Đầu tư đường cao tốc Dầu Giây - Tân Phú dài 60km cần hơn 8.365 tỉ đồng

(ĐTTCO)-Bộ Giao thông vận tải vừa trình Thủ tướng xem xét, quyết định chủ trương đầu tư dự án đường cao tốc Dầu Giây - Tân Phú (giai đoạn 1) theo phương thức PPP dài khoảng 60,1km, tổng mức đầu tư hơn 8.365 tỉ đồng.
Tuyến cao tốc Dầu Giây - Liên Khương - Đà Lạt dài 208km đến nay mới đầu tư được 19km đoạn Liên Khương - Prenn (Đà Lạt) - Ảnh: ĐỨC THỌ
Tuyến cao tốc Dầu Giây - Liên Khương - Đà Lạt dài 208km đến nay mới đầu tư được 19km đoạn Liên Khương - Prenn (Đà Lạt) - Ảnh: ĐỨC THỌ

Bộ Giao thông vận tải cho biết theo quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng phê duyệt, tuyến cao tốc Dầu Giây - Tân Phú (địa bàn tỉnh Đồng Nai) có tiến trình đầu tư trước năm 2030.

Tuyến cao tốc này là dự án thành phần nằm trong tổng thể tuyến đường cao tốc Dầu Giây - Liên Khương, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng liên kết các tỉnh Đông Nam Bộ với khu vực Tây Nguyên, đặc biệt là Đồng Nai với tỉnh Lâm Đồng khi quốc lộ 20 đã quá tải. Việc triển khai đầu tư xây dựng tuyến cao tốc Dầu Giây - Tân Phú hiện nay là cần thiết và cấp bách.

Theo đề xuất của Bộ Giao thông vận tải, tuyến cao tốc Dầu Giây - Tân Phú dài khoảng 60,1km, có điểm đầu tại km0 giao với quốc lộ 1 tại khoảng km1.829 + 500, trùng với điểm cuối cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây; điểm cuối tại km60 + 100 (qua vị trí giao cắt với quốc lộ 20 tại khoảng km69 + 400), thuộc xã Phú Trung, huyện Tân Phú, tỉnh Đồng Nai (kết nối với dự án đường cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc).

Theo quy hoạch, tuyến cao tốc Dầu Giây - Tân Phú có 4 làn xe, bề rộng nền đường 24,75m. Nhưng căn cứ nhu cầu vận tải và khả năng cân đối nguồn lực, Bộ Giao thông vận tải kiến nghị phân kỳ đầu tư giai đoạn 1 với quy mô 4 làn xe hạn chế (mỗi làn rộng 3,5m), bề rộng nền đường 17m, có dải phân cách giữa. Tại các vị trí xử lý đất yếu, nền đường đào sâu, đắp cao, điểm dừng xe khẩn cấp, nút giao liên thông, cầu trên tuyến thiết kế mặt cắt ngang theo quy mô giai đoạn hoàn chỉnh (rộng 24,75m).

Sơ bộ tổng mức đầu tư dự án đường cao tốc Dầu Giây - Tân Phú hơn 8.365 tỉ đồng gồm: vốn nhà đầu tư huy động (nguồn vốn BOT) hơn 7.065 tỉ đồng, Nhà nước hỗ trợ chi phí giải phóng mặt bằng và xây dựng 1.300 tỉ đồng. Theo cơ cấu vốn này, thời gian thu phí hoàn vốn của nhà đầu tư dự kiến 20 năm 3 tháng.

Bộ Giao thông vận tải dự kiến thời gian chuẩn bị dự án cao tốc Dầu Giây - Tân Phú trong năm 2021 - 2022, lựa chọn nhà đầu tư trong năm 2022 - 2023, giải phóng mặt bằng, tái định cư năm 2022 - 2023, thi công xây dựng công trình trong các năm 2023 - 2025.

Theo Bộ Giao thông vận tải, việc đầu tư dự án cao tốc Dầu Giây - Tân Phú theo phương thức đối tác công - tư (PPP), loại hợp đồng BOT có lợi thế huy động được nguồn lực xã hội, giảm áp lực vốn nhà nước. Dự án này đầu tư tuyến cao tốc mới nên người dân có thể sử dụng quốc lộ 20 hiện hữu không thu phí.

Cao tốc Dầu Giây - Tân Phú là đoạn đầu tiên của tuyến cao tốc Dầu Giây - Liên Khương - Đà Lạt có tổng chiều dài 208km với quy mô 4 làn xe, nằm trong quy hoạch phát triển mạng lưới đường cao tốc Việt Nam. Hiện nay, đoạn từ đèo Prenn đến thành phố Đà Lạt khoảng 19km đã hoàn thành.

Theo tính toán của Bộ Giao thông vận tải, tại thời điểm năm 2014, toàn bộ tuyến cao tốc Dầu Giây - Liên Khương có tổng mức đầu tư lớn, nếu đầu tư đủ tiêu chuẩn đường cao tốc 4 làn xe, mặt cắt ngang 25m với tổng chiều dài gần 200km cần đến 65.000 tỉ đồng.

Thời gian qua, Bộ Giao thông vận tải đã giao cơ quan lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi các dự án thành phần theo các đoạn: Dầu Giây - Tân Phú, Tân Phú - Bảo Lộc, Bảo Lộc - Liên Khương để đầu tư trong trong giai đoạn 2021-2025.

Các tin khác