Bất cập trong quản lý công trình chống ngập

(ĐTTCO)-Những năm qua, TPHCM đã đầu tư hàng loạt dự án góp phần giảm ngập ở nhiều khu vực. Tuy nhiên, sau khi đưa vào sử dụng, việc quản lý, vận hành còn nhiều bất cập khiến nhiều công trình chưa đạt hiệu quả như mong đợi. 
 Nhiều đoạn đê bao của dự án bờ hữu ven sông Sài Gòn xuống cấp, gây lầy lội, hạn chế tác dụng chống ngập
Nhiều đoạn đê bao của dự án bờ hữu ven sông Sài Gòn xuống cấp, gây lầy lội, hạn chế tác dụng chống ngập
Đầu tư lớn, hiệu quả nhỏ

Một dự án lớn để giải quyết ngập do triều cường ở các quận 12, Gò Vấp, huyện Củ Chi, Hóc Môn là dự án bờ hữu ven sông Sài Gòn, kéo dài từ rạch Vàm Thuật (quận 12) đến tỉnh lộ 8 (huyện Củ Chi, TPHCM). Dự án gồm tuyến đê kết hợp đường giao thông dọc bờ hữu sông Sài Gòn với chiều dài hơn 15km; trong đó, xây dựng 188 cống lắp van ngăn triều, với tổng vốn đầu tư gần 700 tỷ đồng.

Công trình được khởi công từ năm 2007 và đưa vào sử dụng từ năm 2011. Tuy nhiên, thời gian qua, nhiều đoạn đê bao đã xuống cấp, lầy lội khiến tuyến giao thông này bị đứt đoạn nhiều nơi. Tình trạng này tái diễn nhiều năm khiến người dân vô cùng ngao ngán. Cứ vào mùa mưa hay khi thủy triều dâng cao, cư dân sống bên trong tuyến đê lại thấp thỏm lo chống ngập.

Tương tự, đoạn đê chạy qua quận 12 tuy rộng và kiên cố hơn, nhưng cũng có hàng chục vị trí bị đọng nước, lầy lội. Hệ thống cống ngăn triều dọc tuyến đê bao này hiện cũng bị hư hỏng khá nhiều, có cống cửa van không thể đóng, mở được. Riêng đoạn đê chạy qua phường An Phú Đông và Thạnh Xuân, quận 12, từng xảy ra tình trạng nước sông tràn qua hệ thống cống ngăn triều gây ngập úng, hư hại hoa màu của người dân.

Trước tình trạng này, UBND huyện Hóc Môn và UBND quận 12 đã có rất nhiều văn bản đề nghị Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập TP (nay là Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng TP) xử lý tình trạng hư hỏng ở tuyến đê bao dọc sông Sài Gòn, nhưng việc khắc phục chỉ mang tính tạm thời nên tình trạng hư hỏng đê cứ tái diễn liên tục.

Một dự án khác, với hy vọng sau khi hoàn thành sẽ là tuyến thoát nước chính và xử lý ô nhiễm, kết hợp với chỉnh trang đô thị ở khu vực Đông Bắc TP là tuyến kênh Ba Bò, đoạn qua quận Thủ Đức, có chiều dài gần 2km, ở khu vực giáp ranh giữa TPHCM và tỉnh Bình Dương. Do nhiều đoạn bị lấn chiếm đã gây ách tắc dòng chảy, khiến tình trạng ngập nước thường xuyên xảy ra khi mưa lớn.

Năm 2008, dự án cải tạo kênh được khởi công với tổng vốn dự kiến ban đầu 307 tỷ đồng, với quy mô xây dựng tuyến kênh chính dài hơn 1.700m và tuyến kênh nhánh dài 865m. Năm 2009, dự án được bổ sung thêm hạng mục hồ điều tiết sinh học rộng 6ha, trạm bơm nhằm xử lý ô nhiễm. Vốn được điều chỉnh tăng lên hơn 743 tỷ đồng. Dự án hoàn thành đưa vào sử dụng, người dân trong vùng vui mừng với hy vọng nước dòng kênh sẽ trong xanh hơn.

Tuy nhiên, tình trạng ô nhiễm vẫn thường xuyên xảy ra mỗi khi có mưa. Như vậy, mục tiêu của dự án chưa đạt hiệu quả như mong đợi, trong khi số tiền đầu tư quá lớn.

Thiếu đồng bộ

Hiện trên địa bàn TPHCM có nhiều dự án chống ngập, xử lý ô nhiễm đã được đầu tư xây dựng với mục tiêu giảm ngập và từng bước cải thiện môi trường. Trong đó có dự án xây dựng hoàn chỉnh, có dự án mới hoàn thành một phần do nguồn vốn khó khăn. Chính vì vậy, khi đưa vào sử dụng chưa đạt hiệu quả như mong muốn là do công tác quản lý, vận hành, duy tu sửa chữa còn nhiều bất cập.

Trưởng ban Pháp chế HĐND TPHCM Trương Lâm Danh cho rằng, thời gian qua, nhiều dự án cho lấp kênh rạch, bù lại chủ đầu tư phải thay thế bằng việc xây dựng hồ điều tiết, nhưng khi xong dự án chẳng thấy hồ đâu! Như vậy, khâu quản lý của chúng ta còn lỏng lẻo và nhiều bất cập cần chấn chỉnh. Khi triển khai các dự án chống ngập quy mô lớn, cần tính toán ngay đơn vị vận hành bảo dưỡng; đặc biệt dự án chống ngập gần 10.000 tỷ đồng là dự án lớn, kỹ thuật cao, do đó ngay từ bây giờ phải chọn lựa đơn vị vận hành mới mong đạt hiệu quả.

Nhiều chuyên gia chống ngập cho rằng, các dự án chống ngập đưa vào khai thác đem lại hiệu quả nhưng việc duy tu, khai thác dịch vụ gần như bị bỏ ngỏ. Chức năng và vai trò liên quan đến nhiều sở ngành, do đó để giải quyết cần sự phối hợp chung, thay vì giao cho một đơn vị chịu trách nhiệm quản lý, vận hành khai thác, duy tu sửa chữa.

Về công tác quản lý, các ngành chức năng của thành phố cần sự thống nhất giữa các cơ quan liên quan và đồng bộ quản lý theo thời gian, chứ không thể theo kiểu “ai lo sạt lở thì lo mép nước”, “ai ngăn triều thì lo đê - cống - bơm”, “ai đường thì lo đường”, “ai đô thị thì lo xây nhà”... Tất cả đều rời rạc, chưa quy về một đầu mối, dẫn đến hiệu quả của các công trình chưa được như kỳ vọng.

Các tin khác