TP HCM tạm dừng dự án BT đang đàm phán

(ĐTTCO)-TP HCM đang có khoảng 130 nhà đầu tư đăng ký tham gia các dự án theo hình thức đối tác công tư với tổng vốn hơn 350.000 tỉ đồng.

 
Cầu Sài Gòn 2 - một công trình được thực hiện theo hình thức BT đang phát huy hiệu quả ở TP HCM Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Cầu Sài Gòn 2 - một công trình được thực hiện theo hình thức BT đang phát huy hiệu quả ở TP HCM Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Ngày 30-10, UBND TP HCM họp định kỳ về tình hình kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng và thu chi ngân sách tháng 10 và 10 tháng đầu năm 2017. Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong đã thông tin về tình hình thực hiện các dự án BT (xây dựng - chuyển giao) trên địa bàn TP.

Công khai, minh bạch BT

Ông Nguyễn Thành Phong cho biết trong tuần này sẽ có hội thảo để đánh giá thực trạng và tìm kiếm giải pháp, quy trình quản lý các dự án BT trên địa bàn TP. Nội dung làm việc là đánh giá và đề xuất quy trình quản lý các dự án BT như thế nào, tránh trường hợp "lợn cợn" chuyện bị tác động bởi các yếu tố khác. Quy trình làm dự án BT phải bảo đảm làm sao khai thác có hiệu quả tài nguyên đất đai và tài sản của nhà nước. "Sở Kế hoạch và Đầu tư chuẩn bị hội thảo này phải hết sức chu đáo, mời đầy đủ các thành phần, chuyên gia am hiểu để góp ý, lắng nghe để hình thành quy trình, sau đó báo cáo với Thường vụ Thành ủy vấn đề này" - ông Phong yêu cầu.

Theo ông Phong, việc thực hiện các dự án này phải hết sức công khai, minh bạch, bảo đảm các quy định của pháp luật nhưng cũng phải thông thoáng, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đầu tư. "Các dự án BT đang thảo luận, đàm phán phải dừng lại hết, sau khi có quy trình mới sẽ tính tiếp. Còn cái nào đã có chỉ đạo của Chính phủ rồi thì cứ tiếp tục làm. Sở Kế hoạch và Đầu tư làm việc với các doanh nghiệp để thông tin rõ ràng, chậm lại chút để sau này dễ dàng trong quản lý mà vẫn bảo đảm quyền lợi nhà đầu tư" - ông Phong nhấn mạnh. Nói rõ thêm, Phó Chủ tịch UBND TP Trần Vĩnh Tuyến yêu cầu các đơn vị không được tham mưu, đề xuất gì liên quan đến các dự án BT nữa, kể cả nghiên cứu tiền khả thi.

Tại cuộc họp báo ngay sau đó, trước sự quan tâm của báo giới về tác động của chủ trương tạm dừng các dự án BT, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Sử Ngọc Anh cho biết 5 năm qua, TP đầu tư 1 triệu tỉ đồng cho phát triển hạ tầng. Trong những năm tới, TP có nhu cầu chi đến 500.000 tỉ đồng để phát triển hạ tầng nhưng ngân sách chỉ đáp ứng khoảng 30% nên cần huy động thêm các thành phần khác. Theo ông Anh, gần đây nhất, có 18 dự án hạ tầng đang triển khai theo hình thức BT, BOT với vốn đầu tư khoảng 59.000 tỉ đồng. Ngoài ra, đang có khoảng 130 nhà đầu tư đăng ký tham gia các dự án theo hình thức đối tác công tư tại TP với tổng số vốn khoảng 350.000 tỉ đồng. "Sắp tới sẽ thực hiện theo các bước chặt chẽ, có cơ chế giám sát như định mức vốn công trình, đấu giá đất" - ông Anh nói.

Lo ngại lãng phí đất công

Liên quan đến vấn đề sử dụng đất công, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP Nguyễn Toàn Thắng thừa nhận có những biểu hiện sử dụng đất chưa hiệu quả, không đúng mục đích được giao trên địa bàn TP. Những việc này cũng đang nằm trong quá trình kiểm tra của Sở Tài nguyên và Môi trường cùng các quận, huyện. Trong giai đoạn 2010-2015, qua rà soát đã thu hồi 576 dự án đã được chấp thuận chủ trương nhưng chậm triển khai. Hiện TP đang tiếp tục rà soát ở giai đoạn năm 2016-2020 khoảng 1.283 dự án, trong đó có khoảng 280 dự án có dấu hiệu chậm tiến độ. "Chúng tôi đang tập trung phân loại và đối chiếu quy định pháp luật để xử lý. Việc giao đất 2 bên sông Sài Gòn cũng được rà soát kỹ sau khi có ý kiến từ các đại biểu Quốc hội" - ông Thắng cho hay.

Theo ông Thắng, điều đó cho thấy kể cả đã có chủ trương nhưng khi sử dụng không đúng mục đích đất được giao hoặc không làm đều bị xử lý. Thông tin thêm, ông Thắng nói vừa qua Chính phủ cũng tạm dừng thực hiện Quyết định 09/2007/QĐ-TTG về việc sắp xếp lại, xử lý nhà, đất thuộc sở hữu nhà nước nhằm sử dụng đất hiệu quả nhất, bởi đất đai là nguồn lực rất lớn sau nguồn lực về vốn.

Chánh Văn phòng UBND TP Võ Văn Hoan thông tin thêm trên địa bàn TP có 4 cơ quan quản lý nhà, đất công gồm Trung tâm Phát triển quỹ đất (đất sạch), Công ty Quản lý Kinh doanh nhà (biệt thự, công sở), Công ty Dịch vụ công ích (nhà, nhà phố, nhà đơn lẻ, nhà chưa có xử lý theo Quyết định 09) và các cơ quan trung ương (nguồn này rất lớn). Theo ông Hoan, Công ty Dịch vụ công ích đang thống kê, rà soát hơn 1.000 căn để tiến hành thu hồi. "Việc này chúng ta đã chủ trương từ rất lâu nhưng cần có thời gian bởi khâu thẩm định, thực hiện rất khó khăn. TP đã giao các địa phương phải làm để có nguồn đầu tư phát triển cho chính mình. Các địa phương cũng làm nhưng mỗi năm chỉ được khoảng 20 căn" - ông Hoan nói. 

Các tin khác