Đã kinh doanh lời hưởng, lỗ phải chịu

(ĐTTCO)-Trong khi hàng loạt bất cập liên quan đến các dự án BOT giao thông chưa được xử lý, Bộ GTVT lại bất ngờ đề xuất từ nay tới năm 2021 thực hiện tăng phí tại 49 dự án BOT đường bộ theo hợp đồng bộ này đã ký với nhà đầu tư. Đây là các dự án BOT, đang có lưu lượng phương tiện thực tế thấp (dưới 80%) so với dự báo trong hợp đồng, đang đối mặt với nguy cơ sụt giảm doanh thu.
Đã kinh doanh lời hưởng, lỗ phải chịu
Để tăng thêm “sức nặng” cho đề xuất này, Bộ GTVT lập luận nếu không có giải pháp đồng bộ kịp thời đối với các dự án BOT sụt giảm doanh thu, sẽ phá vỡ phương án tài chính, các khoản vay đầu tư BOT thành nợ xấu, ảnh hưởng trực tiếp đến chủ trương kêu gọi đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông theo hình thức PPP. Bộ này còn “dọa” nếu không “giải cứu” gấp 49 dự án BOT nói trên trong giai đoạn 2019-2021, mà đợi đến năm 2022 mới bắt đầu tăng phí, sẽ khiến các dự án rơi vào nguy cơ lỗ nặng. Và khi đó Nhà nước sẽ phải bố trí khoảng 3.000 tỷ đồng để hỗ trợ các dự án này?
Việc Bộ GTVT vì lo nhà đầu tư thua lỗ để tăng phí BOT là vô lý. Lâu nay những dự án lời to có chủ đầu tư nào công bố giảm phí? Hơn nữa, trước khi làm dự án chủ đầu tư đã phải tính toán. Nay chỉ vì nhà đầu tư kêu khó, kêu lỗ mà đòi tăng phí là cách làm ngược đời. BOT cũng là dự án kinh doanh, không thể lời hưởng còn lỗ thì phải bù. Đặc biệt, càng không thể mang chuyện nợ xấu và ngân sách nhà nước phải bù lỗ ra “dọa” để đòi tăng phí. 
Đó là chưa nói hàng loạt bất cập, sai phạm tại các dự án BOT giao thông trong thời gian qua, như trạm thu phí đặt sai vị trí, thời gian thu phí quá dài, công tác thu phí thiếu công khai, minh bạch... đều chưa được Bộ GTVT giải quyết. Giải pháp gần như duy nhất bộ này thực hiện là giảm giá vé. Nay lại nói giảm giá vé là nguyên nhân khiến các dự án BOT giảm doanh thu, là điều rất khó chấp nhận. Vấn đề cốt lõi ở các dự án BOT là đảm bảo công khai, công bằng và minh bạch, điều này Bộ GTVT vẫn chưa làm được.
Theo quy luật, phí BOT phải giảm theo thời gian, vì phương tiện gia tăng (mỗi năm tăng bình quân 20%), chi phí đầu tư, khấu hao, lãi suất giảm. Tuy nhiên, điều kỳ lạ ở ta lại làm ngược lại. Điều chúng tôi băn khoăn là những số liệu để chứng minh việc thu phí không đạt phương án tài chính tại 49 trạm BOT trên, chỉ có Bộ GTVT và nhà đầu tư biết. Trong khi đó, việc áp dụng thu phí không dừng giúp minh bạch trong thu phí BOT lại đang có tiến độ rất chậm. Những điều này khiến người dân nghi ngờ nhà đầu tư muốn che giấu doanh thu thật và luôn miệng nói lỗ để đòi tăng phí.
Quyền lợi của doanh nghiệp vận tải và người dân đang bị lãng quên, không được quan tâm giải quyết một cách triệt để, nhưng dường như Bộ GTVT lại quá sốt sắng, chăm lo cho quyền lợi, lợi ích các nhà đầu tư BOT. 

Các tin khác