Marine Le Pen-Người đối đầu Tổng thống Pháp

(ĐTTCO) - Vòng 2 cuộc bầu cử Tổng thống Pháp 2022 vào ngày 24-4 sẽ là cuộc tái đấu giữa đương kim Tổng thống Emmanuel Macron và đại diện phe cực hữu, bà Marine Le Pen, sau khi 2 ứng viên này giành vị trí nhất nhì trong cuộc bầu cử vòng 1 hôm 10-4. Như vậy, cuộc bầu cử Tổng thống năm 2022 tại Pháp là "màn tái đấu" giữa 2 đối thủ chính trong cuộc bầu cử cách đây 5 năm.
Le Pen và Macron.
Le Pen và Macron.
Sự trỗi dậy của chính trị cực đoan
Le Pen và những người ủng hộ bà đang khí thế bừng bừng sau khi tỷ lệ ủng hộ bà tăng đột biến trong tháng qua. Jean-Paul Garraud, một thẩm phán sẽ được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Tư pháp nếu Le Pen thắng, nhận xét: “Đã có bước đột phá trong tâm lý công chúng rằng bà Le Pen có đủ năng lực và tư cách để trở thành tổng thống”. Nhưng Macron trong quá khứ đã chứng tỏ là nhà vận động chính trị đáng gờm, đặc biệt khi đối mặt với khó khăn. “Tôi sẽ chiến đấu” - ông nói trước khi chuẩn bị cho các chuyến đi đến miền Bắc và miền Đông nước Pháp để vận động cho vị trí cao nhất ở Điện Elysée nhiệm kỳ thứ 2.
Nếu Macron giành chiến thắng trong cuộc bầu cử vòng 2, ông cam kết tiếp tục cải cách kinh tế và duy trì chính sách chủ nghĩa quốc tế tự do, điều này đặt Pháp là trung tâm của cả EU - liên minh đang đối đầu với Nga về cuộc tấn công Ukraine. Các từ khóa của ông là “chủ nghĩa nhân văn”, “cởi mở” và “khai sáng”. Còn nếu Le Pen giành chiến thắng, bà thề sẽ thay đổi xã hội Pháp bằng cách hạn chế nhập cư và quyền của người nước ngoài, cấm người Hồi giáo đeo mạng che mặt nơi công cộng và bảo vệ các ngành công nghiệp của Pháp. Đặc biệt, Le Pen sẽ bác bỏ các luật và quy tắc của EU, mà bà cho là đi ngược lại lợi ích của Pháp, đồng thời rút khỏi cơ cấu chỉ huy quân sự NATO. Từ khóa của bà là "sự bảo vệ" trước tình trạng vật giá cao và tội phạm, cùng "luật pháp và trật tự".
Các sự kiện ở Pháp và ở nước ngoài trong những năm gần đây đã củng cố thêm sức mạnh của Le Pen, khi bà và nhóm vận động ngày càng lạc quan về nỗ lực tranh cử tổng thống lần thứ 3. Ở quê nhà, cấu trúc truyền thống tả và hữu của nền dân chủ sau chiến tranh của Pháp dường như đã bị chôn vùi bởi cuộc bỏ phiếu hôm 10-4. Thay vào đó là cuộc cạnh tranh giữa một bên là những người theo chủ nghĩa tự do và quốc tế như Macron, và một bên là những người theo chủ nghĩa dân túy và dân tộc như Le Pen.
Ở nhiều nước, những người theo chủ nghĩa dân túy và dân tộc như Le Pen đã vượt lên trên những người theo chủ nghĩa dân chủ tự do trong hơn 10 năm qua. Xu hướng này được minh chứng bởi cuộc bỏ phiếu Brexit năm 2016 ở Anh, cuộc bầu cử của Donald Trump vào cuối năm đó tại Mỹ, cũng như sự nổi lên của các nhà lãnh đạo như Vladimir Putin ở Nga và Viktor Orban ở Hungary.

Chống NATO, thân Putin
Những người ủng hộ Le Pen nói do thói kiêu ngạo của ông Macron, bà có thể thu hút không chỉ 7% cử tri, những người trong vòng đầu tiên đã chọn Eric Zemmour - một ứng cử viên cực hữu khác, còn có nhiều người từ phe cực tả và đảng cánh hữu Les Républicains của Valérie Pécresse. Gilles Lebreton, một thành viên của Nghị viện châu Âu ủng hộ Le Pen, nói: “Có rất nhiều người ở Pháp muốn loại bỏ Macron. Chúng tôi không cần bỏ công sức để tạo ra phong trào, mà do chính bản thân ông ta với thói kiêu ngạo đang tấn công và chia rẽ những người ủng hộ ông ta”.
Cuộc thăm dò từ cả Ipsos và Elabe cho thấy, những người ủng hộ Jean-Luc Mélenchon (ứng cử viên đã suýt đánh bại bà Le Pen để tiến vào vòng 2) sẽ chia phiếu của họ theo 3 cách giữa bỏ phiếu trắng, ủng hộ Macron và bỏ phiếu cho Le Pen trong vòng thứ 2. Cho đến vòng bầu cử đầu tiên hôm 10-4, Le Pen đã đột phá bằng cách đi xuyên nước Pháp và nghe những lời phàn nàn của dân chúng về chi phí sinh hoạt cao, trong khi chiến dịch của Macron chạy đua rất muộn sau khi bị phân tâm bởi ngoại giao quốc tế về cuộc chiến ở Ukraine. Nhưng Macron đã giành được khoảng 28% số phiếu bầu, nhiều hơn so với vòng đầu tiên vào năm 2017.
Bây giờ vòng đua đầu tiên đã kết thúc, ông Macron sẽ dồn mọi sức để đương đầu với đối thủ duy nhất là Le Pen. Ông đang khai thác mạnh việc bà Le Pen thiếu kinh nghiệm làm nguyên thủ quốc gia trong thời kỳ khủng hoảng, và trên hết là mối liên hệ của bà với Tổng thống Nga Vladimir Putin. Bà Le Pen đã được hỗ trợ tài chính bởi các khoản vay ngân hàng từ Nga và Hungary, trong khi tài liệu tranh cử của bà lúc đầu bao gồm bức ảnh bà tự hào bắt tay ông Putin tại Điện Kremlin năm 2017. Guillain Gilliot, 22 tuổi, sinh viên khoa học chính trị ở Paris, người người ủng hộ Macron, nói cần giải thích cho công chúng biết rõ Le Pen thực sự là ai. “Bây giờ bà có vẻ nhẹ nhàng hơn, nhưng chương trình nghị sự của bà là đường lối cứng rắn. Và trên hết bà vẫn là đồng minh của Putin” - Gilliot nói.
Nhưng kể từ thất bại vào năm 2017, bà Le Pen đã giảm bớt sự ủng hộ của mình dành cho Putin trong nỗ lực giành được sự ủng hộ của các cử tri trung thành. Sau khi Nga tấn công Ukraine hồi tháng 2, bà đã gọi chiến dịch của Nga là “sự vi phạm rõ ràng luật pháp quốc tế và hoàn toàn không thể chối cãi”.
Bà cũng biện minh cho chuyến thăm năm 2017 tới Điện Kremlin: “Vladimir Putin của 5 năm trước không hẳn là của ngày hôm nay”. Bà Tara Varma, người đứng đầu Hội đồng Quan hệ Đối ngoại châu Âu Paris, một tổ chức tư vấn về chính sách đối ngoại và an ninh châu Âu, cho biết việc thay đổi quan điểm của Le Pen về Nga đã giành được sự ủng hộ lớn hơn của cử tri. 
Le Pen là lãnh đạo của đảng cực hữu Đại hội Quốc gia (NR), theo chủ nghĩa dân tộc của Pháp. Kể từ khi tiếp quản quyền kiểm soát đảng từ cha là Jean-Marie Le Pen vào năm 2011, bà đã cố gắng làm dịu hình ảnh bài ngoại của đảng và vào năm 2018, đổi tên đảng từ Mặt trận Quốc gia (NF), vốn từ lâu đã gắn liền với phân biệt chủng tộc và chủ nghĩa bài Do Thái ở châu Âu, thành Đại hội Quốc gia. Bà Le Pen đã thành công trong việc đưa NR và các ý tưởng chính sách cấp tiến của nó ra trước công chúng.
 Với việc 2 ứng viên sẽ tái đấu vào ngày 24-4, cuộc đua cho vị trí cao nhất ở Điện Elysée có phần gay cấn hơn, vì ông Macron chỉ nhỉnh hơn bà Le Pen chút ít trong các cuộc thăm dò dư luận.

Các tin khác