Liz Truss - Đưa nước Anh “vượt qua bão”?

(ĐTTCO) - Tân Thủ tướng Anh Liz Truss cam kết sẽ đưa đất nước “vượt qua cơn bão”. Thế nhưng, nhiệm kỳ của bà bắt đầu với rất nhiều mây đen: Anh đang tiến tới cuộc suy thoái; công nhân đang đình công vì lạm phát cao; hàng triệu người và hàng ngàn doanh nghiệp cần được cứu trợ gấp để vượt qua mùa đông trong bối cảnh giá năng lượng tăng vọt… 

Liz Truss - Đưa nước Anh “vượt qua bão”?
Khủng hoảng cán cân thanh toán
"Đây là thời điểm khó khăn cho nền kinh tế" - cựu Thủ tướng Boris Johnson thừa nhận hôm 6-9 trong bài phát biểu chia tay. Phát biểu khi tiến vào số 10 phố Downing, bà Truss cam kết chính phủ sẽ hỗ trợ các hóa đơn năng lượng cũng như cắt giảm thuế. Nhưng nếu chính phủ của bà vay nhiều tiền hơn, sẽ có nguy cơ làm gia tăng lạm phát và gia tăng lo ngại của các nhà đầu tư rằng nền tài chính của đất nước đang trở nên không bền vững. Điều đó có thể khiến đồng bảng Anh rơi vào vòng xoáy, làm vật giá tăng và khiến việc thanh toán hàng nhập khẩu thiết yếu trở nên khó khăn hơn.
Nói cách khác, Vương quốc Anh có thể chịu đựng khủng hoảng từng phải gánh chịu trong những năm 1970. Lúc đó, đồng bảng Anh mất giá so với USD, đã buộc chính phủ nước này phải vay Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) khoản cứu trợ lớn lên đến 3,9 tỷ USD. Vào thời điểm đó, đây là số tiền lớn nhất từng được vay từ IMF. Vì thế, dù vào cuối ngày 6-9, bà Truss đã thông qua gói cứu trợ năng lượng khổng lồ trị giá 150 tỷ bảng và hiện đang bàn bạc về việc cắt giảm thuế, trong bối cảnh đồng bảng Anh sa lầy gần mức thấp nhất trong nhiều thập niên, nhiều nhà phân tích vẫn lên tiếng cảnh báo về một cuộc khủng hoảng "cán cân thanh toán".
Đồng bảng Anh hiện đã có những dấu hiệu báo động. Nó đã giảm vào ngày 5-9 xuống khoảng 1,14USD, mức thấp nhất kể từ năm 1985. Cho đến nay, đồng tiền này đã mất gần 15% giá trị so với USD, tức thậm chí còn tệ hơn so với đồng EUR, vốn đã giảm ít hơn 13%. Chi phí đi vay của chính phủ Anh cũng đang tăng với tốc độ chóng mặt khi các nhà đầu tư bán phá giá trái phiếu của nước này. Việc này buộc Ngân hàng Trung ương Anh (BOE) phải tăng lãi suất cao hơn nữa để cố gắng kiểm soát tình hình, do đó có thể làm trầm trọng thêm tình trạng suy thoái.
Cựu Thống đốc BOE Mark Carney từng nhận xét, nước này có thâm hụt tài khoản vãng lai lớn, có nghĩa cần các nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục bơm tiền vào nền kinh tế để có thể thanh toán cho hàng nhập khẩu và đáp ứng các nghĩa vụ quan trọng khác. Nhưng hiện tại, các nhà đầu tư đang tháo chạy khỏi tài sản của Anh vì lo ngại về nền kinh tế. Lạm phát của Anh hiện cao nhất trong khối G7 và có thể tăng cao hơn nữa trong năm tới nếu giá khí đốt tự nhiên vẫn tăng. BOE đã tăng lãi suất kể từ tháng 12 năm ngoái và có thể tiếp tục tăng nữa. 
Paul O'Connor, người đứng đầu nhóm đa tài sản tại Janus Henderson có trụ sở tại Anh, cho rằng Anh có thâm hụt tài khoản vãng lai kỷ lục, vì nước này chi tiêu nhiều hơn cho hàng hóa, dịch vụ và đầu tư ra nước ngoài so với trong nước. “Đồng bảng Anh yêu cầu dòng vốn lớn được hỗ trợ bằng cách cải thiện niềm tin của nhà đầu tư và kỳ vọng lạm phát giảm. Tuy nhiên, điều ngược lại đang xảy ra" - O'Connor nói. 

Liệu có theo vết Argentina?
Đồng bảng Anh đã tăng nhẹ vào 6-9 khi bà Truss chính thức bắt đầu nhiệm kỳ Thủ tướng của mình. Các nhà đầu tư đã rất vui mừng trước những báo cáo ban đầu về kế hoạch của bà nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng năng lượng, với kế hoạch hỗ trợ hóa đơn năng lượng bằng cách vay 100 tỷ bảng Anh (115 tỷ USD). Con số đó thậm chí cao hơn gói 95 tỷ EUR (94 tỷ USD) chính phủ Đức đã cam kết để giải quyết các vấn đề tương tự. "Các nhà đầu tư coi đây là quyết định kịp thời để giảm bớt rủi ro suy thoái ở Anh" - O'Connor nhận xét.
Nhưng các câu hỏi có thể xuất hiện trở lại về cách bà Truss dự định chi trả cho gói cứu trợ đó và các cam kết chiến dịch khác, chẳng hạn như tăng cường chi tiêu quốc phòng và đảo ngược việc tăng thuế kinh doanh và tiền lương. Hiện các nhà đầu tư lo lắng các khoản vay của Anh có thể vượt quá tầm tay? "Có một cuộc khủng hoảng tài chính thực sự và đồng bảng giảm giá, nếu điều đó tăng tốc" - cựu Bộ trưởng Tài chính Anh Ken Clarke nói. Ông chỉ trích kế hoạch cắt giảm thuế của bà Truss, điều mà bà tuyên bố sẽ giúp tài trợ cho việc tăng chi tiêu bằng cách thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Trong khi đó, Viraj Patel, chiến lược gia vĩ mô toàn cầu tại Vanda Research, cho rằng nỗi sợ hãi đã bị thổi phồng quá mức. Ông đặt xác suất xảy ra khủng hoảng cán cân thanh toán ở Vương quốc Anh ở dưới 5%. Patel nói: “Có rất nhiều thứ đã sai nên nước Anh mới đi đến thời điểm này. Vì thế người ta sẽ tưởng tượng chính phủ Anh xoay trục nhanh chóng trước bất kỳ chính sách nào đang gây ra mối lo ngại”. Còn Gopal của Deutsche Bank thừa nhận Anh khác với các quốc gia như Argentina (nước đã ký thỏa thuận nợ trị giá 44 tỷ USD với IMF vào tháng 3) ở điểm chính: Anh phát hành nợ bằng đồng tiền của mình, có nghĩa khi đồng bảng Anh giảm giá, nước này không phải đối mặt với những lo ngại về việc nợ cao hơn. “Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa các nhà đầu tư bắt đầu quay trở lại ngay. Với bối cảnh vĩ mô toàn cầu không chắc chắn như vậy, niềm tin của nhà đầu tư không thể được coi là đương nhiên" - Gopal nói.
Bà Truss sinh ngày 26-7-1975, tại thành phố Oxford, tên khai sinh là Mary Elizabeth Truss. Bà kết hôn với Hugh O’Leary, một kế toán viên cùng tuổi, vào năm 2000. Vợ chồng bà có 2 con gái là Frances (2007) và Liberty (2010). Bà từng đảm nhiệm nhiều vị trí trong nội các dưới thời các Thủ tướng David Cameron, Theresa May và Boris Johnson. Trong đó, bà là nữ Ngoại trưởng Anh đầu tiên của Đảng Bảo thủ và là nữ Ngoại trưởng thứ hai của Anh; là nữ Bộ trưởng Tư pháp đầu tiên, nữ Đại Chưởng ấn đầu tiên trong lịch sử ngàn năm của cơ quan này. 
Rủi ro khủng hoảng cán cân thanh toán có thành hiện thực hay không phụ thuộc vào độ tin cậy chính sách của chính phủ mới trong những tuần và tháng tới. Đây là thời gian khắc nghiệt cho đồng bảng Anh.
SHREYAS GOPAL, Chiến lược gia của Deutsche Bank

Các tin khác