Cao tốc kết nối miền Tây, đừng mãi là kỳ vọng

(ĐTTCO) - Để khu vực kinh tế ĐBSCL bứt phá đi lên, giao thông vận tải đóng vai trò trọng yếu. Tuy nhiên, thực trạng cơ sở hạ tầng giao thông khu vực này hiện nay vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển kinh tế. 
Cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận vừa đưa vào thông xe tạm thời dịp Tết đã trở thành "bãi đậu xe" bất đắc dĩ.
Cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận vừa đưa vào thông xe tạm thời dịp Tết đã trở thành "bãi đậu xe" bất đắc dĩ.
Thăng trầm cao tốc 10 năm
Sau hơn 10 năm thi công, tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận đã chính thức thông xe vào ngày 25-1-2022. Đây là tuyến cao tốc được kỳ vọng là huyết mạch kết nối kinh tế ĐBSCL với TPHCM và khu vực kinh tế trọng điểm Đông Nam bộ.
Dự án có chiều dài hơn 51km. Hơn 10 năm thi công cũng là quãng thời gian thăng trầm của tuyến đường này, dù được Bộ Giao thông-Vận tải (GTVT) tiếp nhận song dự án vẫn bị “ngâm” trong cả thời gian dài. Thậm chí dự án đã có 2 lần thay đổi nhà đầu tư, 3 lần thay đổi tổng vốn, 4 lần lùi thời hạn hoàn thành.
Cụ thể, tháng 11-2009, dự án khởi công, nhà đầu tư là CTCP Phát triển đường cao tốc BIDV, đại diện cho 8 nhà đầu tư góp vốn, thông báo tổng mức đầu tư khoảng 19.000 tỷ đồng, sẽ thu xếp để hoàn thành trong quý III-2013.
Tháng 2-2015, dự án tái khởi động, dự kiến hoàn thành vào 2018. Tổng mức đầu tư giảm còn 14.678 tỷ đồng. Đến tháng 6-2017, tổng mức đầu tư tiếp tục giảm còn 9.668 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành vào quý II-2020.
Tháng 1-2019, doanh nghiệp thực hiện dự án đề xuất bổ sung CTCP Tập đoàn Đèo Cả vào liên danh nhà đầu tư, bỏ Công ty Yên Khánh do doanh nghiệp này không góp vốn vào dự án.
Công ty BOT còn kiến nghị chuyển cơ quan nhà nước có thẩm quyền của dự án từ Bộ GTVT về UBND tỉnh Tiền Giang, và 2 tháng sau đề xuất này được thực hiện. Như vậy, đến đầu 2019, khi thời gian thi công dự án đã bước sang năm thứ 10, tiến độ mới đạt… 10%. 
Một trong những nguyên nhân dẫn đến tiến độ “rùa bò” của tuyến cao tốc này do cơ chế về góp vốn còn nhiều bất cập. Để giải ngân vốn tín dụng của dự án, các ngân hàng yêu cầu vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp dự án phải chiếm 30% tổng vốn, đồng thời yêu cầu Nhà nước hỗ trợ vốn lên tới 2.575 tỷ đồng. Nhưng theo chủ đầu tư, những yêu cầu nêu trên rất khó thực hiện và không phù hợp với điều kiện thực tế.
Cách tính này dẫn đến vốn chủ sở hữu chủ đầu tư phải góp quá cao. Trong khi đó, đối với phần vốn ngân sách nhà nước, Chính phủ đã trình Quốc hội bố trí cho dự án 2.186 tỷ đồng, còn thiếu 389 tỷ đồng so với yêu cầu của ngân hàng.
Muốn bố trí thêm vốn trong giai đoạn hiện nay cần có sự đồng ý của Chính phủ, các bộ, ngành. Vướng mắc trong cơ chế nói trên đã dẫn đến 51km đường 10 năm vẫn chưa thể hoàn thành.

Và nay vẫn dở dang
Sự chậm trễ của dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận cần được xem là bài học đắt giá cho các dự án cao tốc ở ĐBSCL sau này.
Mới đây, ngày 8-2, đại diện CTCP BOT Trung Lương - Mỹ Thuận, cho biết cao tốc này tạm dừng hoạt động từ ngày 11-2 để chủ đầu tư đánh giá các yếu tố kỹ thuật, tiếp tục hoàn thiện công trình, nghiệm thu... trước khi đưa vào vận hành tháng 4 tới. Như vậy, thực tế tuyến cao tốc chỉ được sử dụng với vai trò “xả áp” ùn tắc giao thông tạm thời trong dịp Tết Nguyên đán, về cơ bản vẫn chưa hoàn chỉnh để có thể khai thác. 
Thực ra đã có không ít ý kiến cho rằng tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận không đủ sức “gánh vác” cho cả giao thông miền Tây với TPHCM, mà cần thêm nhiều tuyến khác nữa. Tình trạng ùn ứ nghiêm trọng (ngay cả khi chưa thực hiện dừng xe thu phí cao tốc) xảy ra trong dịp Tết Nguyên đán vừa qua, cho thấy những lo ngại trên không phải không có cơ sở.
Bên cạnh đó, còn có nhiều lo ngại về việc thiếu an toàn của tuyến cao tốc này. Mặt đường hẹp, chỉ 2 làn xe mỗi chiều, không có làn dừng đỗ xe khẩn cấp, đặc biệt có điểm đang chờ lún, gây  rủi ro lớn và không đảm bảo an toàn cho người tham gia lưu thông.
Theo PGS.TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, Thành viên Tổ tư vấn Kinh tế của Thủ tướng Chính phủ, đã đến lúc cần có cái nhìn xa hơn. “Chúng ta không chỉ nhìn vào mục tiêu là cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận đã hoàn thành và khai thác, mà phải đặt ngay vấn đề tiếp theo của Mỹ Thuận đó là cái gì?
Bởi nguyên lý hiệu quả của giao thông là tính đồng bộ. Mục tiêu của tuyến này là phát triển cho miền Tây, tức còn phía dưới Cần Thơ, không phải chỉ đến Mỹ Thuận. Vì thế, chúng ta không chỉ kết nối Trung Lương - Mỹ Thuận mà phải đặt ngay vấn đề kết nối Mỹ Thuận - Cần Thơ” - ông Thiên nhấn mạnh.
Vừa qua, Ban quản lý dự án Mỹ Thuận đã gửi tờ trình tới Bộ  GTVT đề nghị thẩm định Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng với chiều dài 188,2km theo hình thức đầu tư công, tổng mức đầu tư hơn 83.000 tỷ đồng và thuộc nhóm dự án quan trọng quốc gia.
Trên cơ sở tờ trình này, Bộ GTVT sẽ trình lên Chính phủ và Quốc hội xem xét, phê duyệt. Như vậy, tính đến nay ĐBSCL đã hình thành 7 dự án cao tốc trục dọc và trục ngang với tổng chiều dài gần 1.000km, kinh phí dự kiến trên 150.000 tỷ đồng, gồm Trung Lương - Mỹ Thuận, Hà Tiên - Rạch Giá - Bạch Liêu, Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, Mỹ An - Cao Lãnh, Lộ Tẻ - Rạch Sỏi,  Cần Thơ - Cà Mau, Mỹ Thuận - Cần Thơ.
ĐBSCL có khoảng 20 triệu dân, cung cấp 90% sản lượng gạo, 70% sản lượng trái cây, 40% sản lượng thủy sản xuất khẩu cả nước... Tuy nhiên, khu vực này hiện tại chỉ có hơn 50km cao tốc. Để đáp ứng nhu cầu phát triển, 7 dự án cao tốc nói trên cần sớm được quy hoạch, đầu tư, xây dựng.
Tại Hội nghị trực tuyến lấy ý kiến hoàn thiện Quy hoạch vùng ĐBSCL thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 của Hội đồng điều phối vùng ĐBSCL giai đoạn 2021-2025 diễn ra cuối năm 2021, Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể bày tỏ: “Nếu làm tốt, đến năm 2025 ĐBSCL sẽ có 300km đường cao tốc. Trung ương, Chính phủ xác định rất quan tâm, tập trung cho đầu tư xây dựng đường cao tốc cho khu vực này”.  

Các tin khác