Quy hoạch sử dụng đất phải gắn với hạ tầng giao thông

(ĐTTCO)-Trong các số báo trước, ĐTTC đã đăng các bài viết liên quan đến nội dung làm thế nào để sử dụng tài nguyên đất một cách hiệu quả nhất, những vướng mắc khiến việc sử dụng đất chưa hiệu quả… Trên số báo này, ĐTTC tiếp tục trích đăng ý kiến của ông Võ Văn Hoan, Phó Chủ tịch UBND TPHCM, về vấn đề này.
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.
Quỹ đất của TPHCM là giới hạn, trong khi dân số liên tục tăng, kéo theo các dịch vụ phục vụ cho người dân tăng theo, tạo ra áp lực lớn trong đầu tư cho hạ tầng cho TP. Áp lực này càng gay gắt hơn khi không chỉ đảm bảo cho 10 triệu dân của TP, còn cho khách du lịch, các địa phương khác đến làm ăn, sinh sống cùng với các phương tiện như xe cộ, nhà ở tăng đột biến.
Trong bối cảnh quỹ đất ngày càng teo tóp, nhu cầu sử dụng đất tăng mạnh, đã đặt ra yêu cầu cấp thiết trong việc sử dụng đất sao cho hiệu quả. Để có giải pháp sử dụng đất hiệu quả, tiết kiệm, phải thực hiện một số công việc sau. 
Thứ nhất, quy hoạch và quản lý quy hoạch, quy hoạch sử dụng đất, phải gắn liền với quy hoạch phát triển các ngành nghề. Phải có trọng tâm và có ưu tiên như phát triển kinh tế, phát triển đô thị, phát triển hạ tầng, văn hóa, du dịch, giáo dục…
Về việc này, vừa qua chúng ta mới quy hoạch sử dụng đất, còn đất sử dụng tỷ lệ nào, ở lĩnh vực nào, bao nhiêu chúng ta chưa sát. Do quy hoạch sử dụng đất của TP chưa gắn liền với các quy hoạch, đã tạo ra thực trạng những ngành nào mạnh, ngành nào có xu hướng thị trường phát triển nhanh được sử dụng nhiều.
Thứ hai, quy hoạch sử dụng đất phải gắn liền với quy hoạch phát triển hạ tầng giao thông. Hiện nay chúng ta có quy hoạch sử dụng đất và kế hoạch sử dụng đất. Nhưng đó là nhu cầu các địa phương và các định hướng, còn phát triển gắn với giao thông để phát triển hiệu quả thực tế chưa có.
Thông thường giao thông phải đi trước, nhưng lâu nay giao thông luôn đi sau, các hạ tầng khác phát triển mới đòi hỏi phát triển hạ tầng giao thông. Vấn đề ở đây chúng ta thiếu tiền chứ không phải không có tầm nhìn.
Trong khi đó, cơ chế để phát triển hạ tầng thông qua BT, BOT hiện nay rất khó khăn, nên chúng ta buộc phải để phát triển đô thị, phát triển công nghiệp, các dịch vụ… rồi mới phát triển giao thông. Chính vì vậy hiệu quả khai thác đất không cao. 
Thứ ba, quản lý kế hoạch sử dụng đất vừa phải chặt chẽ vừa phải hiệu quả. Hiện nay quản lý kế hoạch sử dụng đất vẫn để phát triển theo yêu cầu. Thí dụ, dân có nhu cầu sử dụng đất, nếu đất nằm trong quy hoạch sẽ được đưa vào kế hoạch sử dụng đất.
Thực tế này cho thấy chúng ta vẫn còn thụ động trong quản lý kế hoạch sử dụng đất, thay vì chủ động đặt ra kế hoạch sử dụng đất, cái nào đi trước cái nào đi sau, cái nào nhiều cái nào ít. Tức quy hoạch phải có tầm nhìn, quản lý phải chặt chẽ. 
Thứ tư, việc thực hiện quy hoạch thông qua các dự án đầu tư, công trình của Nhà nước, doanh nghiệp đang gặp rất nhiều khó khăn do quy định chồng chéo, do quản lý thiếu sự thống nhất, thiếu sự chia sẻ. Vì vậy, để thúc đẩy đầu tư nhanh, có hiệu quả đưa đất, đưa vốn vào các dự án phục vụ phát triển kinh tế- xã hội, phải giải quyết các điểm nghẽn. Chúng tôi đúc kết hiện nay có 30 điểm nghẽn và cần được sớm giải quyết dứt điểm. 
Về vấn đề làm các dự án BT, quan điểm của TP là không có đất vàng trong dự án BT và các dự án BT phải gắn liền đầu tư với doanh nghiệp. Thí dụ, làm đường theo mô hình BT phải gắn liền với sử dụng đất ven đường.
Bởi sử dụng đất ven đường mới tạo ra giá trị, còn nếu làm BT ở vùng ven nhưng lấy đất ở nội thành thì không được, vì không phát huy tối đa giá trị, hiệu quả con đường đã làm. Thực tế, quỹ đất của TP hiện nay vẫn còn nhưng pháp lý khó khăn nên việc thực hiện các dự án chậm.
Những vấn đề pháp lý, mâu thuẫn của pháp luật chúng ta phải kiến nghị Trung ương. Trong phạm vi của TP phải giải quyết tốt quan hệ, sự phối hợp giữa các cơ quan. Thí dụ, khi đưa ra quyết định giao đất và triển khai dự án đầu tư trong vòng 12 tháng hay 24 tháng, chúng ta vẫn còn lúng túng.
Theo luật phải có thời gian thực hiện, nhưng chúng ta không biết những thủ tục đó đối với từng cơ quan nhà nước làm việc gì và làm trong bao lâu. Cho nên cứ đụng đến là gặp khó khăn, nhưng không rõ trách nhiệm, dẫn đến kéo dài thời gian do phải điều chỉnh dự án, làm khó cho doanh nghiệp. 
Do vậy phải xây dựng cơ chế phối hợp để xử lý những điểm nghẽn này. Bên cạnh đó phải có cơ chế giám sát từ bên trong và từ bên ngoài. Thời gian qua nhiều dự án chậm, kéo dài ảnh hưởng đến hiệu quả đầu tư về đất đai, là do không có cơ chế giám sát tốt.
Trà Giang (ghi)

Các tin khác