Chống ngập tạm thời đến bao giờ?

(ĐTTCO) - Mỗi năm, TPHCM phải chi hàng ngàn tỷ đồng để triển khai các dự án liên quan đến chống ngập úng và triều cường. 
Vậy nhưng, TPHCM vẫn liên tục ngập nặng sau những cơn mưa lớn. Gần đây, các giải pháp như siêu máy bơm, xây hồ điều tiết ngầm đã được Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước TPHCM đưa vào thí điểm, song hiệu quả chỉ mang tính tạm thời.
Ngập lụt khắp nơi
 Việc lựa chọn phương án lấp kênh rạch rồi cho thay thế bằng cống thoát nước không thể giải quyết được chức năng điều tiết. Nó chỉ giải quyết được việc thoát nước qua một mặt cắt, bài toán điều tiết nước cho cả TP khi mưa to vẫn còn tồn tại. Đó là một sai lầm lớn.
TS. Phạm Sanh,
 chuyên gia giao thông
Nhiều năm nay, người dân TPHCM quá quen với việc trời mưa lớn là nước ngập nhiều tuyến đường, gây ùn tắc và tê liệt giao thông, thậm chí uy hiếp an toàn bay Sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất… Nước không chỉ ngập sâu nhiều khu vực nội thành như trước, giờ đây nhiều khu vực mới ở ngoại thành cũng bị đe dọa nghiêm trọng, như các quận Thủ Đức, Bình Tân, quận 12.
Tại các phường Hiệp Bình Chánh, Hiệp Bình Phước (quận Thủ Đức), sau những trận mưa lớn đã có nhiều tivi, tủ lạnh, quần áo, xe cộ của người dân chìm trong nước. Chưa hết, hàng ngàn m² vườn mai kiểng của nông dân chăm sóc chuẩn bị bán dịp Tết Nguyên đán 2018 đang thời kỳ sung sức, đã chìm gần hết ngọn. Nhiều hộ nuôi cá ao cũng trắng tay.
Cho đến nay, hệ thống cống thoát nước của TP đã trở nên quá tải. Khi mưa lớn, những tuyến đường các quận Bình Thạnh, quận 6, 8, 2, Thủ Đức, Bình Tân, Tân Phú… nhanh chóng bị nước nhấn chìm, giao thông tê liệt hoàn toàn. Trên các tuyến đường Xô Viết Nghệ Tĩnh, đoạn gần ngã tư Hàng Xanh, D2, Nguyễn Hữu Cảnh… nước ngập sâu lút đến yên xe. Các tuyến đường Nơ Trang Long, Đinh Tiên Hoàng (quận Bình Thạnh), Kha Vạn Cân (quận Thủ Đức), Lê Văn Sĩ (quận 3), Hoàng Văn Thụ (quận Tân Bình), Kinh Dương Vương (Bình Tân), Nguyễn Hữu Cảnh (quận 1)… cũng biến thành sông. 
Tại đường Nguyễn Hữu Cảnh, hàng ngàn hộ dân sống tại khu The Manor, Sai Gon Pearl hầu như bị cô lập với thế giới bên ngoài. Đường Nguyễn Hữu Cảnh dài 3,7km, kéo dài từ nút giao Điện Biên Phủ (quận Bình Thạnh) đến đường Tôn Đức Thắng (quận 1) thường xuyên bị ngập nặng kéo dài. Đây là tuyến đường được coi là "rốn" ngập của TPHCM. Cứ mỗi lần mưa lớn hoặc triều cường, khu vực này ngập sâu từ 0,5-1m, kéo dài từ chân cầu Sài Gòn đến hầm chui Nguyễn Hữu Cảnh.
Chị Lê Nguyễn Thanh Nga, người dân sống tại khu vực này, ngao ngán: “Sống ngay trên đường Nguyễn Hữu Cảnh, mỗi lần mưa  lớn khoảng hơn 1 tiếng trở lên là đường ngập. Giờ không đi đường này tránh ngập, đi vòng đường Xô Viết Nghệ Tĩnh cũng gặp cảnh kẹt xe ở đó”.
Chống ngập tạm thời đến bao giờ? ảnh 1 Siêu máy bơm chống ngập chỉ là giải pháp tạm thời, nhưng tạm thời đến bao lâu vẫn chưa có lời giải. 
Do kênh, rạch bị lấp vô tội vạ
Một trong những nguyên nhân gây tình trạng ngập lụt TP hiện nay do 60% kênh rạch trên địa bàn bị xóa sổ, san lấp làm các dự án BĐS. TPHCM hiện có 7 hệ thống kênh rạch tiêu thoát nước dài 926km, với 412 cửa xả. Tuy nhiên, tình trạng ngập nước ở các quận 5, 6, 8, 11, Bình Thạnh, Tân Bình, Thủ Đức… ngày càng trầm trọng hơn, do có hơn 5.000 hộ dân làm nhà lấn chiếm bờ kênh, thu hẹp dòng chảy, xả rác và nước thải trực tiếp xuống hệ thống các dòng kênh.
Hiện tại, có 182 vị trí sông, kênh, rạch bị lấn chiếm, tập trung nhiều nhất ở quận 7 (49 vị trí), quận 8 (39 vị trí), Thủ Đức, Bình Chánh (24 vị trí), Bình Thạnh (17 vị trí), Nhà Bè (15 vị trí)… 
Hệ thống kênh rạch, ao hồ bị san lấp vô tội vạ như rạch Ông Kích, rạch Bà Lài, rạch Cụt, Bình Tiên, Bà Lài, Đầm Sen, ao Sen… Nhiều kênh rạch khác đang ở trong tình trạng “hấp hối” như rạch Lăng, rạch Bình Lợi, rạch Văn Thánh. Đối với nội thành, phần lớn đất đai được bê tông hóa, nhựa hóa để xây dựng nhà, công xưởng, đường sá. Khi mưa xuống, toàn bộ nước mưa đều tập trung thành dòng chảy, không thể thấm xuống đất. 
Một thực tế khác là việc xóa điểm ngập bằng cách nâng cao nền nơi này khiến nước dồn sang chỗ trũng gần đó. Cách “đuổi” ngập này để đạt thành tích chứ không “xử lý dứt điểm, triệt để ngập”.
Một bờ đê, bờ bao hàng trăm tỷ đồng chỉ ngăn triều cường và lũ ở cường suất nhẹ, chỉ cần một chỗ sạt lở, một trận mưa lớn, lũ lớn từ thượng nguồn sông Đồng Nai đổ về, lập tức hàng trăm, hàng ngàn tỷ đồng bị cuốn trôi và công việc chống ngập lại trở về ban đầu.

Nhiều giải pháp chỉ tạm thời
Trong những năm qua, TPHCM đã đầu tư hàng chục ngàn tỷ đồng để nạo vét, cải tạo, nâng cấp gần 2.600km cống thoát nước, 60km kênh rạch, củng cố đê bao, bờ bao, xây dựng cống kiểm soát triều cường Nhiêu Lộc - Thị Nghè, triển khai xây dựng một số nhà máy xử lý nước thải, hồ điều hòa, đã góp phần giảm ngập úng do mưa tại 62 điểm ngập (từ 95 còn 33 điểm ngập). Tuy nhiên, việc thực hiện các quy hoạch còn rất chậm do thiếu nguồn vốn đầu tư, vướng mắc trong giải tỏa mặt bằng, nhất là quy hoạch thủy lợi chống ngập úng, nên tình trạng ngập úng do triều cường chậm được khắc phục.
Mới đây, TPHCM hoàn thành lắp đặt 1 hồ điều tiết đầu tiên tại quận Thủ Đức để chống ngập cấp bách khu vực trũng này. Hồ điều tiết được xây dựng ngầm trong lòng đất có sức chứa hơn 100m3 nước mưa. Khi hoạt động, hồ nhận nước từ đường cống dẫn nước mưa và khi lượng nước đầy sẽ tự thoát nước thừa ra ngoài theo đường ống khác.
Tương tự, để giải quyết ngập, chính quyền TP đã cho phép CTCP Tập đoàn Công nghiệp Quang Trung đầu tư lắp đặt và thí điểm hoạt động “siêu máy bơm” chống ngập tại đường Nguyễn Hữu Cảnh. Hệ thống máy bơm này có công suất gần 100.000m3/giờ, được hy vọng sẽ chấm dứt tình trạng ngập tại đây. Theo đánh giá, nếu trận mưa cường độ 100mm kéo dài trong 2 giờ máy bơm hoạt động 1 giờ sẽ hút hết lượng nước ngập. 
Thế nhưng: “Nếu hình dung TPHCM như một lòng chảo bị bao vây nước tứ bề, nguyên tắc giải quyết ngập lụt cứ bơm được chỗ này lại đẩy áp lực nước sang chỗ kia, rồi chỗ khác lại ngập. Vậy có bơm mãi, bơm cả TP khổng lồ được không? Vấn đề ở đây là cách làm thủy lợi, làm sao giải quyết được vấn đề ngập của TPHCM trong chiến lược tổng thể của toàn vùng, chứ không chỉ riêng cho TPHCM. Dĩ nhiên, để giải quyết bài toán lớn đòi hỏi kinh phí lớn, thời gian phải dài, nên có những vấn đề cần ưu tiên giải quyết trước mắt” - GS.TS Đào Xuân Học, nguyên Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp-Phát triển nông thôn, Chủ tịch Hội Thủy lợi Việt Nam, phân tích. 
Thực tế cho thấy, cần phải thay đổi tư duy và phương cách hành động trong việc chống ngập nước ở TPHCM. Trước hết, phải chuyển từ “chống ngập triệt để” bị động, sang chủ động “điều tiết nước có tính toán”; từ “chống ngập bị động” sang “thích nghi tích cực nhằm giảm thiểu rủi ro”.
Các chuyên gia khuyến nghị, TPHCM cần phải tập trung nghiên cứu và tìm giải pháp khả thi để bảo vệ an toàn không ngập vùng lõi trung tâm TP khoảng 930ha và điều tiết giảm nước, giảm ngập cho các vùng còn lại với thời gian ngập ngắn nhất. Việc xây dựng các hồ điều tiết nước chưa thể bù đắp lại những ao, hồ tự nhiên tồn tại ven sông rạch trước đây đã bị đô thị hóa. Việc khôi phục một số ao, hồ, công viên cây xanh, mặt đất, thông cống thoát… chính là biện pháp tốt nhất để giảm ngập hiện nay.
 Để giải quyết bài toán chống ngập giai đoạn 2016-2020, TPHCM dự trù chi gần 100.000 tỷ đồng. Trong đó, khoảng 82.000 tỷ đồng cho quy hoạch tổng thể thoát nước và 15.000 tỷ đồng cho thủy lợi chống ngập úng. Đến đầu năm 2017, TP còn 171 điểm ngập do mưa ở những tuyến đường hoặc hẻm phân cấp quận, huyện quản lý; 40 điểm ngập do mưa ở những tuyến đường lớn phân cấp Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập TP quản lý và 9 điểm ngập do triều cường. Trong giai đoạn 2016-2018, TP sẽ cải tạo, nâng cấp hệ thống thoát nước để xóa ngập do mưa tại 8/17 tuyến đường và 60/179 tuyến hẻm. Tiếp đó, giai đoạn 2019-2020, TP sẽ xóa ngập thêm 5/17 tuyến đường và cho 119 tuyến hẻm còn lại.

Các tin khác