Nhà băng nhỏ, cửa tăng vốn hẹp

(ĐTTCO) - Tăng vốn điều lệ (VĐL) luôn là yêu cầu đặt ra đối với các NHTM, nhằm làm dày gối đệm tài chính chống chịu trước những rủi ro, đặc biệt trong bối cảnh dịch Covid-19 hiện nay. Tuy nhiên, năm nay dự báo cửa tăng vốn sẽ rộng với các NHTM quy mô lớn, nhưng vẫn hẹp với NH quy mô nhỏ.
Ảnh minh họa: VIẾT CHUNG
Ảnh minh họa: VIẾT CHUNG
Nhu cầu thường trực
Ngày 23-2, NCB công bố thông tin cổ đông thông qua phương án chào bán thêm cổ phiếu ra công chúng, phát hành trái phiếu chuyển đổi riêng lẻ 2021 được HĐQT đưa ra tại các tờ trình ngày 5-2. Theo đó, NH này sẽ thực hiện chào bán 150 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu, giá chào bán bằng mệnh giá 10.000 đồng/cổ phiếu, tổng giá trị chào bán tương đương 1.500 tỷ đồng trong quý I và quý II. Đồng thời, 3.000 trái phiếu chuyển đổi riêng lẻ năm 2021 cũng dự kiến được phát hành với mệnh giá 1 tỷ đồng/trái phiếu, tổng giá trị tương đương 3.000 tỷ đồng. Đây là các phương án để NCB thực hiện kế hoạch tăng vốn lên hơn 7.000 tỷ đồng trong năm nay.
Không chỉ nhà băng có mức vốn pháp định thấp như NCB, nhu cầu tăng vốn cũng hiện diện tại hầu hết thành viên trong hệ thống. Đơn cử, VIB đã công bố tờ trình ĐHCĐ thường niên 2021 về phương án tăng VĐL, thông qua hình thức chia cổ phiếu thưởng 40% từ nguồn vốn chủ sở hữu, đồng thời dự kiến phát hành chào bán cổ phiếu để tăng vốn lên khoảng 16.000 tỷ đồng. Tại MSB, từ kết quả kinh doanh khả quan năm 2020, nhà băng này dự tính trả cổ tức tối thiểu 15% cho cổ đông sau khi được thông qua trong ĐHCĐ thường niên 2021. Trong khi đó, để tăng VĐL thêm khoảng 25%, OCB cũng dự kiến chia cổ tức ở mức 25% trong năm nay. 
Đối với các NH lớn, tăng vốn cũng là nội dung quan trọng trong ĐHCĐ. Cụ thể, BIDV muốn tăng thêm 8.304 tỷ đồng VĐL, lên 48.524 tỷ đồng, tương đương tăng thêm 20,6%. Phương án tăng vốn gồm phát hành 207,3 triệu cổ phiếu để trả cổ tức 2019 và phát hành 281,5 triệu cổ phiếu để trả cổ tức 2020 trong quý III và quý IV. BIDV cũng dự kiến phát hành thêm 341,5 triệu cổ phần mới bằng hình thức chào bán ra công chúng hoặc chào bán riêng lẻ trong giai đoạn 2021-2022, sau khi được chấp thuận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Tại ĐHCĐ dự kiến diễn ra ngày 23-4 tới, Vietcombank sẽ đưa ra tờ trình về phương án tăng VĐL 2021-2022. Giới tài chính nhận định tăng vốn cũng sẽ là một trong những mục tiêu quan trọng của VietinBank trong năm nay.

Khác biệt giữa NH nhỏ và lớn
Đối với các NHTM, tăng vốn vẫn luôn là nhu cầu thường trực để đảm bảo tuân thủ các chỉ tiêu an toàn hoạt động, nâng cao khả năng phòng ngừa rủi ro phát sinh trong quá trình hoạt động. Hiện nay, dù đa số NH vẫn đảm bảo được hệ số an toàn vốn (CAR) theo quy định của Basel II, song áp lực vẫn còn rất lớn. Bởi sau khi các TCTD áp dụng Thông tư 01/2020 của NHNN (thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng do dịch Covid-19), chất lượng tài sản đang có dấu hiệu bị bào mòn, rất nhiều tài sản có thể trở thành tài sản có rủi ro trong tương lai. Khi sự hỗ trợ kết thúc, có thể xảy ra tình trạng NH trích lập dự phòng đúng đủ sẽ bị lỗ và phtần lỗ này sẽ trừ vào vốn chủ sở hữu, đồng nghĩa hệ số CAR sẽ giảm. Vì vậy, chuẩn bị nguồn vốn để đảm bảo giữ được hệ số CAR là yêu cầu cấp thiết đối với nhiều NH trong hệ thống. 
Tuy nhiên, việc tăng vốn không phải luôn suôn sẻ như mong muốn của các nhà băng. Năm 2020 chỉ có 13/28 NH tăng được VĐL, nhiều nhà băng khác đề ra kế hoạch rất cụ thể nhưng đến nay vẫn chưa hoàn thành. Thống kê cho thấy đa số NH hoàn thành mục tiêu tăng VĐL nằm ở nhóm NHTMCP có quy mô lớn, trong khi các NH có quy mô nhỏ vẫn chật vật. Chẳng hạn, tại ĐHCĐ năm ngoái, VietBank thông qua phương án tăng VĐL từ 4.190 tỷ đồng lên 4.819 tỷ đồng, tương đương tăng 15% so với cuối năm 2019, thông việc phát hành 62,87 triệu cổ phiếu trả cổ tức cho cổ đông hiện hữu. Đến tháng 10-2020, HĐQT VietBank lại có nghị quyết về việc sửa đổi phương án phát hành cổ phiếu để tăng VĐL, với dự kiến phát hành 58,66 triệu cổ phiếu để trả cổ tức cho cổ đông hiện hữu theo tỷ lệ 100:14 trong quý IV để tăng vốn lên 4.776,8 tỷ đồng. Đến nay, kế hoạch này vẫn còn nằm trên giấy. 
Trước khi lấy ý kiến cổ đông kế hoạch tăng vốn nói trên, NCB đã có kế hoạch tăng vốn thêm 3.000 tỷ đồng, thông qua phát hành cổ phiếu cho cán bộ nhân viên, cổ đông hiện hữu trong năm 2020, song chưa thực hiện được. Năm nay, nhà băng này quyết tâm đưa ra kế hoạch tăng VĐL ngay từ đầu năm. Theo giải trình, NH cần tăng vốn để đảm bảo hệ số CAR, đầu tư thay đổi và xây dựng hình ảnh thương hiệu, đầu tư phát triển hạng mục NH số, tăng vốn bổ sung cho Công ty TNHH Quản lý nợ và khai thác tài sản NCB, bổ sung nguồn vốn hoạt động kinh doanh… 
Để tăng vốn, các NH có nhiều giải pháp như chia cổ tức bằng cổ phiếu, chào bán thêm cổ phiếu ra công chúng, mời gọi nhà đầu tư nước ngoài. Song thời điểm này, nếu đặt trong tương quan so sánh, các NH có quy mô lớn vẫn có nhiều điều kiện tăng vốn hơn các NH nhỏ. Bởi theo các chuyên gia kinh tế, các NH quy mô lớn đã đạt lợi nhuận cao trong năm 2020, là tiền đề để có thể chia cổ tức bằng cổ phiếu tỷ lệ cao, bổ sung thêm lượng lớn VĐL. Còn các NH quy mô nhỏ với khoản lợi nhuận ít ỏi, lợi nhuận dù có để lại cũng không đáng kể so với nhu cầu vốn cần tăng.
Dòng vốn ngoại cũng là nguồn rất nhiều NH muốn hướng đến. Năm ngoái, nhà đầu tư nước ngoài khá quan tâm đến lĩnh vực tài chính – NH, nhưng do dịch Covid-19 nên họ rất cẩn trọng, chủ yếu chọn những NH có chất lượng hoạt động kinh doanh tốt, quản trị rủi ro theo chuẩn mực quốc tế… Vì vậy, với các NH nhỏ, chào bán thêm cổ phiếu là hướng đi khả quan nhất. Tuy nhiên, với phương án chào bán thêm cổ phiếu ra công chúng, NH tăng được vốn nhưng không có sự hỗ trợ cho sự phát triển lâu dài vì NĐT nhỏ lẻ mua bán cổ phiếu vì lợi nhuận, không trợ giúp các NH về quản trị, xây dựng. Chưa kể việc chào bán có thành công như mong đợi hay không vẫn là câu hỏi bỏ ngỏ. Do đó, tăng vốn vẫn là thách thức cho các NHTMCP quy mô nhỏ. 
 Với các NH nhỏ, chào bán thêm cổ phiếu là hướng đi khả quan nhất để tăng VĐL. Tuy nhiên, việc chào bán có thành công vẫn là câu hỏi bỏ ngỏ.

Các tin khác