Chính phủ bảo lãnh trái phiếu tiêu chuẩn khác biệt

(ĐTTCO)-Bộ Giao thông-Vận tải hủy đấu thầu quốc tế, chọn nhà đầu tư trong nước làm cao tốc Bắc-Nam với lý do quan trọng nhất chính là dự án này có tầm quan trọng về an ninh-quốc phòng.
Ảnh minh họa: HOÀNG HÙNG
Ảnh minh họa: HOÀNG HÙNG
Thực ra trong bối cảnh thế giới ngày nay, nhiều quốc gia lớn nhỏ đều phải xem xét đến vấn đề này, khởi đầu là Đạo luật “Hiện đại hóa đánh giá rủi ro đầu tư nước ngoài - Foreign Investment Risk Review Modernization Act - FIRRMA”, ở Mỹ có hiệu lực vào tháng 8-2018. Vậy trong bối cảnh của Việt Nam hiện nay, làm sao để thực sự chọn được nhà đầu tư trong nước?
Trái phiếu bảo lãnh của Chính phủ 
 Chính phủ bảo lãnh phát hành trái phiếu cho các nhà đầu tư trong nước tham gia xây dựng đường cao tốc Bắc-Nam, nhưng cần một tiêu chuẩn khác biệt cho việc bảo lãnh này.
Trong cuộc họp của Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính-tiền tệ Quốc gia vừa qua, có đề cập đến giải pháp nguồn vốn để đầu tư cho các dự án trọng điểm quốc gia. Đường cao tốc Bắc-Nam là một dự án trọng điểm quốc gia cả về mặt tạo động lực tăng trưởng kinh tế trong dài hạn, cũng như về vấn đề an ninh-quốc phòng.
Do vậy, trong xu hướng của bối cảnh thế giới ngày nay, việc định nghĩa lại các dự án trọng điểm quốc gia và có liên quan đến an ninh-quốc phòng là cần thiết, trong khi các văn bản pháp luật chưa theo kịp được bối cảnh của cuộc sống.
Các nhà đầu tư trong nước đang có một cơ hội lớn để chứng tỏ năng lực của mình trong các dự án lớn. Tuy nhiên, vấn đề về tiềm lực tài chính vẫn là một bài toán khó cho các doanh nghiệp này. Một trong những đề xuất của Hội đồng tư vấn chính sách tài chính-tiền tệ Quốc gia, là Chính phủ bảo lãnh phát hành trái phiếu cho các nhà đầu tư trong nước tham gia xây dựng đường cao tốc Bắc-Nam.
Thực tế ngày nay, đã có nhiều doanh nghiệp, dự án được Chính phủ bảo lãnh vay vốn và phát hành trái phiếu. Vậy cần có một tiêu chuẩn khác biệt cho việc bảo lãnh hiện nay và bảo lãnh đối với các dự án trọng điểm quốc gia có liên quan đến an ninh-quốc phòng, điều này mới tạo nên sự khác biệt của đề xuất này.
Với vai trò là một nhà bảo lãnh phát hành, Chính phủ có thể yêu cầu doanh nghiệp được bảo lãnh phải đáp ứng một số yêu cầu nhất định về ràng buộc lên tài sản (Restrictions on asset disposition), như giới hạn về bán tài sản (limit on sale of assets), giới hạn về chi trả cổ tức (limit on dividends), ràng buộc về tài sản thế chấp cầm cố (Collateral and mortgages)…
Đây là một loại trái phiếu có thời gian đáo hạn dài, nên phải đặt doanh nghiệp được bảo lãnh vào diện kiểm soát để đảm bảo khả năng chi trả cho các trái chủ trong tương lai. Những yêu cầu này vừa bảo vệ Chính phủ trước hợp đồng bảo lãnh, vừa tăng tính hấp dẫn của trái phiếu trên thị trường trái phiếu.
Ngoài những quy định về các điều khoản ràng buộc đối với doanh nghiệp được bảo lãnh, Chính phủ có thể đề nghị loại trái phiếu này không chỉ là một loại trái phiếu có lãi suất cố định hay thả nổi thông thường, mà còn có những tính chất về chia sẻ thu nhập (Income bond) từ hiệu quả của dự án đầu tư trong thời hạn của trái phiếu.
Đây là loại trái phiếu có thời hạn dài, quy mô vốn vay lớn và là dự án quan trọng của quốc gia, nên không thể lợi ích sau xây dựng lại được tập trung vào doanh nghiệp thực hiện dự án. Đồng thời, loại trái phiếu này thường hấp dẫn các nhà đầu tư, nên việc huy động vốn trong nền kinh tế sẽ dễ dàng thành công hơn.
Nhờ vào tính hấp dẫn của loại trái phiếu, trước các nhà đầu tư đặc biệt các nhà đầu tư quốc tế, việc xây dựng dự án đường cao tốc Bắc-Nam sẽ huy động một lượng vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài vào thị trường trái phiếu. Điều này cũng đảm bảo được yêu cầu về thu hút ngoại tệ từ nhà đầu tư nước ngoài thay thế cho việc đấu thầu quốc tế.

Hạn chế nấp bóng của nhà đầu tư ngoại
 Việc chuyển nhượng cổ phần hay phát hành thêm, thậm chí là chuyển nhượng cổ phần của công ty mẹ trong các công ty tham gia xây dựng dự án đường cao tốc Bắc-Nam phải bị quản lý, kiểm soát của Chính phủ.
Thực tế việc chuyển nhượng cổ phần trong các doanh nghiệp ở Việt Nam diễn ra rất dễ dàng. Thông tin công bố từ các doanh nghiệp niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam thời gian qua cũng cho thấy điều này.
Gần đây nhất là việc chuyển nhượng cổ phần tại Công ty HAGL Land, công ty sở hữu dự án phức hợp tại Myanmar, là công ty con của Hoàng Anh Gia Lai (HAG) cho một đối tác khác. Liệt kê một số công ty con đã “mất mẹ” trong vài tháng gần đây, cho thấy việc lập một công ty thuần Việt rồi chuyển nhượng công ty này sang một đối tác khác, thậm chí là nhà đầu tư nước ngoài là chuyện đang diễn ra dễ dàng và rầm rộ ở Việt Nam.
Do vậy, việc lo ngại những nhà đầu tư trong nước trúng thầu các gói thầu trong dự án đường cao tốc Bắc-Nam cũng có sự nấp bóng của nhà đầu tư nước ngoài là điều chính đáng.
Bằng việc định nghĩa lại vấn đề của an ninh-quốc phòng, Chính phủ Mỹ đã ban hành đạo luật FIRRMA 2018 nhằm để kiểm soát việc chuyển nhượng cổ phần trong các công ty Mỹ cho các nhà đầu tư nước ngoài.
Theo đó, đạo luật FIRRMA đã trao quyền cho Ủy ban Đầu tư nước ngoài (CFIUS) xem xét bất kỳ các giao dịch nước ngoài nào với công ty Mỹ thuộc 27 lĩnh vực then chốt. Tiếp theo chính phủ Mỹ, chính phủ Đức cũng tăng cường thắt chặt đầu tư nước ngoài đến từ các nhà đầu tư ngoài EU vào các lĩnh vực nhạy cảm của nền kinh tế, cơ sở hạ tầng quan trọng…
Chính vì vậy, việc kiểm soát hình thái sở hữu trong các công ty tham gia vào dự án đường cao tốc Bắc-Nam là một việc làm cần thiết, khi dự án này quan trọng trong phát triển kinh tế và an ninh-uốc phòng của Việt Nam. Qua kinh nghiệm kiểm soát các giao dịch tại các công ty được định nghĩa tham gia vào lĩnh vực nhạy cảm với nền kinh tế, an ninh quốc phòng ở các nước, Chính phủ Việt Nam cũng nên hạn chế chuyển nhượng cổ phần, hạn chế đối tượng mua cổ phần phát hành thêm trong các công ty tham gia vào dự án đường cao tốc Bắc-Nam.
Việc hạn chế chuyển nhượng cổ phần hay phát hành thêm cổ phần để pha loãng quyền sở hữu không chỉ đến từ các nhà đầu tư nước ngoài, mà ngay chính các nhà đầu tư trong nước khác. Việc hạn chế này cũng diễn ra đối với những công ty mẹ đang sở hữu những công ty con tham gia vào dự án.
Hiện nay, nhiều định chế tài chính ở Việt Nam đã có sự tham gia sâu của các nhà đầu tư nước ngoài. Đầu tháng 10, một công ty chứng khoán lớn nhất Trung Quốc “chốt” mua cổ phần chi phối tại Công ty chứng khoán Đầu Tư Việt Nam (IVS). Cũng giống như nhiều quốc gia khác như Nhật Bản, Hàn Quốc, sau khi bước chân vào thị trường tài chính của Việt Nam, các tập đoàn này sẽ tăng cường mở rộng lĩnh vực hoạt động trong ngành tài chính từ chứng khoán, quỹ đầu tư, ngân hàng, bảo hiểm…
Do vậy, việc không xa lạ gì khi dòng vốn đầu tư từ những định chế này được ủy thác đầu tư qua những công ty trong nước để đi đến sở hữu cổ phần trong các công ty tham gia vào các dự án quan trọng như dự án đường cao tốc Bắc-Nam của Việt Nam. 
Tóm lại, việc chuyển nhượng cổ phần hay phát hành thêm, thậm chí là chuyển nhượng cổ phần của công ty mẹ trong các công ty tham gia xây dựng dự án đường cao tốc Bắc-Nam phải bị quản lý, kiểm soát của Chính phủ. 
TS. Ngô Trí Long, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường-giá cả:

Tạo điều kiện cho nhà đầu tư đủ năng lực

Cần tách bạch rõ việc lựa chọn nhà đầu tư BOT cao tốc Bắc-Nam và lựa chọn thầu xây lắp các dự án này. Nhà đầu tư cao tốc Bắc Nam quan trọng nhất phải đáp ứng đủ năng lực về tài chính, năng lực quản lý dự án, có nhu cầu là có thể tham gia đấu thầu.
Việc đặt nặng tiêu chí nhà đầu tư đã từng tham gia dự án BOT mới được tham gia đấu thầu dự án thời gian qua, đã loại bỏ các nhà đầu tư tư nhân có năng lực tài chính nhưng chưa từng làm dự án BOT.
Trên thực tế nhà đầu tư có năng lực tài chính có thể liên danh với nhà đầu tư có kinh nghiệm làm dự án BOT để thực hiện dự án, hoặc có thể ký hợp đồng xây lắp thuê nhà thầu có kinh nghiệm làm công trình BOT giao thông.
 Ông N.V.T, đại diện một nhà đầu tư BOT phía Bắc:

Chưa có dự án BOT đúng nghĩa lời ăn lỗ chịu

Bộ GTVT đang quản lý 61 dự án BOT trên cả nước, nhưng hầu hết dự án BOT đã ký kết hợp đồng đều có mức bảo đảm lợi nhuận/vốn chủ sở hữu từ 11-17%, tùy theo từng dự án.
Ngoài điều khoản “chốt cứng” về lợi nhuận, các hợp đồng BOT chỉ quy định tạm tính thời gian thu phí, mức thu, tỷ lệ tăng phí, doanh thu dự án, thời gian thu phí dự án. Vì vậy, nhà đầu tư không có động lực để làm tốt hơn trong quá trình đầu tư, vận hành, khai thác dự án BOT.
Nhà đầu tư thu phí nhiều hơn sẽ bị rút ngắn thời gian thu phí, thu ít hơn được kéo dài thời gian thu phí. Mọi rủi ro của dự án BOT vẫn đẩy về phía Nhà nước nên chưa thể có dự án BOT đúng nghĩa lời ăn lỗ chịu đúng bản chất của hợp tác công tư.
Ông Trần Văn Thế, Phó Chủ tịch HĐQT CTCP Tập đoàn Đèo Cả:

Lệch pha trong chính sách

Tiêu chí chọn thầu nhà đầu tư trong nước cần được điều chỉnh lại cho phù hợp với năng lực nhà đầu tư trong nước. Đặc biệt nguồn tín dụng ngân hàng thực hiện 8 dự án BOT cao tốc Bắc-Nam chiếm 70-80% tổng vốn đầu tư.
Nếu vốn tự có nhà đầu tư bảo đảm, vốn hỗ trợ nhà nước bảo đảm, nhưng việc huy động tín dụng không bảo đảm thì con đường vẫn dở dang. Khi đầu tư hai đoạn tiến BOT Hữu Nghị-Chi Lăng, Trung Lương-Mỹ Thuận, mặc dù cơ quan nhà nước đã phê duyệt phương án tài chính đảm bảo hiệu quả, nhưng khi ngân hàng đánh giá lại cho rằng cần thêm hỗ trợ ngân sách nhà nước, hay phải hỗ trợ nhiều hơn.
Cách thẩm định dự án BOT của cơ quan nhà nước có thẩm quyền và các ngân hàng thương mại đang lệch nhau, chưa rõ ràng. 
Vai trò của các ngân hàng rất quan trọng, trong khi nhà nước kêu gọi đầu tư hạ tầng giao thông thì có ngân hàng thương mại lại có văn bản cảnh báo cho vay phát triển hạ tầng giao thông. Rõ ràng đang có sự lệch pha chính sách trong phát triển hạ tầng giao thông, rất cần sự điều chỉnh từ cấp cao nhất là Chính phủ.

Các tin khác