SeABank: Nợ và chi phí ảnh hưởng lợi nhuận

(ĐTTCO) - Trên bình diện chung của hệ thống, SeABank là một ngân hàng (NH) khá tốt, không nằm trong diện tái cơ cấu, và mới đây cũng đã được NHNN phê duyệt áp dụng chuẩn Basel II. Tuy nhiên, những món nợ cũ và cho phí làm ảnh hưởng đến lợi nhuận.
SeABank: Nợ và chi phí ảnh hưởng lợi nhuận
Những món nợ cũ
Theo báo cáo tài chính hợp nhất giữa niên độ đã soát xét cho kỳ hoạt động 9 tháng năm 2019 của SeABank, vào thời điểm cuối quý III, SeABank đã hoàn thành việc tăng vốn điều lệ lên 9.369 tỷ đồng; tổng tài sản đạt 152.559 tỷ đồng; tổng dư nợ thị trường 1 đạt 93.318 tỷ đồng; tổng huy động thị trường 1 đạt 90.754 tỷ đồng. Lợi nhuận thuần trước rủi ro tín dụng đạt 1.253 tỷ đồng. 
Nợ xấu theo dư nợ cho vay của nhà băng trong 9 tháng qua cũng giảm từ 1,51% đầu năm xuống mức 1,31% (giá trị tuyệt đối hơn 1.220 tỷ đồng). Tuy nhiên, do đã trích lập rủi ro tín dụng hơn 570 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế chỉ còn 570 tỷ đồng. Đến cuối năm 2018, NH này vẫn còn 3.539 tỷ đồng giá trị trái phiếu VAMC và dự phòng trái phiếu đặc biệt đã đạt 1.151 tỷ đồng. 
Báo cáo tài chính quý III-2019 cũng ghi nhận khoản nợ tồn đọng chờ xử lý 435 tỷ đồng. Theo giải trình của SeABank, đó là các khoản vay Tổng công ty Công nghiệp Tàu thủy (trước đây là Vinashin) và Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) đang được phân loại nợ và trích lập dự phòng theo chỉ đạo của cơ quan quản lý nhà nước. 
Còn nhớ, trong năm 2012, hàng chục nhà băng đã ghi nhận nợ xấu đối với các khoản vay của Vinashin và Vinalines, trong đó có SeABank. Dù vậy, thông tin cụ thể về các khoản vay này của các nhà băng vẫn là ẩn số và SeABank cũng tương tự.  
Đến năm 2014, trong bản công bố thông tin về việc thoái vốn cổ phần tại SeABank do Mobifone đưa ra, lúc này báo cáo tài chính hợp nhất năm 2014 của SeABank ghi nhận đang có dư nợ cho vay với Vinashin và Vinalines. Các khoản cho vay này đã thực hiện phân loại nợ và trích lập dự phòng rủi ro theo chỉ đạo của cơ quan quản lý nhà nước. 
NH này cũng theo dõi khoản cho vay CTCP Vận tải Dầu khí Việt Nam (Falcon - công ty con thuộc Vinalines) trên khoản mục “Cho vay khách hàng”. Giá trị thu hồi của khoản cho vay này phụ thuộc vào giá trị thanh lý của các tài sản đảm bảo cho khoản vay này và các tài sản khác của Falcon, NH được tham gia phân chia theo Luật Phá sản. 
Đến năm 2016, SeABank mới công bố báo cáo tài chính đầy đủ và lần đầu tiên cho biết nợ tồn đọng chờ xử lý là 745 tỷ đồng. Đồng thời, SeABank đã thực hiện xử lý một phần khoản nợ của Vinashin bằng việc mua trái phiếu đặc biệt của Công ty TNHH Mua bán nợ Việt Nam (DATC). Số dư trái phiếu này là 319,4 tỷ đồng. Như vậy, khoản nợ cho vay đối với Vinashin và Vinalines ban đầu đã trên 1.000 tỷ đồng. 
Với số liệu nợ tồn đọng chờ xử lý còn 435 tỷ đồng tại cuối tháng 9-2019, một chuyên gia tài chính nhận định, khoản này giảm đi có thể do NH trích lập dự phòng rủi ro, bởi nợ xấu của các đại dự án đến nay vẫn chưa có giải pháp xử lý dứt điểm. Mới đây, Chính phủ yêu cầu NHNN xây dựng đề án xử lý nợ xấu đối với các dự án yếu kém, một đề án như vậy mới giải quyết được.

Tăng chi phí đầu vào
Cùng với chi phí dự phòng rủi ro, chi phí đầu vào cũng là một khoản ảnh hưởng đến lợi nhuận hoạt động của nhà băng này. Cụ thể, thu nhập lãi đạt hơn 7.666 tỷ đồng, nhưng chi phí lãi chiếm đến 5.411 tỷ đồng, dẫn đến thu nhập lãi thuần chỉ còn 2.255 tỷ đồng. 9 tháng đầu năm, tiền gửi khách hàng ở mức 90.754 tỷ đồng, tăng 7,5%. Mức lãi suất huy động cao nhất các tháng qua vẫn dưới 8%/năm. Tuy nhiên, mục giấy tờ có giá ghi nhận 15.191 tỷ đồng, tăng 87% so với đầu kỳ. 
9 tháng 2019, SeABank đã phát hành 5.166 tỷ đồng trái phiếu, là một trong những đơn vị phát hành lớn nhất thị trường. Đây là các trái phiếu có kỳ hạn 7-10 năm và lãi suất dao động 6,7-9,9%/năm. Ngoài ra, trong năm nay, NH cũng huy động gần 1.800 tỷ đồng thông qua chứng chỉ tiền gửi với lãi suất từ 8,3-8,6%/năm.
Mới đây, NH thông báo lấy ý kiến cổ đông về phương án phát hành trái phiếu ra thị trường quốc tế. Dự kiến lượng phát hành tối đa không quá 400 triệu USD (khoảng 9.300 tỷ đồng) trái phiếu quốc tế không chuyển đổi, không có tài sản đảm bảo và không kèm theo chứng quyền. 
NH nêu lý do phát hành trái phiếu quốc tế là do chưa thể đáp ứng được hết nhu cầu vay vốn bằng ngoại tệ của khách hàng, do những hạn chế từ những quy định của NHNN về huy động vốn ngoại tệ. Nguồn vốn huy động bằng ngoại tệ từ khách hàng trong nước chủ yếu là nguồn vốn ngắn hạn, không ổn định do NHNN hạn chế nắm giữ USD thông qua trần lãi suất huy động USD là 0%. 
Việc phát hành trái phiếu quốc tế bằng ngoại tệ sẽ giúp SeABank cải thiện cơ cấu kỳ hạn giữa tài sản nợ và tài sản có tốt hơn, giảm thiểu rủi ro kỳ hạn, lãi suất đồng thời nâng cao hiệu quả sử dụng vốn. 
Ngoài ra, SeABank hiện cũng là trái chủ của nhiều công ty bất động sản. Thống kê của SSI cho thấy, 8 tháng năm 2019, SeABank mua 600 tỷ đồng giá trị trái phiếu bất động sản. Việc các NH thay vì cho vay bất động sản chuyển sang nắm giữ trái phiếu hiện cũng được nhiều chuyên gia khuyên cần lưu ý. 

Các tin khác