Ngozi Okonjo-Iweala Nữ Tổng giám đốc WTO đầu tiên

(ĐTTCO) - Tạp chí tài chính hàng đầu thế giới Financial Times (FT) vừa bình chọn bà Ngozi Okonjo-Iweala, Tổng giám đốc Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), là 1 trong 25 phụ nữ có ảnh hưởng nhất năm 2021.
Ngozi Okonjo-Iweala Nữ Tổng giám đốc WTO đầu tiên
Cứu nguy kinh tế Nigeria
Okonjo-Iweala là phụ nữ đầu tiên và cũng là người châu Phi đầu tiên ngồi vào vị trí cao nhất của cơ quan thương mại hàng đầu thế giới này. Bà Okonjo-Iweala sinh ngày 13-6-1954 tại bang Delta, miền Tây Nigeria. Bà đến Mỹ vào năm 1973, và là thủ khoa ngành Kinh tế của Đại học Harvard (Mỹ) 1976. Năm 1981, bà nhận bằng Tiến sĩ về kinh tế khu vực và phát triển tại Viện Công nghệ Massachusetts (Mỹ).
Bà Okonjo-Iweala đã từ bỏ công việc được trả lương cao tại Ngân hàng Thế giới (WB) và rời gia đình ở Washington, nơi chồng bà làm bác sĩ phẫu thuật thần kinh, để về đóng góp cho quê hương Nigeria. TS. Okonjo-Iweala đã thách thức chế độ nam quyền của Nigeria bằng cách trở thành nữ Bộ trưởng Tài chính đầu tiên của Nigeria và là Bộ trưởng Tài chính duy nhất từng phục vụ qua 2 đời Tổng thống nhiệm kỳ 2003-2006 và 2011-2015. Bà cũng có thời gian ngắn giữ chức Bộ trưởng Ngoại giao vào năm 2006, cũng là người phụ nữ đầu tiên nắm vị trí này. 
Trong nhiệm kỳ Bộ trưởng Bộ Tài chính đầu tiên dưới thời chính quyền của Tổng thống Olusegun Obasanjo, bà đã dẫn đầu các cuộc đàm phán với CLB Paris (nhóm 19 quốc gia chủ nợ) nhằm tái cơ cấu khoản nợ 30 tỷ USD của Nigeria, trong đó hủy bỏ hoàn toàn khoản nợ 18 tỷ USD. Các khoản nợ của đất nước đã có từ đầu những năm 1980 và đã tăng lên hơn 35 tỷ USD do các khoản phạt và phí trả chậm trong những năm 1990.
Năm 2003, bà đã dẫn đầu các nỗ lực cải thiện quản lý kinh tế vĩ mô của Nigeria, trong đó thực hiện quy tắc tài khóa dựa trên giá dầu. Doanh thu tích lũy dựa trên giá dầu chuẩn tham chiếu được để dành vào tài khoản đặc biệt gọi là "Tài khoản Thô thừa", từ đó giúp giảm bớt sự biến động kinh tế vĩ mô.
Bà cũng tạo ra thông lệ công bố phân bổ tài chính hàng tháng của từng bang từ Chính phủ Liên bang Nigeria trên báo chí. Hành động này nhằm tăng cường tính minh bạch trong quản trị. Với sự hỗ trợ của WB và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đối với Chính phủ Liên bang, bà đã giúp xây dựng nền tảng quản lý tài chính điện tử - Hệ thống Thông tin và Quản lý Tài chính tích hợp của Chính phủ (GIFMIS), bao gồm Tài khoản Kho bạc (TSA) và Hệ thống Thông tin nhân sự và Biên chế tích hợp (IPPIS), giúp hạn chế tham nhũng trong quá trình này.
Đến ngày 31-12-2014, IPPIS đã loại bỏ 62.893 nhân viên “ma” khỏi hệ thống, tiết kiệm cho chính phủ khoảng 1,25 tỷ USD. Okonjo-Iweala cũng giúp Nigeria có được xếp hạng tín dụng quốc gia đầu tiên (BB-) từ Fitch Ratings và Standard & Poor’s vào năm 2006. Theo nhà kinh tế nổi tiếng người Nigeria, Bismarck Rewane, những cải cách kinh tế của bà Okonjo-Iweala đã có tác động sâu rộng và cứu nguy Nigeria trong một giai đoạn quan trọng. 
Năm 2011, Okonjo-Iweala được Tổng thống tiếp theo là Goodluck Jonathan tái bổ nhiệm làm Bộ trưởng Bộ Tài chính Nigeria, với vai trò mở rộng là Bộ trưởng Điều phối Kinh tế. Di sản bà để lại là việc củng cố hệ thống tài chính công của đất nước và kích thích lĩnh vực nhà ở, với việc thành lập Công ty Cho vay thế chấp (NMRC).
Bà cũng thúc đẩy quyền phụ nữ và thanh niên với Chương trình Trẻ em gái và Phụ nữ gia tăng ở Nigeria (GWIN); hệ thống lập ngân sách bình quyền giới, và chương trình Doanh nghiệp Thanh niên đổi mới (YouWIN) được đánh giá cao, để hỗ trợ các doanh nhân, qua đó tạo ra hàng ngàn việc làm. 
Chương trình của bà đã được WB giá là một trong những chương trình hiệu quả nhất trên toàn cầu. Dưới sự lãnh đạo của bà, Cục Thống kê Quốc gia đã thực hiện cuộc điều tra lại GDP lần đầu tiên trong vòng 24 năm, chứng kiến Nigeria nổi lên là nền kinh tế lớn nhất châu Phi. Bà tỏ ra nhiệt tình với chính sách loại bỏ trợ cấp nhiên liệu của chính phủ vốn dẫn đến các cuộc biểu tình vào tháng 1-2012. Vào tháng 5-2016, chính quyền mới đã loại bỏ trợ cấp nhiên liệu sau khi nhận thấy rõ ràng nó không bền vững và không hiệu quả.

Không khoan nhượng
Những cải cách của Okonjo-Iweala, đặc biệt là chiến dịch trấn áp tham nhũng trong lĩnh vực nhiên liệu, nơi một số nhà nhập khẩu quyền lực đã đòi khoản tiền khổng lồ từ chính phủ trợ cấp cho nhiên liệu mà họ không bán, đã khiến bà phải trả giá đắt. Mẹ của bà, Kamene Okonjo - một bác sĩ y khoa và Giáo sư xã hội học đã nghỉ hưu - bị bắt cóc ở miền Nam Nigeria vào năm 2012, ở tuổi 82.
Bộ trưởng Tài chính khi đó cho biết những kẻ bắt cóc trước tiên yêu cầu bà từ chức và sau đó là khoản tiền chuộc. Nhưng bà từ chối cả hai. "Tôi biết công cuộc chống tham nhũng của mình đã xâm hại tới lợi ích vô đạo đức của các nhà tiếp thị dầu mỏ của đất nước" - bà kể. Bà Okonjo đã được trả tự do trong vòng 5 ngày, mà người ta tin rằng cách tiếp cận không khoan nhượng của con gái bà đã khiến bọn bắt cóc nhụt chí. 
Bà Okonjo-Iweala đã làm việc tại WB trong 25 năm, vươn lên vị trí Giám đốc điều hành số 2 vào năm 2007, xử lý danh mục đầu tư hoạt động trị giá 81 tỷ USD ở châu Phi, Nam Á, châu Âu và Trung Á. Okonjo-Iweala dẫn đầu một số sáng kiến của WB nhằm hỗ trợ các nước có thu nhập thấp trong cuộc khủng hoảng lương thực 2008-2009 và khủng hoảng tài chính sau đó. Các hoạt động hiện tại của bà bao gồm Chủ tịch HĐQT của Liên minh toàn cầu về vaccine và tiêm chủng (GAVI); đồng lãnh đạo chương trình Covax, một sáng kiến để thúc đẩy tiếp cận bình đẳng với vaccine Covid-19.
Tổng giám đốc WTO Ngozi Okonjo-Iweala cho biết tình hình thương mại đang rất chênh lệch giữa các khu vực, nguyên nhân chính do khả năng tiếp cận vaccine ngừa Covid-19 bất bình đẳng. Bà bày tỏ hy vọng WTO sẽ đóng vai trò nhất định trong việc chống lại đại dịch Covid-19, đặc biệt bằng hỗ trợ Cơ chế Covax.
Dựa trên 25 năm kinh nghiệm là nhà kinh tế tại WB và Chủ tịch của liên minh vaccine GAVI từ năm 2016, bà Okonjo-Iweala cũng muốn các nước đang phát triển tự sản xuất thêm vaccine để khắc phục tình trạng thiếu hụt nguồn cung. Có thể nói, tầm nhìn và ưu tiên của của tân Tổng giám đốc WTO là đúng hướng, nhưng để đưa những mục tiêu đó đến thành công là chặng đường đầy thách thức.  
Ở thời điểm đại dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, những căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc, đang là thách thức cho bà Okonjo-Iweala trong những nỗ lực cải tổ và điều hành WTO.

Các tin khác