Ngành ngân hàng cần có kịch bản nhiều cấp độ

(ĐTTCO) - Lĩnh vực tài chính - ngân hàng đang đối mặt với rất nhiều thách thức do dịch Covid-19 gây ra. Song nếu nhìn ở góc độ tích cực hơn, TS. Châu Đình Linh cho rằng ngân hàng cũng lại có cơ hội và có thể vượt qua khó khăn bằng chính những nền tảng các nguồn lực sẵn có.
Nền tảng để các ngân hàng có thể chống đỡ trước ảnh hưởng của Covid-19 nằm ở đâu, thưa ông?
Ngành ngân hàng cần có kịch bản nhiều cấp độ ảnh 1
Nếu xét riêng hệ thống ngân hàng, Covid-19 chính là yếu   tố rủi ro hệ thống, là thách thức bên ngoài trong ô ma trận SWOT (điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội và  thách  thức). Do đó, nền tảng để ngân hàng có thể chống đỡ trước ảnh hưởng của Covid-19 phải dựa vào sự kết hợp SWOT để tìm ra hướng đi cho từng ngân  hàng, tùy vào  nguồn lực hiện có của mỗi nhà băng.  Tôi có thể đơn cử như việc kết hợp ST (sử dụng điểm  mạnh để tránh các nguy cơ), đó là trường hợp ngân  hàng có nhiều điểm mạnh như tài chính dồi dào, nhân sự, quản trị, marketing, hệ thống phân phối online hiện đại… khi gặp nguy cơ như dịch bệnh Covid-19, họ có thể sử dụng những hướng chiến lược: phát triển khách hàng và hệ thống phân phối dịch vụ online, triển khai các gói hỗ trợ tín dụng cho các ngành bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, tái cơ cấu hệ thống - nhân sự - phúc lợi, thúc đẩy hoạt động marketing gắn liền với hoạt động hỗ trợ tích cực đẩy lùi dịch bệnh… Hay như việc kết hợp WT (tối thiểu hóa những điểm yếu và tránh các nguy cơ), các ngân hàng cần cơ cấu và khắc phục những yếu điểm trong hoạt động kinh doanh nhằm tránh các nguy cơ. Theo đó ngân hàng cần đánh giá các yếu điểm đang gặp phải và xem xét tác động của Covid-19, sau đó thực hiện khoanh vùng để hướng đến hành động khắc phục hạn chế các yếu điểm và giảm sự tác động nhiều nhất có thể. Chẳng hạn, ngân hàng có danh mục tài sản lệ thuộc nhiều vào tín dụng và hệ thống quản trị rủi ro chưa hoàn thiện thì cần lập “đội phản ứng nhanh” khoanh vùng và phân loại các doanh nghiệp bị tác động lớn bởi Covid-19, đưa ra giải pháp can thiệp kịp thời.Trong tình hình khó khăn chung như hiện nay, theo ông ngân hàng cần cơ cấu lại nguồn thu thế nào? Lợi nhuận ngân hàng phụ thuộc lớn vào sự vận hành của hệ thống doanh nghiệp và mức thu nhập của dân cư. Rõ ràng, Covid-19 đã tác động rất lớn đến vận hành kinh doanh của doanh nghiệp, cũng như mức thu nhập của dân cư. Thêm nữa, các chi phí vận hành trong thời kỳ dịch bệnh sẽ có thể “gặm nhấm” rất lớn đến doanh thu của ngân hàng, thậm chí tới cả sau dịch bệnh.
Chưa kể các gói hỗ trợ tín dụng, hỗ trợ phí dịch vụ, chuyển đổi hệ thống ngân hàng số… là chính sách rất tốt mà ngân hàng hỗ trợ cho doanh nghiệp và người dân, tuy nhiên điều này cũng là nguyên nhân làm sụt giảm lợi nhuận trong năm 2020 của các ngân hàng. Có thể sẽ có tương quan thuận giữa nợ xấu và dịch bệnh Covid-19. Do đó, nếu tỷ lệ nợ xấu tăng lên buộc các ngân hàng phải trích lập dự phòng rủi ro tín dụng. Đấy cũng là nguyên nhân làm giá trị sổ sách của lợi nhuận sụt giảm trong năm 2020.

Tuy nhiên, các ngân hàng có thể cơ cấu lại nguồn thu để bù đắp lợi nhuận qua các hoạt động như: giảm chi phí vận hành kinh doanh; tăng doanh thu qua hoạt động ngân hàng số và hệ thống kênh online; gia tăng dư nợ cho các doanh nghiệp có lĩnh vực kinh doanh thiết yếu như thực phẩm, thiết bị y tế,…; và cũng có thể đồng hành với các doanh nghiệp trong cung ứng dịch vụ công mà Chính phủ đang đẩy mạnh triển khai.

Xét tới các kịch bản “hậu Covid-19”, theo ông các ngân hàng cần chuẩn bị gì để bứt phá vươn lên khi dịch bệnh qua đi?

Một cơ thể mới ốm dậy thường sẽ khó nhanh nhạy và làm điều bứt phá. Vì vậy, các ngân hàng cũng nên thận trọng trong hoạt động kinh doanh thời kỳ “hậu Covid-19”.

Tôi cho rằng các ngân hàng đã có mục tiêu năm 2020 và một bảng kế hoạch kinh doanh được xây dựng dựa trên nguồn lực, mục tiêu, và chiến lược kinh doanh. Với tác động của Covid-19, Ban Lãnh đạo của ngân hàng chỉ phải xét lại mục tiêu và chiến lược kinh doanh, do sự thay đổi của yếu tố bên ngoài và bên trong, từ đó có một kế hoạch kinh doanh mới trong ngắn và trung hạn.

Kế hoạch kinh doanh “xét lại” đó phụ thuộc vào từng ngân hàng. Tuy nhiên, các ngân hàng có thể có những bước hành động tham khảo như: tiếp tục tái cơ cấu ngân hàng theo hướng hiệu quả và tinh gọn hơn; đẩy mạnh chuyển đổi ngân hàng số và hoàn thiện các dịch vụ trên hệ thống kênh phân phối này; hoàn thiện hệ thống quản trị rủi ro chủ động; phục hồi nhanh nhất có thể hoạt động kinh doanh vốn có…

Hiện chúng ta chưa biết mức độ kéo dài cũng như tính khó lường của dịch bệnh sẽ là bao lâu, những kịch bản của các ngân hàng đưa ra nên có nhiều cấp độ.

Xin cảm ơn ông!

Các tin khác