Thu phí xe vào nội đô: Không phải là phép màu giảm ùn tắc

(ĐTTCO)-Hà Nội cần tiếp tục nghiên cứu và làm rõ phạm vi và thời gian thu phí phương tiện đi vào nội đô đồng thời đẩy mạnh hệ thống vận tải công cộng, đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân.
Hà Nội thí điểm thu phí phương tiện vào nội đô, dự kiến từ năm 2024 nhằm giảm ùn tắc giao thông. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+)
Hà Nội thí điểm thu phí phương tiện vào nội đô, dự kiến từ năm 2024 nhằm giảm ùn tắc giao thông. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+)

Nhấn mạnh đề án thu phí phương tiện vào một số khu vực trên địa bàn có nguy cơ ùn tắc giao thông là điều cần thiết nhằm hạn chế xe cá nhân, nhiều chuyên gia giao thông cho rằng để không gây phiền hà cho người dân, đạt hiệu quả, Hà Nội cần phải tính toán thu hẹp phạm vi áp dụng, cân nhắc kỹ mức phí đồng thời đẩy mạnh phát triển vận tải công cộng khối lượng lớn.

Gần 40% ý kiến ủng hộ thu phí

Tại Đề án thu phí phương tiện vào một số khu vực trên địa bàn có nguy cơ ùn tắc giao thông tại Hà Nội, Tư vấn lập đề án đã đề xuất chia làm 3 giai đoạn triển khai. Trong đó, giai đoạn thí điểm, Hà Nội sẽ thu phí phương tiện vào nội đô bắt đầu từ năm 2024. Giai đoạn 2 (từ năm 2026-2030) sẽ mở rộng vùng thu phí bờ Nam sông Hồng. Giai đoạn 3 (sau năm 2031) mở rộng vùng thu phí phía bờ Bắc sông Hồng. Trong 3 giai đoạn thu phí vào nội đô sẽ lập 68 vị trí, với 87 cổng thu phí.

Kết quả khảo sát trực tuyến về thu phí nội đô trên trang web của Sở Giao thông Vận tải Hà Nội và Tramoc cùng một số kênh cộng đồng (otofun...) cũng như qua mã QR truy cập đường link khảo sát dán tại các nơi công cộng cho thấy tính đến ngày 10/10/2022, đã thu được 1.028 phiếu khảo sát. Trong số này, có 39,7% ủng hộ thu phí nội đô, 33,2% ủng hộ có điều kiện và 27,1% không ủng hộ việc thu phí.

Kết quả điều tra xã hội học cho thấy mức phí chấp nhận được của người dân là 22.300 đồng. Nếu thu phí ở mức này, sẽ có khoảng 55% người sử dụng phương tiện sẽ chấp nhận trả phí để đi lại nhanh chóng bằng các phương tiện xe ôtô 4 chỗ, số còn lại sẽ chuyển sang các phương tiện khác được miễn hoặc giảm phí. Vì vậy, mức phí tối thiểu phải lớn hơn mức sẵn sàng chi trả của người dân thì mới có tác dụng điều tiết hành vi giao thông và việc thu phí không đặt mục tiêu lợi nhuận.

Đáng chú ý, đại diện đơn vị tư vấn đề án của Trường Giao thông Vận tải cho biết, qua nghiên cứu, đánh giá, khi thực hiện thu phí sẽ giảm khoảng 20% lưu lượng giao thông đi vào khu vực thu phí, từ đó giảm ùn tắc giao thông.

Nhiều bài toán cần có lời giải

Liên quan đến đề án này, Chủ tịch Hiệp hội vận tải ôtô Việt Nam Nguyễn Văn Quyền cho rằng Hà Nội cần tiếp tục nghiên cứu và làm rõ phạm vi thu phí, bởi nếu đặt trạm thu phí bao quanh Vành đai 3 trở vào sẽ tương đối rộng, nhất là khi điều kiện hạ tầng giao thông còn nhiều hạn chế (bãi đỗ xe, giao thông công cộng…). Do vậy, thành phố cần phải tính toán thu hẹp phạm vi áp dụng.

“Các nước khi mới thực hiện đều thu phí phương tiện cá nhân ở phạm vi hẹp. Có thể chỉ thực hiện ở quận trung tâm, khu vực thường xuyên ùn tắc, sau đó mới mở rộng phạm vi khi các điều kiện đi lại của người dân bằng giao thông công cộng thuận tiện hơn, đời sống thu nhập của người dân cao hơn,” ông Quyền góp ý.

Ông Khương Kim Tạo, nguyên phó Chánh Văn phòng Uỷ ban An toàn giao thông Quốc gia bày tỏ lo ngại việc thu phí xe vào nội đô để giảm ùn tắc giao thông sẽ gặp nhiều khó khăn vì sẽ có hiện tượng "lách" nộp phí bằng cách tránh các cung đường lớn có trạm thu phí, tìm đến các đường nhỏ hoặc tìm cách mua nhà vào phía trong vành đai để tránh việc phải trả phí thường xuyên, lâu dài. Điều này làm gia tăng việc ùn tắc ở các cung đường này.

Chuyên gia giao thông Phan Lê Bình cho rằng Hà Nội cũng cần tính toán lại thời gian thu phí, chỉ nên thu phí ở giờ cao điểm để các chủ phương tiện chủ động điều tiết, hạn chế di chuyển, tránh ùn tắc giao thông.

“Trong phương án cần đưa ra mức thu phí đủ để các chủ phương tiện thay đổi cường độ di chuyển vào nội đô Hà Nội. Tức là số tiền đủ để chủ phương tiện sắp xếp lại thời gian, hạn chế số lượt di chuyển vào nội đô. Tuy nhiên, số tiền này không được cao quá và cũng không được thấp quá," ông Bình chia sẻ.

Theo ông Bình, hiện nay ôtô dán thẻ thu phí tự động không dừng (ETC) đã rất phổ biến nên nếu thực hiện việc thu phí vào nội đô thì nên tích hợp vào chung thẻ ETC luôn chứ không nên dán thêm một thẻ khác để tránh phiền phức cho người dân, doanh nghiệp. Khi tích hợp vào thẻ ETC thì hệ thống thu phí sẽ kết nối với hệ thống của các doanh nghiệp được giao thu phí.

Đại diện một nhà cung cấp dịch vụ thu phí ETC cho hay thu phí nội đô hiện nay không có gì phức tạp, hoàn toàn có thể áp dụng công nghệ thu phí tự động như trên các đường cao tốc, đường Quốc lộ hiện nay.

Chỉ nên bắt đầu khi vận tải công cộng hoàn thiện

Nhiều chuyên gia cũng cho rằng thu phí nội đô chỉ nên triển khai khi giao thông công cộng hoàn thiện và đảm nhận được chuyên chở nhu cầu đi lại của người dân. Khi đó, giao thông công cộng tốt và tiện lợi thì chẳng ai đi xe cá nhân.

Thu phi xe vao noi do: Khong phai la phep mau giam un tac hinh anh 1
Các xe buýt vào đón, trả khách tại trạm chờ trên đường Nguyễn Trãi. (Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN)

Tuy nhiên, theo báo cáo của Trung tâm quản lý giao thông công cộng thành phố Hà Nội (Tramoc), mạng lưới vận tải hành khách công cộng của Thủ đô tính đến thời điểm này mới đáp ứng gần 17,5% nhu cầu đi lại. Vì thế, giai đoạn từ năm 2022-2025, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội đặt mục tiêu phấn đấu tới năm 2025 vận tải hành khách công cộng đáp ứng 30-35% nhu cầu đi lại của người dân.

Tiến sỹ Vũ Anh Tuấn, Phó trưởng Bộ môn Quy hoạch và Quản lý Giao thông Vận tải (Trường Đại học Giao thông Vận tải) cho biết chỉ tính đến thu phí nội đô khi đã có 4 tuyến vận tải khối lượng lớn đó là đường sắt đô thị.

“Khi Hà Nội có được 4 tuyến Metro, lúc đó thành phố mới có cơ sở để triển khai và đưa bài toán này vào, hỗ trợ hạn chế sử dụng xe cá nhân. Cơ bản nhất vẫn là phải có hệ thống giao thông công cộng, nếu chỉ thực hiện riêng đề án này thì đóng góp vào việc giảm ùn tắc giao thông là không đáng kể,” ông Tuấn nói.

Về thời điểm dự kiến thí điểm thu phí do đơn vị tư vấn đề xuất, chuyên gia giao thông Nguyễu Hữu Đức cho hay từ nay tới năm 2024, thời gian còn rất ngắn, trong khi đó mạng lưới tuyến đường sắt đô thị vẫn còn thực hiện rất chậm và chưa biết khi nào mới hoàn thành.

“Trong bối cảnh giao thông hiện nay, có thể sau năm 2030 Hà Nội mới thực hiện được đề án này bởi khi đó mới có thêm một số tuyến đường sắt đô thị và hệ thống vận tải hành khách công cộng mới phát triển đủ mạnh, mức thu nhập của người dân cao hơn. Còn như hiện tại, dự kiến thu phí từ 50.000-100.000 đồng là một khoản không hề nhỏ,” ông Đức lo ngại.

Các tin khác