CEO Lee Kun Hee: Tạo nên “kỳ tích Samsung”

(ĐTTCO) - Từ một tập đoàn công nghệ không ai không biết đến ở châu Á, Samsung vươn lên thành một trong những tập đoàn tăng trưởng vượt bậc, sản phẩm có mặt ở mọi nơi trên thế giới. CEO Lee Kun Hee đã lèo lái con tàu tạo nên “kỳ tích Samsung”, vượt mặt trên thị trường điện tử vốn thuộc về người Nhật.
Tiên phong công nghệ
Lee Kun Hee gia nhập tập đoàn Samsung năm 1968. Ông tốt nghiệp ngành kinh tế tại Đại học Waseda và lấy bằng thạc sĩ ở Đại học George Washington (Mỹ). Khi còn là trợ tá cho cha mình Lee Byung-chul - người sáng lập Tập đoàn Samsung, Lee Kun Hee đã hướng công ty tập trung vào ngành công nghiệp sản xuất bán dẫn. 
Từ những năm 1970, Samsung được biết đến như một hãng sản xuất hàng điện tử giá rẻ và bán dẫn, vốn là thị trường Nhật Bản đã đi trước hàng chục năm. Thế nên quyết định gia nhập thị trường bán dẫn của Lee Kun Hee vào thời điểm đó được xem là liều lĩnh. Tuy nhiên, Samsung Electronics lần lượt trình làng những sản phẩm gây chấn động đối với các nhà sản xuất bán dẫn toàn cầu lúc bấy giờ, như 64K DRAM; tiên phong trong việc đầu tư vào phiến bán dẫn 8inch, vượt trên các tên tuổi lớn Toshiba, NEC, Hitachi.
CEO Lee Kun Hee: Tạo nên “kỳ tích Samsung” ảnh 1
Thậm chí hơn 20 năm sau, tới năm 1993, thế giới vẫn lấy vẫn lấy kích thước phiến bán dẫn 6inch làm quy chuẩn. Do đó, Samsung đã trở thành nhà sản xuất vi mạch nhớ lớn nhất thế giới vào năm 1992, là nhà sản xuất vi mạch lớn thứ 2 thế giới sau Intel. Lee Kun Hee khẳng định: “Chúng ta có thể tụt hậu trong công nghệ analogue, nhưng nhất định phải tiên phong trong công nghệ kỹ thuật số”. 
Năm 2000, Samsung mở phòng thí nghiệm lập trình máy tính tại Warszawa, Ba Lan. Khởi đầu bằng công nghệ giải mã tín hiệu truyền hình, sau đó là tivi kỹ thuật số và điện thoại thông minh. Năm 2001, Samsung Techwin trở thành nhà cung cấp mô-đun buồng đốt duy nhất cho Rolls-Royce Trent 900, được sử dụng cho máy bay lớn nhất thế giới Airbus A380. Đồng thời cũng là cổ đông trong chương trình động cơ GEnx của Boeing 787 Dreamliner.
Trong lĩnh vực điện thoại di động, có thể coi mẫu sản phẩm SGH-T100 là thành quả đầu tiên của chiến lược kinh doanh thiết kế. Vào năm 1996, tất cả mẫu điện thoại đều vuông thành sắc cạnh và gây cảm giác cứng nhắc. Nhưng SGH-T100 hoàn toàn khác biệt, sở hữu màn hình LCD màu với thiết kế nắp gập thời trang, kiểu dáng bo tròn bầu bĩnh, nhiều tính năng mang lại cảm giác thoải mái cho người sử dụng. Mẫu SGH-T100 đạt ngưỡng bán ra 10 triệu chiếc, giúp Samsung lần đầu tiên nắm trong tay 9,8% thị phần thị trường điện thoại di động toàn cầu và trở thành nhà sản xuất điện thoại di động lớn thứ 3 trên thế giới. Sau đó, lần lượt điện thoại GSM SGH-600 ra mắt năm 1998 cũng tiêu thụ được hơn 10 triệu chiếc. Năm 1999, dòng điện thoại SCH-3500 lập kỷ lục với 5,1 triệu chiếc điện thoại bán ra. 
CEO Lee Kun Hee: Tạo nên “kỳ tích Samsung” ảnh 2 Samsung được bình chọn là thương hiệu hàng đầu châu Á năm 2019.
Trong lĩnh vực tivi, tháng 3-2006 Samsung giới thiệu sản phẩm kỹ thuật số TV Samsung Bordeaux. Đến cuối năm, hơn 3 triệu sản phẩm được bán ra đã giúp Samsung vượt qua Sony vươn lên vị trí dẫn đầu thị trường tivi. Giờ đây, nhắc tới Samsung, người dùng liên tưởng đến những chiếc tivi đẹp như một tác phẩm nghệ thuật, chứ không còn là một công ty chuyên sản xuất ra những sản phẩm điện tử giá rẻ nữa. Khi các đối thủ cạnh tranh còn đang mải miết với công nghệ cũ analogue, Samsung Electronics đã tạo dựng vị trí vững chắc thị trường tivi kỹ thuật số dựa trên nền tảng chất lượng hình ảnh và thiết kế.

Chất lượng hơn số lượng
Đạt được những bước tiến thần tốc khiến Samsung ngủ quên trên ngôi “tân vương”. Hàng loạt bê bối liên quan đến việc nhân viên mắc “căn bệnh Samsung”, như lãng phí, thiếu kế hoạch; quy trình sản xuất máy giặt kém chất lượng; các sản phẩm chủ yếu chỉ được tiêu thụ trong nước và bị “lép vế” khi xuất khẩu. Lee Kun-hee quyết tâm cải tổ. Ông khởi động chiến dịch “tân trang” cách thức làm việc của Samsung bằng quyết định... không đến công ty. Ông làm việc tại nhà ở ngoại ô Seoul, không nghe điện thoại và tiếp khách, buộc các quản lý cấp dưới phải tự ra quyết định và chịu trách nhiệm trước các quyết định đó.
Ông đưa ra chiến lược kinh doanh mới: Hãy bỏ qua số lượng để tập trung cho chất lượng. Có thể nói, tuyên bố này chính là hồi chuông cảnh tỉnh những con người Samsung đang tự hài lòng với hiện tại. Tháng 11-1993, khi Samsung ra mắt mẫu SH-700, Lee Kun Hee đã rất tự hào đem một số máy đi làm quà tặng năm mới. Khi biết rằng một số máy vừa tặng bị hỏng khi vừa ra khỏi hộp, ông yêu cầu nhân viên dưới quyền tập trung tất cả 150.000 máy SH-700 trong kho thành một đống, triệu tập hơn 2.000 nhân viên Samsung đến và đốt tất cả sản phẩm lỗi.
Ông nói “Nếu các anh tiếp tục làm ra những sản phẩm chất lượng kém, tôi sẽ quay lại và làm y như vừa nãy”. Tháng 5-2012, gần 3 tuần trước khi Galaxy S3 chuẩn bị lên kệ, có người dùng phàn nàn chất lượng lớp sơn ở sản phẩm sắp bán không đẹp như sản phẩm mẫu. Sau khi điều tra sản phẩm bị “phần vân xước không được mịn như hàng mẫu”, 100.000 vỏ máy Galaxy S3 đang ở trong kho và hàng chờ xuất ở sân bay đã bị lôi ra tiêu hủy.
Năm 2016, Samsung trình làng màn hình Quantum Dot đầu tiên trên thế giới không chứa cadmium. Không chỉ an toàn cho người dùng, màn hình chấm lượng tử còn có độ bền cao gấp 10 lần so với màn hình OLED. Đây là năm quan trọng đánh dấu bước ngoặt trong ngành công nghiệp tivi.
Trong khi các đối thủ không thể vượt qua được trở ngại về hàm lượng cadmium (kim loại nặng, độc hại với con người), Samsung đã tìm ra giải pháp. Sau đó, tivi QLED của Samsung trở thành thang đo chuẩn của các nhà làm phim Hollywood với khả năng hiển thị chính xác 100% dải màu sắc. Hành trình ấy đã đưa tivi Samsung dần trở thành phần không thể thiếu trong mỗi gia đình.
Không ngừng cải tiến, không ngừng lớn mạnh
Năm 2004, chính truyền thông Nhật Bản phải thừa nhận sự tăng trưởng thần kỳ của Samsung: “Tin chấn động. Lãi ròng của Samsung đạt 10.000 tỷ won”, “Samsung lợi nhuận gấp đôi 10 công ty hàng đầu Nhật Bản gộp lại”. Đến nay, Samsung trở thành thương hiệu tivi bán chạy số 1 thế giới trong 13 năm liền (từ 2006-2018). Hãng sản xuất Hàn Quốc đã đạt được nhiều kỷ lục với loạt giải thưởng và bằng sáng chế, từ thiết kế màn hình phẳng mỏng nhất, TV 3D full HD đầu tiên đến màn hình cong, màn hình phẳng có thể uốn cong đầu tiên trên thế giới, và sau đó là mẫu khung tranh nghệ thuật.
Bên cạnh đó, Samsung cũng tuyên bố hợp tác với Microsoft để phát triển các thiết bị IoT trên Windows 10, phát hành đồng hồ thông minh tập thể dục được gọi là Gear Fit, một thương hiệu tai nghe không dây có tên Gear Icon X và tiếp tục phát triển dòng điện thoại thông minh Samsung Galaxy S, Samsung Galaxy Note.
Sự phát triển với tốc độ chóng mặt, lợi nhuận hàng năm của công ty luôn ở mức cao kỷ lục, CEO Lee Kun-hee đã biến Samsung trở thành một trong những công ty công nghệ lớn nhất thế giới và là hãng có ảnh hưởng lớn đến toàn bộ nền kinh tế của Hàn Quốc: đóng góp 20% tổng kim ngạch xuất khẩu, chiếm 20% tổng lượng GDP toàn nền kinh tế Hàn Quốc. Năm 2012, Samsung Electronics đạt doanh thu 187,8 tỷ USD, lợi nhuận sau thuế 22,3 tỷ USD. Samsung hiện cũng đứng đầu toàn cầu về thị phần của các sản phẩm như tivi, màn hình, điện thoại di động thông minh, DRAM.
Lee Kun Hee hiểu rằng, để chuẩn bị hành trang bước vào thời đại kỹ thuật số Samsung phải chuẩn bị thật kỹ về dự án kinh doanh, chia sẻ thông tin kỹ thuật, nhanh chóng phát triển và cho ra đời những sản phẩm kết tinh. Để làm được điều này, cần tạo ra một hệ thống quản lý quy trình nghiên cứu và phát triển sản phẩm, từ kế hoạch sản xuất sản phẩm cho đến mẫu mã, thiết kế, dụng mẫu, sản xuất và cuối cùng là dây chuyền sản xuất.
Samsung được bình chọn là thương hiệu hàng đầu châu Á năm 2019 do Tạp chí Campaign Asia-Pacific phối hợp cùng Nielsen thực hiện khảo sát 1.000 thương hiệu hàng đầu. Đây là năm thứ 8 liên tiếp Samsung dành được vị trí này. Trong số 15 danh mục xếp hạng, Samsung dẫn đầu 6 mục, như Thương hiệu thân thiện với thiết bị di động nhất, Thương hiệu địa phương mạnh nhất, Thương hiệu với các giá trị đáp ứng tốt nhất yêu cầu của những người dùng.  
 Với khối tài sản được ước tính 20,7 tỷ USD, Lee Kun Hee được vinh danh là người quyền lực thứ 41 trong danh sách "Những người quyền lực nhất thế giới" do Tạp chí Forbes bình chọn năm 2013, là người Hàn Quốc đứng thứ hai sau Tổng thư ký Liên hiệp quốc Ban Ki-moon. Ông Lee hiện là người giàu nhất Hàn Quốc do Tạp chí Forbes bình chọn năm 2019.

Các tin khác