CEO Kevin Plank - “Ngựa ô” ngành thời trang thể thao

(ĐTTCO) - Kevin Plank là CEO và nhà sáng lập thương hiệu sản xuất, kinh doanh giày dép, quần áo và dụng cụ thể thao Under Armour. Dù mới thành lập năm 1996, chỉ vài năm sau Under Armour đã vươn lên thành thương hiệu lớn trên toàn cầu, từng bước so kè với “gã khổng lồ” Nike hơn 50 năm tuổi. 
Cậu bé Kevin Plank từ nhỏ là đội trưởng đội bóng Trường trung học Kensington. Lên đại học Kevin tiếp tục tham gia và trở thành thủ quân đội bóng bầu dục Trường Maryland. Trong khoảng thời gian chơi bóng tại Trường Maryland, Kenvin đã giới thiệu mẫu áo thi đấu thấm hút mồ hôi dành cho các vận động viên, một sáng tạo sau này là nền tảng cho sự phát triển của thương hiệu thể thao Under Armour.

Ý tưởng đột phá
Dù là một cầu thủ tài năng và được các huấn luyện viên đặt niềm tin, nhưng Kevin Plank nhận thấy niềm đam mê thật sự của mình là kinh doanh. Ông từng mở quầy bán áo và các vật phẩm khác nhau tại các đại nhạc hội nhiều đến mức các huấn luyện viên phải yêu cầu tập trung vào sự nghiệp cầu thủ hơn là trở thành một doanh nhân. Nhưng với niềm đam mê kinh doanh mãnh liệt, ông vẫn tìm thấy ý tưởng kinh doanh ở tất cả các lĩnh vực. 
CEO Kevin Plank - “Ngựa ô” ngành thời trang thể thao ảnh 1
Trong thời gian chơi bóng bầu dục tại Trường đại học Maryland, Kevin Plank nhận thấy trang phục thi đấu không có khả năng thấm hút mồ hôi khiến chúng trở nên ướt sũng và nặng nề. Điều này khiến các vận động viên không có được cảm giác tốt nhất khi thi đấu hay tập luyện. Nhận thấy sự bất tiện này, Kevin đã đến một cửa hiệu vải gần trường tìm kiếm một chất liệu có thể thấm hút mồ hôi hiệu quả, cũng như có thể co dãn linh hoạt để giúp cơ thể đạt được trạng thái tốt nhất khi thi đấu. Ông yêu cầu may 7 chiếc áo phông từ chất liệu vải được thêu bằng các sợi chỉ nhỏ. Ông đưa 2 người đồng đội mặc thử để kiểm tra chất lượng nhằm tìm cách nâng cấp sản phẩm. 
Thoạt đầu, các vận động viên cho rằng những chiếc áo lót với chất liệu vải quá mượt và mỏng khiến họ trở nên yểu điệu như phụ nữ. Tuy nhiên, sau vài trận đấu các vận động viên đã bắt đầu thay đổi suy nghĩ. Áo lót hút ẩm này với chất liệu vải mỏng và nhẹ, luôn bó sát cơ thể giúp thấm hút mồ hôi nhanh chóng hơn, giúp họ đạt được cảm giác thi đấu tốt nhất. 
Nhận được phản hồi tích cực từ các đồng đội, Kevin quyết định thành lập công ty riêng để phát triển nghiên cứu, sáng tạo sản phẩm thể thao. Với số vốn 40.000USD có được từ những hoạt động kinh doanh nhỏ lẻ trước đây, Kevin vay mượn thêm từ người thân, bạn bè thành lập Công ty may mặc trang phục thể thao Under Armour vào năm 1996. 

Thay đổi để thành công
Để có thể bán được nhiều áo hơn, Kevin Plank đã cải tiến mẫu áo phông ban đầu trở thành mẫu áo tay dài. Ông cho rằng áo phông tay dài sẽ giúp vận động viên thấm hút toàn bộ mồ hôi phần thân trên, đồng thời giữ ấm cho cơ thể khi hoạt động trong điều kiện thời tiết lạnh. Thời gian đầu thành lập Công ty Under Armour, do chưa có đủ điều kiện và kinh phí để mở cửa hàng, Kevin đã bán các sản phẩm của mình ngay trong cốp xe và ông mang các sản phẩm của mình đi khắp các tiểu bang của Mỹ. 
CEO Kevin Plank - “Ngựa ô” ngành thời trang thể thao ảnh 2
Với mạng lưới mối quan hệ rộng rãi, Kevin nhận được sự ủng hộ tại tất cả những nơi ông đi qua. Chỉ trong năm đầu tiên, 500 chiếc áo của Under Armour đã được bán ra, lợi nhuận thu về lên đến 17.000USD. Số vốn đó đủ giúp Kevin có thể thuê được một cửa hàng tại phía Nam thành phố Baltimore và một cơ sở sản xuất gần đó. 
Dù chuyển sang hoạt động kinh doanh, nhưng Kevin vẫn giữ mối quan hệ với các đồng đội cũ, điều này giúp cho công việc kinh doanh rất nhiều. Đơn hàng liên tục đến với Under Armour thông qua các đồng đội cũ, giờ đây đã là các vận động viên chuyên nghiệp. Rồi họ truyền tai nhau về sản phẩm của Under Armour đến các vận động viên khác. Năm 1996, doanh số đầu tiên của Under Armour là 17.000USD. Sang năm 1997, doanh số đã là 100.000USD và đạt mốc 1,3 triệu USD vào năm 1999. Thậm chí, các đội bóng tại các trường đại học và các đội bóng chuyên nghiệp đã có hợp đồng với “ông lớn” Nike và các đối thủ khác vẫn tìm sử dụng sản phẩm của Under Armour.
Với nhu cầu ngày càng tăng cao, Under Armour đã cán mốc 1.500 cửa hàng bán lẻ trên khắp nước Mỹ năm 2001, trở thành thương hiệu được yêu thích bởi đông đảo các vận động viên và thậm chí là các quân nhân. Under Armour cũng trở thành nhà tài trợ trang phục chính cho các giải bóng chày và khúc côn cầu nhà nghề nước Mỹ. Trong năm đó, tạp chí Business Week đã bình chọn Kevin là doanh nhân dưới 30 tuổi thành công nhất năm, với việc mang về 25 triệu USD doanh thu cho Under Armour.
Năm 2002, Under Armour bắt đầu phát triển dự án trang phục thể thao dành cho phái nữ, với mong muốn các sản phẩm mới sẽ góp phần giúp các vận động viên nữ cảm thấy tự tin và thoải mái hơn khi thi đấu và tập luyện. Thông điệp đầy ý nghĩa này của Under Armour đã giúp họ có bước tiến xa hơn các đối thủ và thành công hơn trên thị trường. Thành quả đạt được là kết thúc năm 2002 Under Armour đạt tổng doanh thu lên đến 55 triệu USD, nâng tổng số cửa hàng bán lẻ lên đến 2.500 cửa hàng trên toàn nước Mỹ, và bắt đầu mở rộng thị trường khắp nơi trên thế giới.

Truyền cảm hứng cho cộng đồng
Bên cạnh đó, Kevin Plank còn mạnh tay chi tiền cho chiến dịch quảng bá rầm rộ “Protect this house”. Chiến dịch này là một loạt các đoạn quảng cáo dài từ 30 giây đến 1 phút, mô tả các hoạt động luyện tập của các vận động viên trong trang phục của Under Armour với quyết tâm cao độ, cộng hưởng với đó là đoạn âm nhạc đầy sôi động đã truyền cảm hứng cực kỳ to lớn cho cộng đồng. Đoạn quảng cáo được trình chiếu liên tục trong 2 tuần trên 2 kênh truyền hình ăn khách nhất nước Mỹ là ABC và ESPN, ước tính số tiền phải chi trả cho chiến dịch này lên đến 500.000USD. 
Nhưng “trái ngọt” mà Kevin Plank và Under Armour nhận lại từ chiến dịch truyền thông này là doanh thu trong năm 2005 đã cán mốc kỷ lục, 280 triệu USD. Kể từ thời điểm đó đến nay, Under Armour đã lần lượt cho ra mắt các chiến dịch “Protect this house II” và “Protect this house III” với sự tham gia của nhiều vận động viên nổi tiếng của nước Mỹ, điển hình nhất là “siêu kình ngư” Micheal Phelps, để tiếp tục truyền động lực và cảm hứng nhiều hơn nữa cho cộng đồng.
Giữ được phong độ ổn định, Kevin Plank đã đưa Under Armour trở thành một thương hiệu lớn trên toàn cầu, tạo được sự tín nhiệm của các vận động viên và người tiêu dùng. Bên cạnh đó, Kevin cũng có nhiều cống hiến cho thành phố Baltimore. Cụ thể, Kevin Plank thành lập công ty bất động sản Sagamore để đầu tư xây dựng các cơ sở hạ tầng cho Baltimore với tổng trị giá lên đến 5,5 tỷ USD. Các dự án này gồm các công trình phúc lợi, dự đoán sẽ tạo ra 35.000 việc làm cho dân cư nơi đây. Dự án cải tạo cảng Covintgon, một khu đô thị mới có tầm nhìn hướng ra cảng và bãi đỗ cho các du thuyền, hứa hẹn sẽ thu hút ngày càng nhiều giới nhà giàu trên khắp thế giới đến với thành phố Baltimore.   
Tạp chí Business Week đã nhận định CEO Kevin Plank đã xây dựng Under Armour trở thành một chú “ngựa ô” và cạnh tranh mạnh mẽ với các đối thủ trên thị trường đồ dùng thể thao. Kevin được nhớ đến như một “David” tín hon chiến đấu với “Goliath” khổng lồ và là một doanh nhân luôn hoạt động và phát triển vì cộng đồng. 

Các tin khác