Ben Bernanke - Anh hùng hay tội đồ?

(ĐTTCO) - Khi cựu Chủ tịch Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) Ben Bernanke đoạt giải Nobel Kinh tế năm 2022, ông đã nhận được những lời ca ngợi và cả chỉ trích. Nhiều người tin ông đã giải cứu nền kinh tế Mỹ trong cuộc khủng hoảng 2008-2009, nhưng có người lại cáo buộc ông không làm đủ để ngăn chặn khủng hoảng xảy ra, đã đẩy Mỹ rơi vào lạm phát nghiêm trọng hiện nay.

Ben Bernanke
Ben Bernanke
Giải thưởng gây chia rẽ
Như đã biết, Bernanke chia sẻ giải thưởng Nobel với 2 học giả khác ở Mỹ nhờ nghiên cứu về các cuộc khủng hoảng tài chính và ngân hàng. Bernanke đã đưa nghiên cứu của mình vào thực tế trong cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008. Dưới nhiệm kỳ của Bernanke (2006-2014), bảng cân đối kế toán của Fed đã tăng lên hơn 4.000 tỷ USD, từ mức chưa đến 1.000 tỷ USD khi ông tìm cách thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Những người ủng hộ tuyên bố Bernanke đã giúp ngăn chặn một cuộc “Đại suy thoái thứ 2” bằng cách nhanh chóng thiết lập các chương trình cứu trợ trị giá hàng trăm tỷ USD cho các ngân hàng, mở ra làn sóng kích thích kinh tế chưa từng có. Stuart Trow của Bloomberg Opinion viết: “Không còn nghi ngờ gì nữa, sự hiểu biết của ông ấy về bản chất của một cuộc khủng hoảng đã cứu hệ thống tài chính toàn cầu vào năm 2008”. 
Tuy nhiên, những người chỉ trích cho rằng Bernanke vẫn còn rất nhiều điều phải trả lời. Thí dụ, với tư cách là Thống đốc Fed từ năm 2002-2005, Bernanke đã bỏ lỡ những dấu hiệu cảnh báo về cuộc khủng hoảng nhà ở dưới chuẩn.
Albert Edwards, chiến lược gia tại ngân hàng Pháp Societe Generale, đã chỉ ra "sự kém cỏi" của Fed dưới thời Bernanke: “Trong phân tích đoạt giải Nobel của Bernanke về cuộc Đại suy thoái, hoàn toàn không có bất kỳ phân tích nào về vai trò của bong bóng tín dụng vào cuối những năm 1920 trong việc gây ra vụ phá sản. Không có gì ngạc nhiên khi ông đã sơ suất trong việc để xảy ra bong bóng tín dụng trước Đại suy thoái năm 2008. Thật thất vọng”. 
Còn Sridhar Vembu, Giám đốc điều hành của Zoho Corp., gọi các chính sách của Bernanke là sai lầm: “Ben Bernanke giành được giải Nobel kinh tế vào đúng thời điểm hệ thống tài chính toàn cầu một lần nữa đang đứng trước bờ vực, do các chính sách tiền tệ sai lầm ông và các ngân hàng trung ương (NHTW) khác đã gây ra. Đây là thời điểm phá sản đối với các NHTW và giải Nobel kinh tế”.

Lý thuyết tiên phong
Theo nhà phân tích James Surowiecki, có thể Bernanke đã phạm sai lầm khi không nhanh chóng nhận ra các dấu hiệu của thảm họa sắp xảy ra và đã để Lehman Brothers sụp đổ. Nhưng nhìn chung, phản ứng của ông đối với cuộc khủng hoảng là tích cực và sáng tạo. Quan trọng hơn, công trình của Bernanke đã thay đổi cách nghĩ của các nhà kinh tế về các ngân hàng và vai trò của chúng trong việc làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng kinh tế. 
Vào thời điểm bài báo của Bernanke xuất hiện (năm 1983), các nhà kinh tế học cho rằng các ngân hàng là trung gian tài chính đơn giản. Thất bại của ngân hàng chỉ quan trọng bởi chúng làm giảm nguồn cung tiền, vấn đề các NHTW có thể giải quyết ngay được khi bơm tiền vào nền kinh tế.
Tuy nhiên, Bernanke chỉ ra rằng những thất bại của ngân hàng có tác động lớn hơn nhiều đến nền kinh tế. Bernanke lập luận các ngân hàng không chỉ là trung gian tầm thường, chuyển tiền từ người tiết kiệm đến người đi vay, mà nó đóng vai trò trung tâm trong hoạt động của thị trường tín dụng. 
Vì vậy, nếu ngân hàng thất bại hàng loạt như đã xảy ra trong thời kỳ Đại suy thoái 1920, nguồn cung cấp tín dụng sẽ bị đóng băng, các khoản vay trở nên đắt hơn hoặc hoàn toàn không có. Điều này sẽ tác động rất lớn đến các hộ gia đình và doanh nghiệp đang phụ thuộc vào vốn vay ngân hàng.
Khi các ngân hàng biến mất, số tiền cho vay giảm mạnh, kéo theo các nền kinh tế hiện đại hoạt động dựa trên tín dụng giảm mạnh hơn. Và vì phải mất thời gian dài mới có các ngân hàng mới, hoặc các ngân hàng cũ phục hồi, nên tác động của sự thất bại ngân hàng có thể kéo dài đau đớn.
Theo Surowiecki, phản ứng của Bernanke đối với cuộc khủng hoảng tài chính 2008 với tư cách là người đứng đầu Fed, dù không hoàn hảo nhưng nó tốt hơn nhiều so với nhiều NHTW khác. Chính ông đã đưa ra những quyết định giúp ngăn chặn kịp thời sự hỗn loạn của thị trường tài chính và sự sụp đổ kinh tế, như quốc hữu hóa các công ty như AIG, môi giới mua lại các ngân hàng thất bại…

Từng là phụ hồ và chạy bàn
Bernanke sinh ngày 13-12-1953 tại Augusta, Georgia trong một gia đình gốc Do Thái, với cha là dược sĩ, mẹ là giáo viên tiểu học. Trước khi vào đại học, ông từng làm phụ hồ và phục vụ nhà hàng. Thời trung học, ông từng là tay chơi saxophone trong ban nhạc diễu hành của nhà trường và học giỏi có tiếng. Bernanke đạt 1.590/1.600 điểm trong kỳ thi SAT và đạt Bằng khen Quốc gia. Bernanke vào Đại học Harvard năm 1971 và tốt nghiệp kinh tế học năm 1975. Ông nhận bằng Tiến sĩ kinh tế của Học viện Công nghệ Massachusetts năm 1979. 
Bernanke giảng dạy tại Trường Kinh doanh Sau đại học Stanford từ năm 1979-1985, là giáo sư thỉnh giảng tại Đại học New York và là giáo sư trưởng Khoa Kinh tế tại Đại học Princeton từ năm 1996-2002. Từ năm 2002-2005, ông là thành viên của Hội đồng Thống đốc của Fed. Tháng 6-2005, Bernanke được bổ nhiệm làm Chủ tịch Hội đồng Cố vấn Kinh tế của Tổng thống George W. Bush và từ chức Thống đốc Fed. Ông giữ chức vụ này cho đến tháng 1-2006, khi ông trở thành Chủ tịch Fed.
Sau khi rời Fed, kể từ tháng 2-2014, Bernanke về làm việc cho Viện Brookings. Năm 2022, Bernanke xuất bản cuốn sách mới nhất của mình có tựa đề “Chính sách tiền tệ thế kỷ 21: Cục Dự trữ Liên bang từ Đại lạm phát đến COVID-19”, nơi ông đánh giá những thành công cũng như thất bại của Fed kể từ khi thành lập. Cuốn sách đã nhận được đánh giá tích cực từ New York Times, nói rằng cuốn sách "nhằm giúp các thế hệ hoạch định chính sách kinh tế trong tương lai”.
Bernanke ủng hộ việc giảm thâm hụt ngân sách của Mỹ, đặc biệt bằng cách cải cách các chương trình an sinh xã hội và bảo hiểm y tế. Bernanke cũng chỉ ra rằng việc giảm thâm hụt nhất thiết phải bao gồm việc tăng thuế, cắt giảm các khoản chi trả quyền lợi và chi tiêu khác của chính phủ, hoặc kết hợp của cả hai. 
 Bernanke đã đưa ra những quyết định giúp ngăn chặn kịp thời sự hỗn loạn của thị trường tài chính và sự sụp đổ kinh tế trong cuộc khủng hoảng tài chính 2008.

Các tin khác