Cần có chủ trương mới cho vùng Trung du và miền núi Bắc bộ

(ĐTTCO)-Việc phát triển kinh tế-xã hội vùng Trung du, miền núi Bắc bộ đang đặt ra nhiều vấn đề cần giải quyết, đòi hỏi cần phải có một chủ trương mới, toàn diện, tập trung, xuyên suốt.
Thành phố Lào Cai. (Ảnh minh họa: Quốc Khánh/TTXVN)
Thành phố Lào Cai. (Ảnh minh họa: Quốc Khánh/TTXVN)

Chiều 3/12, Ban Kinh tế Trung ương tổ chức Hội nghị Ban Chỉ đạo tổng kết thực hiện Nghị quyết số 37-NQ/TW, ngày 1/7/2004 của Bộ Chính trị khóa IX về phương hướng phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Trung du và miền núi Bắc bộ đến năm 2020.

Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh, Trưởng Ban Chỉ đạo tổng kết Nghị quyết chủ trì Hội nghị.

Báo cáo tại hội nghị, Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Hồng Sơn, Phó Trưởng ban Chỉ đạo cho biết, quá trình tổng kết Nghị quyết 37-NQ/TW được thực hiện trong hai giai đoạn.

Giai đoạn thứ nhất, Ban Kinh tế Trung ương được giao chủ trì và phối hợp với các bộ, ngành, địa phương liên quan triển khai Đề án tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết 37-NQ/TW.

Giai đoạn thứ hai, Trưởng ban Kinh tế Trung ương đã ban hành Quyết định thành lập Ban Chỉ đạo tổng kết Nghị quyết 37-NQ/TW và tham mưu Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết mới phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng vùng Trung du và miền núi Bắc bộ.

Chỉ đạo tại Hội nghị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh đánh giá cao tinh thần trách nhiệm của các thành viên Ban Chỉ đạo tổng kết Nghị quyết 37-NQ/TW; ghi nhận nỗ lực của các bộ, ngành, địa phương đã quan tâm, nghiêm túc triển khai, thực hiện đúng Kế hoạch tổng kết của Ban Chỉ đạo.

Trưởng Ban Kinh tế Trung ương khẳng định, Bộ Chính trị khóa IX đã xác định “đúng”, “trúng” những vấn đề đặt ra đối với vùng Trung du, miền núi Bắc Bộ; thể hiện rõ tư duy, tầm nhìn trong các chủ trương của Đảng nhằm phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh của vùng.

Qua hơn 17 năm thực hiện Nghị quyết 37-NQ/TW đã mang lại nhiều kết quả tích cực, ấn tượng, góp phần quan trọng trong việc phát triển kinh tế-xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân.

Tuy nhiên, trước bối cảnh tình hình và các yêu cầu phát triển mới, việc phát triển kinh tế-xã hội vùng Trung du, miền núi Bắc bộ cũng đặt ra nhiều vấn đề cần giải quyết. Điều đó đòi hỏi Đảng, Nhà nước cần phải có một chủ trương mới, toàn diện, tập trung, xuyên suốt với tư duy, tầm nhìn mới, phù hợp với thực tiễn đặt ra với vùng.

Đề án tổng kết Nghị quyết 37-NQ/TW đang được Ban Chỉ đạo triển khai là cơ sở quan trọng giúp Bộ Chính trị định hướng phát triển vùng Trung du và miền núi Bắc bộ thời gian tới.

Các ý kiến tại Hội nghị bày tỏ sự thống nhất cao về phương pháp tiếp cận, nghiên cứu, bố cục, kết cấu của dự thảo Báo cáo.

Dự thảo Báo cáo tổng kết Nghị quyết 37-NQ/TW do Thường trực Tổ biên tập chuẩn bị công phu, chất lượng, đảm bảo bám sát các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ và đề cương đã được Ban Chỉ đạo thông qua, phù hợp với thực tiễn phát triển của vùng; cập nhật được các chủ trương, nhiệm vụ của vùng Trung du và miền núi Bắc bộ được đề ra tại Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 10 năm 2021-2030 được thông qua tại Đại hội XIII của Đảng.

Các nội dung dự thảo Báo cáo tổng kết, Tờ trình và Nghị quyết mới đã tổng hợp, chọn lọc đầy đủ, toàn diện kết quả tổng kết từ báo cáo của các bộ ngành, các địa phương vùng Trung du và miền núi Bắc bộ; từ các chuyên đề nghiên cứu chuyên sâu của các viện, trường đại học, trung tâm nghiên cứu, chuyên gia, nhà khoa học; từ các góp ý của các thành viên Ban Chỉ đạo, lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương trong vùng.

Dự thảo Báo cáo tổng kết đã phản ánh khách quan, toàn diện mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội vùng Trung du và miền núi Bắc bộ sau 17 năm triển khai Nghị quyết 37-NQ/TW.

Các đại biểu cho ý kiến về 6 quan điểm, mục tiêu, 6 nhóm chỉ tiêu, 11 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu dự thảo Báo cáo đã đề ra. Nhiều nội dung đề xuất từ góc nhìn của bộ, ngành, địa phương cũng được đưa ra như đảm bảo quốc phòng an ninh; tính liên kết vùng để phát huy nội lực của các tỉnh, các hành lang kinh tế; phát triển hạ tầng giao thông vùng Trung du và miền núi Bắc bộ; phát triển kinh tế rừng...

Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh nhấn mạnh, Ban Chỉ đạo cơ bản thống nhất với các kiến nghị, đề xuất được nêu trong dự thảo Báo cáo đặc biệt là sự thống nhất cao của các bộ ngành, địa phương đề nghị Bộ Chính trị sớm ban hành Nghị quyết mới với tư duy, quan điểm, tầm nhìn mới phù hợp với bối cảnh; kiến nghị Chính phủ khẩn trương hoàn thiện quy hoạch vùng để quy hoạch vùng định hướng cho các địa phương và trở thành công cụ quản lý vùng, địa phương...

Trưởng Ban Kinh tế Trung ương đề nghị Thường trực Tổ Biên tập tiếp thu, cập nhật các ý kiến đóng góp để tiếp tục hoàn thiện Báo cáo tổng kết, Tờ trình và Nghị quyết mới để trình Bộ Chính trị đảm bảo đúng thời gian, tiến độ đã đề ra.

Các tin khác