Tạo điều kiện để nhà đầu tư trong nước tham gia dự án cao tốc Bắc - Nam

(ĐTTCO)-Tại họp báo thường kỳ ngày 27-9, lãnh đạo Bộ GTVT đã trả lời nhiều câu hỏi của báo chí xung quanh việc triển khai dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông sau khi có quyết định hủy thầu quốc tế để chuyển sang đấu thầu rộng rãi trong nước.
Tạo điều kiện để nhà đầu tư trong nước tham gia dự án cao tốc Bắc - Nam

Theo Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông, cùng với việc ra quyết định hủy sơ tuyển theo hình thức đấu thầu rộng rãi quốc tế và thông báo đến các cơ quan, doanh nghiệp liên quan, Bộ GTVT đã triển khai ngay việc điều chỉnh hồ sơ mời sơ tuyển phù hợp với hình thức đấu thầu rộng rãi trong nước để lựa chọn nhà đầu tư thực hiện 8 dự án theo hình thức đối tác công tư (PPP) thuộc dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông. Bộ GTVT khẳng định, về mặt trình tự thủ tục, đấu thầu quốc tế hay đấu thầu trong nước đều giống nhau, chỉ khác ở tư cách của nhà đầu tư.

Để đảm bảo năng lực tài chính của chủ đầu tư, Bộ GTVT sẽ vẫn giữ nguyên các tiêu chí theo đúng quy định nghị quyết của Quốc hội. Cụ thể, nhà đầu tư tham gia dự án phải đảm bảo yêu cầu vốn chủ sở hữu phải đáp ứng tối thiểu 20% tổng mức đầu tư dự án. Bên cạnh đó, nhà đầu tư phải có cam kết cho vay của ngân hàng tài trợ vốn tín dụng. Đây là các dự án không có bảo lãnh doanh thu, doanh nghiệp trong nước vẫn phải thực hiện trọn gói, “lời ăn, lỗ chịu”.

Để có thêm nhiều nhà đầu tư lớn có thể tham gia đấu thầu, Bộ GTVT đang phối hợp với Bộ KH-ĐT xem xét nới lỏng các điều kiện về kinh nghiệm đầu tư trong lĩnh vực giao thông, tạo điều kiện các tập đoàn lớn trong nước, có tiềm lực mạnh về tài chính, có kinh nghiệm đầu tư xây dựng nói chung có thể tham gia. Về vấn đề nguồn vốn tín dụng cho 8 dự án cao tốc Bắc - Nam, Bộ GTVT cho biết, với các dự án giao thông có mức đầu tư 7.000 - 8.000 tỷ đồng trở lên thì việc huy động nguồn vốn là rất khó khăn.

Bộ GTVT đã báo cáo Chính phủ có các giải pháp chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước, ngân hàng thương mại nới hạn mức cho vay và có cách thức huy động vốn cho vay đối với 8 dự án PPP cao tốc Bắc - Nam.

Tại họp báo, Cục Hàng không Việt Nam và Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) cũng trả lời về tiến độ dự án nhà ga T3 sân bay Tân Sơn Nhất. Theo ông Lại Xuân Thanh, Chủ tịch Hội đồng quản trị ACV, sau khi được Thủ tướng đồng ý giao nhiệm vụ đầu tư nhà ga T3, ACV đang khẩn trương chuẩn bị các bước tiếp theo với tiến độ nhanh nhất có thể.

Lộ trình đặt ra là, sau khi được phê duyệt chủ trương đầu tư, ACV sẽ triển khai ngay dự án và hoàn thành đưa vào khai thác trong vòng 36 tháng. Trong đó, các bước lập, trình phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi, thiết kế cơ sở; lập, trình thẩm tra, thẩm định hồ sơ thiết kế kỹ thuật và tổng dự toán; xin giấy phép xây dựng; đấu thầu lựa chọn nhà thầu thi công… theo quy định mất khoảng 12 tháng, thời gian thi công thực tế chỉ 24 tháng.

Các tin khác