Nỗ lực “giải cứu” sân bay Tân Sơn Nhất

(ĐTTCO)-Về phía Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã đích thân chỉ đạo nhiều vấn đề quan trọng. Về phía địa phương, TPHCM đã có nhiều giải pháp, công trình cụ thể để gỡ khó cho sân bay Tân Sơn Nhất.
 
Cầu vượt trước sân bay Tân Sơn Nhất đang được thi công. Ảnh: Cao Thăng
Cầu vượt trước sân bay Tân Sơn Nhất đang được thi công. Ảnh: Cao Thăng
Nhiều công trình đã và đang được xây dựng
Những ngày này, giao thông tại nút giao Quang Trung - Nguyễn Oanh - Nguyễn Thái Sơn (quận Gò Vấp) đã thực sự thông thoáng nhờ công trình cầu vượt vừa được đưa vào sử dụng.
Trước kia, vào giờ cao điểm, để “đi qua” được nút giao này thường phải mất khoảng 30 phút, nay chỉ còn 10 phút. Riêng việc đi lại ở nút giao Nguyễn Kiệm - Nguyễn Thái Sơn - Phạm Văn Đồng vẫn còn khó khăn.
Tuy nhiên, nếu không có gì thay đổi, đến cuối tháng 6-2017, tình trạng ùn ứ giao thông ở đây sẽ được cải thiện đáng kể, bởi nhánh đi từ đường Hoàng Minh Giám đến đường Nguyễn Thái Sơn của cầu vượt qua nút giao này sẽ được Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TPHCM đưa vào hoạt động từ ngày 30-6.
Theo Sở GTVT TPHCM, có tổng cộng 16 công trình, dự án mà TP đã và đang triển khai để cải thiện tình hình giao thông bên ngoài sân bay Tân Sơn Nhất.
Ngoài 2 cầu vượt nêu trên là các dự án: Cải tạo, mở rộng đường Hoàng Minh Giám (đoạn từ ranh Công viên Gia Định đến đường Đào Duy Anh và đoạn cuối nối vào đường Phổ Quang) đang được UBND quận Phú Nhuận triển khai công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, dự kiến thi công quý 4-2017; Dự án mở rộng đường Hoàng Hoa Thám, từ cổng doanh trại quân đội (giáp sân bay) đến đường Cộng Hòa (quận Tân Bình), dự kiến thi công quý 4-2017 sẽ thi công và hoàn thành trong năm 2018; Dự án cải tạo đường Cộng Hòa, từ hẻm số 2 đường Trần Quốc Hoàn đến đường Thăng Long (quận Tân Bình), dự kiến quý 4-2017 và hoàn thành trong năm 2018; Dự án nâng cấp, mở rộng đường Trường Chinh (đoạn từ đường Cộng Hòa đến đường Âu Cơ) thuộc địa bàn quận Tân Bình và quận Tân Phú.
Sở GTVT đã thông qua ranh bồi thường giải phóng mặt bằng và 2 quận trên đang triển khai công tác bồi thường. Tương tự, Dự án nâng cấp, mở rộng đường Tân Kỳ Tân Quý (đoạn từ đường Trường Chinh đến Lê Trọng Tấn) cũng đang được Sở GTVT thông qua ranh bồi thường giải phóng mặt bằng và chuyển giao cho địa phương thực hiện công tác bồi thường.
Song song với việc thực hiện các dự án, Sở GTVT cũng triển khai điều chỉnh, phân luồng giao thông cho hợp lý hơn ở cả trong và ngoài sân bay.
Đối với giao thông khu vực ngoài phạm vi sân bay, Sở GTVT đã cho mở làn đường ưu tiên vào sân bay trên đường Trường Sơn; cải tạo và mở rộng đường Trần Quốc Hoàn; tổ chức lại chiều lưu thông trên đường Hậu Giang và đường Thăng Long; tổ chức giao thông lại một số giao lộ, lắp đặt các biển cấm đỗ xe trên một số tuyến đường; lắp đặt bổ sung thêm nhiều biển chỉ dẫn, biển quang báo điện tử từ xa để hướng dẫn người tham gia giao thông hạn chế đi quá nhiều vào các tuyến đường ở khu vực sân bay Tân Sơn Nhất.
Trong sân bay, điều chỉnh lại hướng đi từ đường A1 ra đường Trường Sơn (buộc các loại xe rẽ phải vào đường Trường Sơn để giảm pha đèn tại nút Trường Sơn - đường A1); bố trí và sắp xếp lại vị trí dừng đón của taxi cho khoa học. Hiện tại, khu vực sân bay và trên các tuyến đường dẫn ra vào sân bay đã có trên 47 camera phục vụ công tác giám sát tình hình giao thông, giúp lực lượng công an phản ứng kịp thời với các nguy cơ gây ùn tắc giao thông. 
Khó có giải pháp căn cơ
 Không phủ nhận nỗ lực “giải cứu” sân bay Tân Sơn Nhất bằng các công trình hạ tầng giao thông, nhưng nhiều chuyên gia vẫn băn khoăn về tính bền vững của các giải pháp này.
Theo GS-TS Nguyễn Trọng Hòa, cùng với sự gia tăng dân số, đặc biệt là dân số cơ học của TPHCM, các cầu vượt xây dựng ở khu vực sân bay Tân Sơn Nhất sẽ có khả năng sớm bị quá tải. Các tuyến đường được mở rộng xung quanh cũng có nguy cơ rơi vào tình huống ấy.
TPHCM đã có nhiều bài học về “kẹt đường - làm đường - tái kẹt đường”, nhất là khi sân bay Tân Sơn Nhất nằm trên các tuyến đường cửa ngõ, đường huyết mạch của TP.
Cũng theo ông Nguyễn Trọng Hòa, đã đến lúc phải thay đổi cách tiếp cận về tổ chức hệ thống giao thông trong đô thị. Mạng đường hiện có và những tuyến đường đang cải tạo, mở thêm xung quanh sân bay Tân Sơn Nhất vẫn chỉ là mạng đường đô thị, người dân không đi vào sân bay vẫn có thể đi qua đó.
Ở nhiều TP lớn trên thế giới, người ta xây dựng và tổ chức các tuyến đường chuyên dùng khác tới các khu vực quan trọng trong đô thị như sân bay quốc tế.
“Tôi cho rằng Chính phủ cần hỗ trợ TPHCM sớm xây dựng đường chuyên dùng cho sân bay Tân Sơn Nhất. Nên chăng, làm thêm một hệ thống đường trên cao nối từ sân bay ra thẳng các đường vành đai để kết nối nhanh với các tỉnh xung quanh. Vị trí nào trên các đường vành đai này phải được tính toán kỹ, để hành khách từ các địa phương khác hoặc các quận, huyện ven TP có thể đi đến sân bay Tân Sơn Nhất một cách thuận lợi”, GS-TS Nguyễn Trọng Hòa nói.
Để giảm ngập cho sân bay, các địa phương nơi kênh A41 đi qua đang triển khai công tác bồi thường giải phóng mặt bằng. Theo Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập TPHCM, dự kiến cuối năm 2017 sẽ khởi công thực hiện nạo vét, khơi thông dòng cho kênh A41 và hoàn thành công tác này vào năm 2018.

Việc nạo vét kênh Hy Vọng là một phần của Dự án quản lý rủi ro ngập nước khu vực TPHCM (dự án thành phần số 4A - cải tạo kênh Hy Vọng), vốn vay Ngân hàng Thế giới (WB). UBND TPHCM đã phê duyệt dự án này tại Quyết định số 2319 ngày 10-5-2016 và đang chỉ đạo triển khai thực hiện. Để chống ngập cho sân bay Tân Sơn Nhất, Bộ GTVT cũng đang triển khai xây dựng hồ điều tiết rộng khoảng 1,3ha trong khu vực sân bay. 

Các tin khác