Một đường băng Nội Bài sẽ được sửa xong để khai thác bay cao điểm Tết

(ĐTTCO)-Khi sửa chữa và nâng cấp xong, ‘tuổi thọ’ đường băng Nội Bài ít nhất 20 năm và có thể tới 50 năm nếu như công tác bảo dưỡng định kỳ được làm thường xuyên theo đúng quy định.
Đường băng sân bay Nội Bài sẽ hoàn thành việc sửa chữa, cải tạo nâng cấp giai đoạn 1 để đáp ứng cho kế hoạch khai thác cao điểm Tết. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+)
Đường băng sân bay Nội Bài sẽ hoàn thành việc sửa chữa, cải tạo nâng cấp giai đoạn 1 để đáp ứng cho kế hoạch khai thác cao điểm Tết. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+)

Sau thời gian khởi công từ đầu tháng Bảy đến nay, dự án cải tạo, nâng cấp đường cất hạ cánh và đường lăn Cảng hàng không quốc tế Nội Bài theo lệnh khẩn cấp đã cơ bản đáp ứng được tiến độ theo yêu cầu.

Đúng tiến độ, “tuổi thọ” đường băng có thể tới 50 năm

Theo ông Đặng Hùng Thái, Giám đốc dự án cải tạo, nâng cấp sân bay Nội Bài (thuộc Ban Quản lý dự án Thăng Long - cơ quan đại diện thay Bộ Giao thông Vận tải làm chủ đầu tư tổ chức quản lý dự án), dự án được phê duyệt tháng 4/2020 và làm theo lệnh khẩn cấp với hình thức giao thầu. Hiện, Bộ Giao thông Vận tải đã phê duyệt kết quả giao thầu cho 17 gói thầu, chỉ còn gói cung cấp thiết bị đèn hiệu, biển báo trước ngày 30/11/2020 sẽ lựa chọn xong nhà thầu.

“Tiến độ tổng thể dự án đã đạt hơn 90% khối lượng, trong đó hạng mục đường lăn S2 đã bàn giao đưa vào khai thác từ ngày 6/11 đáp ứng tiến độ thực hiện. Đường lăn S7 đã thi công hoàn thành ngày 5/11. Với đường cất hạ cánh 1B dài 3.000m phần bê tông xi măng xong trước 26/11 và hoàn thiện các hạng mục còn lại đưa vào khai thác giai đoạn 1 cho máy bay Code C (máy bay A321, A320) cất cánh trước ngày 31/12/2020,” ông Thái khẳng định.

Cho rằng dự án ở sân bay Nội Bài phức tạp hơn Tân Sơn Nhất do sửa cả hai đường 1A và 1B, theo ông Thái, đường băng 1B xuống cấp nặng hơn nên làm trước, trong khi đường này nằm phía nhà ga, sân đỗ, máy bay phải lăn qua để đến đường 1A cất cánh. Quá trình thi công, đường băng 1B phải đóng từng phần và vừa bám sát tiến độ, vừa đảm bảo khai thác an toàn.

Để máy bay có thể cất và hạ cánh đường băng 1B, Ban Quản lý dự án Thăng Long cam kết sẽ hoàn thành các hạng mục xây lắp xong trước 15/5/2021; thi công lắp đặt đèn tín hiệu, hệ thống thiết bị dẫn đường xong trước 15/5/2021; bay hiệu chuẩn hệ thống thiết bị xong trước 15/6/2021 và nghiệm thu, bàn giao đưa vào khai thác từ 20-25/6/2021.

Theo phương án trước kia phía Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) đưa ra, thời gian sửa chữa đường băng Nội Bài là 28 tháng. Tuy nhiên, ông Thái tiết lộ Ban Quản lý dự án Thăng Long tính toán sơ bộ phương án thi công mới này sẽ rút ngắn so với trước đây 8 tháng (20 tháng) và thậm chí còn rút ngắn hơn nếu như điều kiện thuận lợi.

Ông Thái cũng tự tin với tiến độ sửa chữa dự án trọng điểm này thì đường băng 1B sẽ hoàn thành việc sửa chữa, cải tạo nâng cấp để đáp ứng cho kế hoạch khai thác cao điểm Tết. Sau đó, các đơn vị mới quay sang sửa chữa đường băng 1A, đảo bảo kế hoạch xong trước Tết Nguyên đán 2022 như chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải.

Đối với giai đoạn 2 sửa chữa, nâng cấp đường cất hạ cánh 1A, Ban Quản lý dự án Thăng Long đề ra các mốc hoàn thành các hạng mục xây lắp xong trước 15/10/2021; thi công lắp đặt đèn tín hiệu, sơn kẻ tín hiệu: xong trước 10/12/2021; bay hiệu chuẩn hệ thống thiết bị xong trước 25/12/2021 và nghiệm thu, bàn giao đưa vào khai thác từ 31/12/2021.

“Khi sửa chữa xong, ‘tuổi thọ’ đường băng ít nhất 20 năm và có thể tới 50 năm nếu như công tác bảo dưỡng định kỳ được làm thường xuyên theo đúng quy định, để nhiều năm nữa sẽ không phải lo nghĩ nhiều về công tác bảo đảm đường cất hạ cánh,” ông Thái khẳng định.

Duy trì thi công 24/24 giờ

Ghi nhận tại công trường, 3 nhà thầu ACC, VINADIC và Trường Sơn đang thi công 24/24 chia làm 3 ca kíp, cao điểm nhất có tới gần 1.000 công nhân lao động tại công trường và các bãi phụ trợ để nỗ lực tối đa để hoàn thành phần xây dựng.

Theo Đại úy Nguyễn Văn Vinh, Phó chỉ huy dự án cải tạo, nâng cấp đường cất hạ canh, đường lăn sân bay Nội Bài của Tổng công ty Xây dựng công trình hàng không (ACC), đường cất hạ cánh 1B dài hơn 3000m đã cơ bản được hoàn thành theo đúng yêu cầu chất lượng, kỹ thuật, hiện đang bước vào giai đoạn hoàn thiện. Hiện nay, đường cất hạ cánh đang được cắt tạo nhám để bảo đảm độ ma sát và sẽ đáp ứng tiến độ hoàn thành trước ngày 31/12.

“Trên công trường duy trì thi công liên tục 24/24 giờ, làm việc 3 ca không nghỉ, ban ngày lắp ván khuôn, cốt thép..., đến đêm đổ bê tông. Tiến độ dự án gấp gáp nên công việc gối đầu liên tục. Nhà thầu phải tuân thủ đầy đủ các quy định về an toàn, ra vào công trường, công nhân luôn được trang bị đầy đủ bảo hộ lao động, thẻ an ninh,” đại úy Vinh khẳng định.

Chỉ ra khó khăn dự án, theo ông Thái, do công trình này được làm theo lệnh khẩn cấp nên phải vừa thiết kế và thi công song hành. Trong khi đó, dự án vừa thi công vừa đảm bảo khai thác bay nên cần phải cân đối kỹ việc cho bay và thời gian triển khai thi công tính từng giờ, từng phút là bài toán rất phức tạp.

Mặt khác, ông cũng chỉ ra khó khăn nhất ở các hạng mục hệ thống thiết bị đèn hiệu, dây cáp do tính độc quyền cao phụ thuộc về giá, đơn vị cung cấp và thời gian; việc kiểm soát chất lượng bê tông cực kỳ gắt gao vì làm ban đêm chủ yếu; các công tác phối hợp ban đầu giữa các đơn vị cho phương tiện ra vào, quản lý công nhân viên, vận hành khai thác tàu bay và thi công phải đảm bảo an toàn cao nhất, thời gian thi công xây lắp được cho phép từ 0 giờ 30 đến 6 giờ 30 là thời gian ngắn …

Với sự phối hợp giữa các đơn vị liên quan đã họp và đưa ra biện pháp thi công của liên danh nhà thầu rất chặt chẽ, mỗi một hạng mục thi công phải trình lên Cục Hàng không Việt Nam phê duyệt kỹ càng do liên quan đến an toàn bay. Sau đó, nhà thầu mới được triển khai thi công.

Ông Thái cũng nhìn nhận tiêu chuẩn thi công đường băng khác biệt và cao hơn nhiều so với đường bộ bởi chiều dày bê tông cốt thép trung bình là 38cm, độ sụt bê tông bằng 0 và phải bằng phẳng, bê tông cũng chịu được cường độ áp lực bánh xe xuống nền lớn (khoảng 350MPa) nên không được đổ vào thời điểm nhiệt độ cao...

Ngoài ra, việc kiểm soát nguồn nguyên liệu đầu vào như xi măng, cát, thép rất chặt chẽ. Chủ đầu tư hàng tuần kiểm soát bất chợt, lấy mẫu về phòng thí nghiệm nếu không đạt sẽ thay thế ngay nhằm đảm bảo chất lượng công trình.

“Đây là dự án trọng điểm và thực hiện theo lệnh khẩn cấp nên tất cả trình tự thủ tục đưa ra quản lý làm sao chất lượng, tiến độ, an toàn và hiệu quả nhất. Tuy nhiên, liên danh nhà thầu vốn đã có kinh nghiệm thi công ở một số dự án sân bay trước đó đã có năng lực kỹ thuật về con người, máy móc và năng lực tài chính nên đến nay dự án đảm bảo tiến độ đề ra,” ông Thái nói.

Trước đó, ngày 29/6/2020, Bộ Giao thông Vận tải đã khởi công dự án cải tạo, nâng cấp đường cất hạ cánh sân bay Nội Bài; xây dựng mới các đường lăn thoát nhanh S3A, S5B, S6B; cải tạo, nâng cấp các đường lăn hiện hữu; xây dựng các công trình phục vụ quản lý bay, đèn tín hiệu, sơn kẻ tín hiệu, hệ thống thoát nước... với tổng mức đầu tư là 2.031,6 tỷ đồng. Thời gian xây lắp từ năm 2020 đến năm 2021 và hoàn thành công tác thanh quyết toán năm 2022.

Sau khi nâng cấp cải tạo, Cảng hàng không Nội Bài sẽ tiếp tục tiếp nhận được các tàu Aibus A350, Boeing 787-9 hay 787-10, đáp ứng được nhu cầu khai thác đến năm 2030 đạt công suất 63 triệu khách/năm và 2 triệu tấn hàng hóa/năm.

Các tin khác