Nhiều giải pháp cứu kênh Ba Bò

(ĐTTCO)-Chiều 6-10, tại Bình Dương, đại diện cơ quan chức năng TP.HCM, Bình Dương, lãnh đạo Quân đoàn 4, chủ đầu tư các khu công nghiệp (KCN) Sóng Thần 1, 2... đã mổ xẻ nguyên nhân tại sao ô nhiễm ở kênh Ba Bò vẫn chưa được giải quyết triệt để.
    Kênh Ba Bò, đoạn trên tỉnh lộ 43, Q.Thủ Đức (TP.HCM) sủi bọt trắng - Ảnh: QUANG ĐỊNH
    Kênh Ba Bò, đoạn trên tỉnh lộ 43, Q.Thủ Đức (TP.HCM) sủi bọt trắng - Ảnh: QUANG ĐỊNH

    Trong đó, lãnh đạo địa phương ở Bình Dương và ngành tài nguyên môi trường cho biết có dấu hiệu cho thấy doanh nghiệp (DN) xả thải lén nhưng chưa phát hiện được.

    Lén xả thải vào ban đêm

    Ông Trần Văn Tân - phó chủ tịch UBND thị xã Dĩ An (Bình Dương), địa bàn có các KCN Sóng Thần 1, 2 - nêu thực tế: "Mặc dù cả hai khu công nghiệp này đều đã có nhà máy xử lý nước thải và ban ngày không thấy có vấn đề gì, nhưng tới đêm hoặc sáng hôm sau thì mùi hôi lại bốc lên. Vậy phải chăng có việc DN không đấu nối vào hệ thống xử lý mà âm thầm xả lén ra kênh?".

    Ông Nguyễn Hồng Nguyên, phó giám đốc Sở TN-MT tỉnh Bình Dương, thừa nhận có dấu hiệu DN lợi dụng đêm tối, trời mưa để xả lén nước thải chưa xử lý ra kênh Ba Bò, nhưng Sở TN-MT chưa phát hiện được trường hợp xả lén nào. 

    Ông Nguyên còn cho biết hai KCN Sóng Thần 1, 2 tuy đã có nhà máy xử lý nước thải nhưng hiện đang bị quá tải. Nhiều khu dân cư cũng chưa được đấu nối vào hệ thống xử lý nước thải sinh hoạt...

    Những nguyên nhân nói trên đã khiến kênh Ba Bò ô nhiễm tăng cao trở lại. Từ cuối năm 2016 tới nay, kết quả quan trắc cho thấy hàm lượng amoni (một chất gây hại) vượt quy chuẩn từ 11,6-19,4 lần, hàm lượng COD (một tiêu chuẩn để đánh giá mức độ ô nhiễm của nước) có lúc vượt quy chuẩn tới 5,1 lần...

    Theo đánh giá của Sở TN-MT TP.HCM và tỉnh Bình Dương, nguồn xả thải vào kênh Ba Bò rất phức tạp (gồm các KCN, các DN ngoài KCN, nguồn thải từ đất của quân đội, nước thải sinh hoạt của cư dân Bình Dương, TP.HCM...) nên việc kiểm soát cần có sự tham gia đồng bộ của các địa phương, DN và cả người dân.

    Giải pháp từ các đơn vị liên quan

    Đại diện Công ty cổ phần Đại Nam (chủ đầu tư nhiều KCN và dân cư lớn) cho biết hiện KCN Sóng Thần 2 đang được thi công nâng công suất nhà máy xử lý nước thải lên 12.000 m3/ngày đêm để có thể xử lý hết lượng nước thải xả ra của DN thuê đất trong KCN. 

    Ngoài ra, công ty này cũng kiến nghị được quy hoạch lại đường ống để có thể nối thẳng nước thải đã xử lý vào hồ điều tiết của TP.HCM, thay vì chạy lòng vòng như hiện nay. 

    Công ty Đại Nam cam kết hết năm nay sẽ hoàn thành việc nâng công suất nhà máy xử lý nước thải của KCN Sóng Thần 2.

    Đại diện Bộ tư lệnh Quân đoàn 4, Bộ Quốc phòng (quản lý diện tích đất rộng lớn gần kênh Ba Bò) cho biết việc xây dựng hồ điều tiết của TP.HCM chưa khảo sát hết khu vực xung quanh dẫn tới chặn cống thoát nước chảy ra từ đất của quân đội. 

    Để khắc phục, Quân đoàn 4 cam kết đến cuối tháng 10 này sẽ xây xong hai đường cống chảy ra hồ điều tiết. 

    Tuy nhiên, lãnh đạo Quân đoàn 4 cũng nêu khó khăn là kinh phí để xây dựng hai đường cống này khoảng 600 triệu đồng nhưng hiện đơn vị chưa được Bộ Quốc phòng cấp. 

    Giải quyết khó khăn này, ông Trần Vĩnh Tuyến - phó chủ tịch UBND TP.HCM - quyết ngay tại cuộc họp là TP.HCM sẽ hỗ trợ Quân đoàn 4 phần kinh phí này.

    Ông Lê Văn Gòn - phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Nước - môi trường Bình Dương (chủ đầu tư các nhà máy xử lý nước thải tại Bình Dương) - cho biết Nhà máy xử lý nước thải Thuận An để xử lý nước thải sinh hoạt trước khi đổ vào kênh Ba Bò đã được khánh thành. 

    Tuy nhiên, tỉ lệ người dân đấu nối cống vào hệ thống hiện vẫn còn thấp nên rất cần vận động người dân kết nối nhằm xử lý toàn bộ nước thải sinh hoạt vào kênh. 

    Ngoài ra, Nhà máy xử lý nước thải sinh hoạt Dĩ An đang xây dựng, dự kiến cuối năm 2018 có thể thu gom xử lý nước thải sinh hoạt của khu vực Dĩ An giáp với TP.HCM và Đồng Nai.

    Ông Nguyễn Toàn Thắng - giám đốc Sở TN-MT TP.HCM - cho biết đến tháng 12 TP.HCM sẽ chính thức vận hành hệ thống xử lý nước thải trên tuyến kênh Ba Bò với công suất tới hơn 20.000 m3/ngày đêm tại P.Bình Chiểu, Q.Thủ Đức. Hệ thống này sẽ xử lý nước thải sinh hoạt của người dân thành phố trước khi đổ vào kênh.

    Cứu kênh Ba Bò: đã tốn 10.000 tỉ đồng

    Ông Trần Vĩnh Tuyến - phó chủ tịch UBND TP.HCM - cho biết tới nay tổng kinh phí để nâng cấp kênh Ba Bò và xây dựng các hệ thống xử lý nước thải vào kênh đã lên tới khoảng 10.000 tỉ đồng (tính cả chi phí mà các DN, chủ đầu tư các KCN xây dựng nhà máy xử lý nước thải).

    Kết thúc buổi làm việc, lãnh đạo UBND TP.HCM và Bình Dương đã ký kết kế hoạch tăng cường phối hợp kiểm soát và xử lý triệt để ô nhiễm kênh Ba Bò. Bản kế hoạch này nêu nhiệm vụ cụ thể cho từng cơ quan, DN liên quan.

    Trong đó, sở TN-MT hai địa phương cam kết sẽ phối hợp chặt chẽ, thường xuyên hơn nữa trong việc quan trắc và thanh tra, xử lý các DN xả nước thải ra kênh không đúng quy định.

    Các tin khác