Minibus ở TPHCM: Hợp lý nhưng sao khó khăn thế!

(ĐTTCO)-Bộ GTVT lần thứ ba bác đề xuất của TPHCM muốn sử dụng xe buýt loại nhỏ (minibus) từ 12-17 chỗ vào hệ thống giao thông đường bộ của TPHCM, lý do đề xuất trên không phù hợp Nghị định 10/2020/NĐ-CP ngày 17-1-2020 của Chính phủ, quy định đối với phương tiện kinh doanh vận tải hành khách bằng xe buýt phải có sức chứa từ 17 chỗ trở lên. 
Một mẫu xe buýt mini ở TPHCM do doanh nghiệp tư nhân khai thác.
Một mẫu xe buýt mini ở TPHCM do doanh nghiệp tư nhân khai thác.
Minibus ở TPHCM: Hợp lý nhưng sao khó khăn thế! ảnh 1
Tôi không bàn về khía cạnh pháp lý, vì thực tế cho thấy luật nào rồi cũng có lúc lạc hậu, nhưng sẽ nói về khía cạnh kỹ thuật và kinh tế-xã hội để minh chứng cho việc sử dụng minibus là hoàn toàn hợp lý. 
Hiện nay TPHCM có 5.000 con đường dài, ngắn với tổng chiều dài 4.583,34km. Trong 5.000 tuyến đường có đến gần 65% là đường hẻm, 35% đường trục. Hệ thống đường nội ô chủ yếu được hình thành từ trước 1975, khi ấy dân số TP chỉ với 2,7 triệu người, nay đã gia tăng lên 13 triệu người thường trực.
Các trục đường chính từ quận này qua quận khác có lòng đường khá hẹp, chỉ từ 6-7m, hiếm có đường rộng, thỉnh thoảng có một vài đoạn được mở rộng ra sau 1995 lên 10-12m nhưng sau đó lại bị bóp lại giống như đoạn Điện Biên Phủ mở rộng. Còn các đường hẻm chỉ từ 2-4m, thậm chí dưới 2m.
Một đặc điểm nữa là đường sá của TPHCM có quá nhiều giao cắt đồng mức và không đồng mức, toàn TP có đến hàng ngàn đường nhánh đâm từ các hẻm ra các đường trục tạo ra vô số các điểm giao cắt không theo quy luật nào cả.
TPHCM hiện nay có 128 tuyến xe buýt (91 tuyến trợ giá, 37 không trợ giá) với hơn 2.300 xe chủ yếu từ 41, 60 đến 80 chỗ, thân xe dài 12m rộng gần 3m, chủ yếu hoạt động ở các tuyến đường rộng 10m trở lên, không đi vào các đường nhỏ hơn và đường hẻm. Loại xe này có hiệu quả khi chạy tuyến đường dài, kiểu như Bến Thành - Suối Tiên; Bến Thành - An Lạc, hoặc xe đi liên tỉnh với điều kiện đường thông thoáng, còn vào giờ cao điểm loại xe này di chuyển khó khăn, thậm chí nó chính là thủ phạm gây ách tắc ở các vòng xoay, chỉ cần 3-4 xe buýt đổ dồn về một vòng xoay là gây ra tình huống kẹt cứng không di chuyển được.
Loại xe buýt lớn rất khó bề xoay sở trong một "rừng" xe máy lên đến hơn 8 triệu xe ở TPHCM, cho nên thường về bến chậm, bỏ bến và có nhiều tuyến xe chạy không có khách hoặc chỉ có lèo tèo vài ba người. 
Trong thời gian gần đây, nhiều chủ xe xin bỏ tuyến vì không có hoặc quá ít khách, càng chạy càng lỗ, trong khi đó TP không thể bù lỗ mỗi năm lên đến 1.200 tỷ đồng được. Nhưng mục tiêu của các TP lớn là phải phát triển giao thông công cộng, đảm bảo vận chuyển được hơn 60% số lần di chuyển của người dân, và đương nhiên là không thể phát triển xe máy mãi được, đến lúc nào đó sẽ là thảm họa cho toàn TP.
Do vậy giải pháp bổ sung thêm minibus là tối ưu trong tình hình hiện nay. Có thể Bộ GTVT đã thấy điều đó nhưng do e ngại vướng luật nên đã bác đề án, dù TPHCM chỉ đề xuất xe nhỏ nhất là 12 chỗ. Thực tế ở các TP đông dân  trên thế giới, nhất là ở Đông Nam Á, cho thấy các loại xe nhỏ hơn chỉ từ 6-8 chỗ rất hữu dụng. 
Các TP lớn đông dân của Đông Nam Á như Manila của Philippines, Bangkok  của Thái Lan, Kuala Lumpur của Malaysia, hay TPHCM và Hà Nội có một đặc điểm giống nhau là cải tạo, mở rộng dần ra từ một TP ban đầu có diện tích vài chục km2 với vài chục ngàn dân. Đó là cách phát triển đô thị vết dầu loang từ một giọt dầu đầu tiên.
Chính vì thế hệ thống giao thông không đồng bộ, các đường trong nội ô nhỏ hẹp, ngắn và giao cắt nhau dày đặc, trong khi đó các đường vành đai, đường cao tốc rộng lớn và hiện đại. Do hệ thống giao thông như vậy, các TP lớn ngoài việc tập trung phát triển giao thông công cộng có quy mô lớn và nhanh như buýt, metro, MRT, BRT (buýt nhanh) đều phải chấp nhận các phương tiện giao thông nhỏ, gọn, cơ động. 
Bangkok khá hiện đại so với TPHCM, nhưng họ vẫn duy trì hơn 25.000 xe tuk tuk đăng ký chính thức như taxi, còn tuk tuk chạy chở hàng và dân bản địa di chuyển loanh quanh chừng hơn 3.000 xe nữa. Đây là loại xe chở được tối đa 6 người nhưng rất cơ động, linh hoạt, được khách du lịch nước ngoài rất ưa thích.
Còn tại thành phố Manila, loại xe Jeepneys cực kỳ phổ biến, hiện ở Manila xe Jeepneys dao động chừng 27.000-32.000 xe. Đây là loại xe cải tiến từ xe Jeep quân sự của Mỹ viện trợ cho quân đội Philippines, hàng năm Philippines vẫn nhập loại xe Jeep thanh lý từ các căn cứ quân sự Mỹ để làm ra loại xe Jeepneys này. Chính vì thế khách du lịch có thể bắt gặp loại xe này chạy khắp đất nước, tính ra có hơn 1 triệu xe đang lưu hành. Loại xe này rất cơ động, chở được 10-12 người và giá mua khá rẻ. 
Nhìn lại lịch sử của TPHCM cũng cho thấy một điều tương tự. Năm 1960, Sài Gòn nhập xe Lambro từ hãng Lambretta của Italia, người dân gọi là xe lam. Tính từ 1960 đến 1975, toàn miền Nam có  35.000 xe, riêng Sài Gòn có khoảng 7.200 xe lam, Biên Hòa có 1.200 xe (được gọi là thủ phủ xe lam).
Đây là loại xe 3 bánh có thùng phía sau, chuyên chở được ít nhất 8 người, nếu không chở người dùng chở hàng hóa rất tiện dụng, trong một thời gian dài nó thay xe thổ mộ chở rau, trái cây từ Hóc Môn, Củ Chi tỏa khắp các chợ nhỏ.
Do thân xe nhỏ, hẹp và 3 bánh nên cực kỳ cơ động, có thể luồn lách vào trong các hẻm nhỏ, đến từng cửa nhà đón người, dễ dàng đi ngang qua chợ búa, chỗ đông người. Nhưng theo thời gian nó giảm dần vì không nhập được phụ tùng, xe già nua bị thải loại. Đến năm 2004, Chính phủ ra Nghị định 23 cấm hẳn loại xe này.           
Hiện TPHCM muốn phát triển 6 tuyến Metro và xe buýt nhanh (BRT), nhưng sẽ không có khách nếu không có loại hình xe dạng minibus vận chuyển khách nhỏ lẻ từ các điểm khác nhau, bởi loại xe buýt nhỏ này sẽ thu gom khách từ các khu dân cư, khu công nghiệp, trường học đến các ga của Metro, các trạm xe buýt nhanh (BRT) và đến các bến xe chính như Bến xe miền Đông, miền Tây. 
Tuy nhiên, muốn loại xe này được đưa vào sử dụng trước hết Bộ GTVT phải nhận thức lại và ủng hộ TPHCM trong việc sử dụng xe buýt nhỏ. Tiếp đó Sở GTVT TPHCM phải đánh giá lại xem loại xe nào phù hợp nhất với hiện trạng đường sá và tâm thế của người dân để lựa chọn mẫu xe phù hợp, kể cả việc phục hồi loại xe lam bằng cách mua của hãng hay đặt hàng cho các công ty xe Việt Nam như Thaco sản xuất những loại xe công cộng nhỏ.
Và cuối cùng là nghiên cứu các quy chế hoạt động để cho loại xe này mang lại hiệu quả và lợi ích kinh tế cho nhiều phía. 
Chuyện trước 1975, một người dân bình thường bỏ tiền túi ra mua xe Lambro rồi tự mình lái chở khách, rong ruổi khắp nơi mà sống khỏe, người dân lao động có xe đi, chính quyền thu được thuế. Nay cũng có thể lặp lại hình ảnh ấy nhưng ở chất lượng cao hơn, tổ chức khoa học hơn.
Được không? Được chứ, miễn là đừng can thiệp sâu quá vào chuyện của người dân TP.  

Các tin khác