệt lãi suất, nhưng các mức lãi suất liên NH chủ chốt vẫn trên 2%/năm.
Cụ thể, ngày 15-3 lãi suất liên NH kỳ hạn qua đêm 2,18%/năm, kỳ hạn 1 tuần 2,28%/năm, kỳ hạn 2 tuần  2,51%/năm. Cùng thời điểm này năm ngoái, lãi suất này chỉ ở mức 0,27%/năm, 1 tuần ở mức 0,37%/năm và 2 tuần ở mức 0,49%/năm.
Như vậy, mục tiêu tăng trưởng tín dụng 14% kèm với giảm lãi vay trở thành bài toán cân não. Lãi suất trên thị trường tăng, dư địa để NHNN giảm lãi suất điều hành không còn, thậm chí NHNN có thể phải tăng nhẹ lãi suất trong năm nay. Gói tín dụng hỗ trợ lãi suất 2% trên lý thuyết là cơ sở để DN được tiếp cận lãi vay thấp hơn.
Tuy nhiên, khi lãi suất huy động tăng, lãi vay sẽ tăng theo, mức hỗ trợ 2% chỉ đảm bảo lãi suất cho vay DN thực trả trong tương lai đi ngang như hiện tại. Bởi lẽ, theo các dự báo, nợ xấu nội bảng năm nay có thể lên mức 2,3-2,5% (cuối năm 2021 tỷ lệ nợ xấu nội bảng 1,9%). Các NH phải giữ biên lợi nhuận tốt để có tiền trích lập dự phòng rủi ro.
 Xu hướng thu hẹp nới lỏng chính sách tiền tệ, tăng lãi suất trở thành chủ đạo để ứng phó với nguy cơ lạm phát và rủi ro bất ổn tài chính toàn cầu, thì Việt Nam yêu cầu các NH đảm bảo tín dụng cho nền kinh tế phục hồi, giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ doanh nghiệp.

Các tin khác