Nợ xấu đang chờ… xấu thêm

(ĐTTCO) - Nợ xấu luôn song hành với hoạt động kinh doanh của các ngân hàng thương mại (NHTM). Và xu hướng tăng nợ xấu từ hậu dịch Covid-19 chưa được giải tỏa, nay bị bồi thêm từ diễn biến bất lợi của thị trường thời gian gần đây, xem ra áp lực xử lý nợ xấu của các nhà băng sẽ nặng nề hơn, khi dòng tiền cho vay ra không thể quay trở về.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.
Gánh nặng nợ nhóm 5 xuất hiện
Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), lũy kế từ 15-8-2017 đến 31-12-2021, toàn hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD) đã xử lý được 380.200 tỷ đồng nợ xấu theo Nghị quyết 42. Con số này chỉ chiếm 47,9% tổng nợ xấu được xác định. Mấy năm gần đây sau khi trích lập dự phòng rủi ro (DPRR) các khoản nợ xấu, các NHTM liên tục rao bán tài sản đảm bảo (TSĐB) để thu hồi vốn, thậm chí nhiều tài sản “đại hạ giá” qua hàng chục lần mời chào vẫn không có người mua.
Khi nợ xấu cũ chưa thu hồi vốn xong, các nhà băng lại đối mặt với sự nhảy vọt của nợ xấu mới. Chất lượng nợ vay trên báo cáo tài chính quý III của nhiều NH có dấu hiệu xấu đi, nhóm nợ có khả năng mất vốn tăng mạnh.
Cuối tháng 9, tỷ lệ nợ xấu nội bảng của OCB lên đến mức 2,5% so với hồi đầu năm chỉ 1,3%. Về con số tuyệt đối, nợ dưới tiêu chuẩn (nhóm 3) ở mức gần 524 tỷ đồng, tăng 60%. Nợ nghi ngờ (nhóm 4) gần 578 tỷ đồng, tăng hơn 99%. Nợ có khả năng mất vốn (nhóm 5) tăng 131% so với hồi đầu năm lên gần 1.700 tỷ đồng. Tổng nợ xấu của NCB cũng tăng hơn 5 lần so với cuối năm 2021, từ 1.249 tỷ đồng lên 6.648 tỷ đồng.
Theo đó, tỷ lệ nợ xấu tăng từ 3% lên 14,72%, trong đó nợ nhóm 5 ở mức 1.353 tỷ đồng. Tổng nợ xấu của VietBank cũng tăng 35%, lên 2.486 tỷ đồng, trong đó nợ nhóm 5 tăng gấp đôi, lên 1.841 tỷ đồng và tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ vay tăng từ 3,65% lên 4,33%.
Cũng ở thời điểm này, nợ nhóm 5 tại nhiều nhà băng có xu hướng tăng nhảy vọt so với đầu năm. Nợ nhóm 4 Saigonbank tăng gần 20% (lên 127 tỷ đồng), nợ nhóm 5 tăng gần 43% so với đầu năm và chiếm 64,7% số dư nợ xấu của NH (253 tỷ đồng), tương ứng tỷ lệ nợ xấu tăng từ 1,97% lên 2,13%. ABBank ghi nhận gần 1.896 tỷ đồng nợ xấu, tăng 17%. Trong đó, nợ nhóm 5 hơn 1.207 tỷ đồng, tăng 40%. Nợ nhóm 5 của VPBank hơn 5.679 tỷ đồng, tăng 2,8 lần so với đầu năm. 
Các NHTM có vốn nhà nước cũng không nằm ngoài xu hướng này. Nợ xấu nội bảng ở VietinBank đã tăng 23% trong 9 tháng, lên mức 17.650 tỷ đồng, tỷ lệ nợ xấu tăng từ 1,3% lên 1,4%. Trong đó, nợ nhóm 5 chiếm đến 12.413 tỷ đồng, tăng hơn 138%. Tổng nợ xấu tính đến 30-9-2022 của Vietcombank gần 9.004 tỷ đồng, tăng 47%.
Nợ nhóm 5 chiếm hơn 2.313 tỷ đồng, cao gấp 3 lần đầu năm. Tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ vay tăng từ 0,64% lên 0,8%. Tổng giá trị nợ xấu nội bảng BIDV ở mức 20.125 tỷ đồng (tăng hơn 48%), nợ nhóm 5 đã tăng 1,8 lần, lên hơn 13.130 tỷ đồng, tỷ lệ nợ xấu tăng từ 0,93% lên 1,3%.

Vẫn sẽ còn tăng tiếp…
Từ năm 2020, NHNN đã cho phép các TCTD cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng do dịch Covid-19. Như vậy, những khoản nợ trước đây nằm ở nhóm 2 (quá hạn đến 90 ngày) hoặc nhóm 3 (quá hạn 91-180 ngày) không nhảy nhóm khi quy định nói trên có hiệu lực.
Song thông tư về cơ cấu lại thời hạn trả nợ sau khi được gia hạn nhiều lần đã hết hiệu lực vào cuối tháng 6 vừa qua (kéo dài gần 3 năm). Thế nên, khi chấm dứt cơ cấu lại thời hạn trả nợ, các khoản nợ nhóm 2, nhóm 3 nếu quá hạn trên 360 ngày, lập tức nhảy lên nhóm 5 dẫn đến sự tăng vọt vừa qua.
9 tháng năm 2022 vẫn có 7 NH ghi nhận lợi nhuận trên 10.000 tỷ đồng. Đó là Vietcombank (24.940 tỷ đồng), Techcombank (20.800 tỷ đồng), VPBank (19.837 tỷ đồng), MB (18.192 tỷ đồng), BIDV (17.677 tỷ đồng), VietinBank (15.764 tỷ đồng) và ACB (13.503 tỷ đồng). Ở tốp sau, nhiều NH cũng có sự tăng trưởng lợi nhuận vượt bậc, như SHB tăng 78,7% (9.035 tỷ đồng), HDBank tăng 31,8% (8.016 tỷ đồng), VIB tăng 46,1% (7.800 tỷ đồng), LienVietPostBank tăng 72,1% (4.822 tỷ đồng), Eximbank tăng 229,2% (3.181 tỷ đồng)…
Tổng lợi nhuận trước thuế của 28 NH đã công bố BCTC đạt 192.500 tỷ đồng, tăng 39% so với cùng kỳ 2021. So với các ngành kinh doanh khác, NH vẫn được đánh giá là ngôi sao sáng trong các nhóm ngành kinh doanh.
Tuy nhiên, “ngôi sao sáng” ở đây chỉ đúng với những NH ở tốp trên. Ngược lại, nhóm các NH quy mô vừa và nhỏ đang gặp khó khăn trong việc hoàn thành kế hoạch lợi nhuận vì phải trích lập DPRR lớn cho các khoản nợ xấu.
Rõ ràng, nợ xấu đã xấu hơn sau khi dừng cơ cấu lại thời hạn trả nợ theo quy định của NHNN. Song áp lực vẫn chưa nguôi. Theo một nhóm chuyên gia phân tích thị trường, mới đây Chính phủ đã ban hành Nghị định 65/2022/NĐ-CP với những quy định chặt chẽ hơn ở nhà đầu tư trái phiếu, DN phát hành trái phiếu cũng như các bên liên quan khác.
Cùng với đó, lãi suất huy động của NH cũng tăng lên cạnh tranh với sản phẩm trái phiếu DN. Cùng với đó NHNN đang thực hiện chính sách tiền tệ thắt chặt hơn, lãi suất tăng cao và thị trường bất động sản cũng đang gặp khó khăn, có thể sẽ làm ảnh hưởng tới khả năng thanh toán của khách vay, từ đó có thể sẽ làm suy giảm chất lượng tài sản của các NH. 
Một dự báo được SSI Research đưa ra gần đây nhận định, tốc độ tăng trưởng của một số NH sẽ chậm lại trong quý cuối năm. Ngoài nguyên nhân chính do NIM sụt giảm, lợi nhuận của ngành này giảm tốc còn do phải tăng trích lập DPRR để đối mặt với tình trạng nợ xấu gia tăng trong quý IV-2022 và cả năm 2023.
Nhưng đó chỉ là trên lý thuyết, thực tế DPRR của NH không phải là tiền tươi thóc thật, chỉ là con số trên sổ sách. Như vậy, các NH vẫn rất khó thu hồi vốn từ nợ xấu.
  Nghị quyết 42 về thí điểm xử lý nợ xấu của các TCTD thời gian qua vẫn chưa thể xử lý dứt điểm nợ xấu cũ, đồng nghĩa việc này sẽ còn kéo dài trong vài năm nữa.

Các tin khác