Tháo 'nút thắt' cuối cùng cho nhà ga T3 Tân Sơn Nhất

(ĐTTCO)-Bộ KH-ĐT vừa kiến nghị Thủ tướng xem xét, quyết định chủ trương đầu tư Dự án xây dựng nhà ga hành khách T3 - sân bay Tân Sơn Nhất (TP.HCM) cho nhà đầu tư là Tổng công ty cảng hàng không VN (ACV) thực hiện bằng nguồn vốn hợp pháp của doanh nghiệp.
Sân bay Tân Sơn Nhất với 2 nhà ga T1 và T2 hiện có dấu hiệu quá tải
Sân bay Tân Sơn Nhất với 2 nhà ga T1 và T2 hiện có dấu hiệu quá tải
Vốn ACV, không dùng vốn ngân sách
Trước đó, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã giao Bộ KH-ĐT có ý kiến kết luận rõ Dự án nhà ga T3 Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất đã đủ cơ sở pháp lý để Thủ tướng quyết định chủ trương đầu tư, đồng thời làm rõ nguồn vốn đầu tư thực hiện dự án, không sử dụng vốn ngân sách nhà nước.
Trên thực tế, vướng mắc lớn nhất đang “níu chân” khiến dự án T3 Tân Sơn Nhất dù rất cấp bách, nhưng nhiều năm nay chưa thể triển khai, do tính pháp lý khi giao ACV (doanh nghiệp đã cổ phần hóa) thực hiện, gồm cả nguồn vốn lẫn quyền sử dụng đất.
Trong văn bản góp ý gửi Bộ KH-ĐT, Bộ GTVT cho hay nguồn vốn thực hiện đầu tư sử dụng vốn của ACV. Theo quy định của luật Ngân sách nhà nước năm 2015, vốn của ACV không phải vốn ngân sách nhà nước.
Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp cũng cho biết, theo báo cáo của người đại diện phần vốn nhà nước tại ACV và tờ trình báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án xây dựng nhà ga hành khách T3, dự án đầu tư bằng nguồn vốn doanh nghiệp huy động, không sử dụng vốn ngân sách nhà nước.
Khả năng huy động nguồn vốn của ACV được bảo đảm. Ủy ban cũng đề nghị Bộ KH-ĐT nhanh chóng hoàn thiện báo cáo kết quả thẩm định dự án trình Thủ tướng, do việc đầu tư dự án rất cấp bách, cần thiết để giải quyết tình trạng quá tải hiện nay tại Tân Sơn Nhất.
Trên cơ sở góp ý của các bộ, ngành, trong văn bản gửi Thủ tướng ngày 19.3, Bộ KH-ĐT cho biết quá trình thẩm định chủ trương đầu tư dự án tuân thủ các quy định pháp luật về đầu tư. Dự án xây dựng nhà ga hành khách T3 có tổng vốn đầu tư 10.990 tỉ đồng, thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của Thủ tướng.
Về sử dụng vốn ngân sách nhà nước, dự án được kiến nghị giao ACV làm chủ đầu tư thực hiện bằng nguồn vốn hợp pháp của ACV, đề nghị không sử dụng vốn ngân sách nhà nước để đầu tư.
Bộ KH-ĐT khẳng định trên cơ sở Báo cáo tài chính hợp nhất năm 2018 được kiểm toán, ACV có đủ khả năng huy động vốn dài hạn để đầu tư tối đa khoảng 23.643 tỉ đồng, bảo đảm khả năng huy động vốn để đầu tư Dự án nhà ga T3.
Về quyền sử dụng đất thuộc dự án và chủ đầu tư dự án, theo Bộ KH-ĐT, căn cứ vào điều 156 luật Đất đai năm 2013, điều 57 luật Hàng không, Bộ GTVT có trách nhiệm giao đất cho ACV để thực hiện đầu tư dự án xây dựng nhà ga T3.
“Việc Bộ GTVT đề xuất giao ACV làm nhà đầu tư thực hiện dự án bằng nguồn vốn của doanh nghiệp là phù hợp với các quy định nêu trên. Bộ GTVT chịu trách nhiệm về đề xuất của mình”, Bộ trưởng KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng nêu rõ.
ACV làm dự án đắt hay rẻ?
Không chỉ ACV, dự án nhà ga T3 Tân Sơn Nhất đang là “miếng bánh” hấp dẫn với rất nhiều nhà đầu tư, nhờ khả năng sinh lời cao. Tháng 2.2019, Bộ GTVT đã nhận được đề nghị của Tập đoàn FLC muốn đầu tư, nhưng theo Bộ GTVT, doanh nghiệp này chưa có nghiên cứu cụ thể, trong khi ACV đã có nghiên cứu chi tiết.
Trước FLC và ACV, Công ty CP hàng không lưỡng dụng Ngôi sao Việt (Vietstar Airlines) từng là nhà đầu tư được lựa chọn và đã có nghiên cứu chi tiết về nhà ga lưỡng dụng T3 (công suất 9,8 triệu khách/năm và có quy hoạch giai đoạn 2 thêm 10 triệu khách/năm). Vietstar tiếp tục theo đuổi dự án này với nhiều văn bản gửi lên Bộ GTVT cũng như Thủ tướng, khẳng định đã từng nghiên cứu dự án nhà ga lưỡng dụng T3 từ năm 2015, cũng như suất đầu tư rẻ hơn phương án của ACV.
Mới nhất, ngày 13.3, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản gửi Bộ Quốc phòng yêu cầu bộ này làm việc với Vietstar Airlines liên quan đề nghị xây dựng nhà ga lưỡng dụng T3 của Vietstar, trường hợp vượt thẩm quyền báo cáo Chính phủ xem xét giải quyết.
Trước việc nhiều nhà đầu tư mong muốn làm T3 Tân Sơn Nhất, theo đại diện Bộ GTVT, văn bản đề xuất của Bộ KH-ĐT đã tháo gỡ những nút thắt vướng mắc lớn nhất cho dự án nhà ga T3, khẳng định tính chính danh khi giao thầu cho ACV, chấm dứt những tranh cãi về việc tại sao chỉ định dự án cho ACV mà không phải Vietstar hay không đấu thầu rộng rãi.
Tuy nhiên, theo PGS-TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính), nếu đấu thầu công khai, minh bạch tạo điều kiện cho các tập đoàn kinh tế tư nhân ngoài ACV tham gia, có thể tiết kiệm nhiều hơn so với suất đầu tư ACV dự kiến. Trong trường hợp Chính phủ quyết định giao dự án T3 cho ACV thực hiện, doanh nghiệp này phải làm rõ được suất đầu tư không cao hơn dự án của các nhà đầu tư hoặc các cảng hàng không tương đương khác.
Trước đó, báo cáo nghiên cứu tiền khả thi năm 2019 của Dự án nhà ga T3 Tân Sơn Nhất của ACV cho biết công suất thiết kế 20 triệu khách/năm, tổng diện tích xây dựng 110.000 m2, suất đầu tư xây dựng và thiết bị là 49 triệu đồng/ m2 sàn, tổng suất đầu tư 54 triệu đồng/m2 sàn. Một số hạng mục của nhà ga T3 được đánh giá có kinh phí cao hơn suất đầu tư sân bay Vân Đồn, cụ thể như hạng mục nhà ga 42 triệu đồng/m2 trong khi Vân Đồn là 40 triệu đồng/m2, sân đỗ máy bay là 6 triệu đồng/m2 so với 3,1 triệu đồng/m2.
“Nhà ga T3 Tân Sơn Nhất là dự án rất cấp bách, cần sớm thông qua để triển khai giảm tải cho Tân Sơn Nhất, không nên để dằng dai kéo dài, nhưng phương án đưa ra cũng phải được dư luận tâm phục khẩu phục”, ông Long nhìn nhận.
Dự án nhà ga hành khách quốc nội T3 Tân Sơn Nhất công suất 20 triệu hành khách/năm và các công trình phụ trợ đồng bộ khai thác nội địa tại Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất đáp ứng yêu cầu khai thác, phù hợp với quy hoạch và phân chia sản lượng khai thác giữa sân bay Long Thành và Tân Sơn Nhất, giảm tải cho nhà ga T1 đang quá tải. Công trình có tổng mức đầu tư dự kiến là 10.990 tỉ đồng bằng nguồn vốn góp của ACV, thời hạn hoạt động dự án là 50 năm với tiến độ xây dựng là 37 tháng kể từ khi phê duyệt chủ trương đầu tư.

Các tin khác